Nói đến Tây Nguyên, chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ một vùng cao nguyên đầy nắng, đầy gió, ngập tràn hương hoa cà phê, hay nhớ về tiếng cồng chiêng trầm hùng vang lên vào mỗi dịp lễ hội của các buôn làng trên đại ngàn. Không chỉ vậy, Tây Nguyên còn có Ngã ba Đông Dương – nơi một tiếng gà gáy, 3 nước đều nghe.
Cột mốc biên giới đặc biệt
Một ngày đầu xuân, khi những vạt hoa cà phê đang trổ bông trắng trên nền trời xanh cùng với mùi thơm đặc trưng không nơi nào có được, chúng tôi lên đường đến Ngã ba Đông Dương (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Đây là vùng đất lưu giữ những giá trị lịch sử hào hùng và là nơi “một tiếng gà gáy, 3 nước (Việt Nam, Lào, Campuchia) đều nghe”.
Đường về Ngọc Hồi – Kon Tum được nâng cấp, rộng và tốt hơn trước. Xe chạy qua những buôn làng trù phú và những cánh rừng cao su đang lên xanh. Ngọc Hồi là huyện phía tây Kon Tum. Dấu ấn những năm tháng chiến tranh được lưu giữ trên mảnh đất này với Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Trường Sơn, di tích lịch sử chiến thắng Plei Kần, chiến thắng Đăk Siêng – Đăk Dục…
Ánh nắng Tây Nguyên chói chang phủ xuống vạt đồi. Những dãy cao su thẳng tắp chạy theo cung đường khoảng hơn 20km dẫn chúng tôi đến với xã biên giới Bờ Y. Cuộc sống của người dân nơi đây thanh bình và yên ả.
Không còn các con đường đất đỏ quanh năm bụi mù, đường đến cửa khẩu giờ đã trải nhựa phẳng lì, sạch sẽ. Xe chạy thẳng một mạch đến cửa khẩu Bờ Y.
Sau khi làm các thủ tục, chúng tôi được lực lượng biên phòng hướng dẫn đi theo lối bên trái cửa khẩu lên thăm cột mốc ba nước.
Theo cung đường tuần tra vòng vèo, uốn lượn khoảng 10 km, chúng tôi đến chân một quả đồi có biển “Cột mốc biên giới Việt Nam – Campuchia – Lào”. Leo lên khoảng 50 bậc bê tông là nhìn thấy cột mốc sừng sững, trang nghiêm.
Cột mốc Ngã ba biên giới 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
Cột mốc cao khoảng 2 mét bằng đá hoa cương hình khối tam diện, nằm giữa một vòng tròn ốp đá đen có đường kính khoảng 7 mét trong khoảnh sân rộng giữa ngọn đồi cao 1.086 mét. Trên khối cột mốc tam diện có in hình Quốc huy mỗi nước theo 3 hướng: Đông Bắc (Việt Nam), Tây Bắc (Lào) và Tây Nam (Campuchia).
Dưới chân cột mốc hình thành con đường nhỏ. Lãnh đạo các tỉnh giáp biên: Kon Tum, Attapư, Ratanakiri đều trồng cây lưu niệm.
Tại đỉnh cao này, chạm tay vào cột mốc biên giới quốc gia, phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ vùng ngã ba Đông Dương trù phú, với thảm xanh mướt mát của rừng, xen lẫn màu đỏ nâu của đá bazan tuyệt đẹp, cảm xúc thật khó tả.
Những dấu mốc lịch sử hào hùng
Vùng đất Kon Tum là nhân chứng của cuộc chiến tranh chống Mỹ tàn khốc, với những hố bom loang lổ, đồi núi trơ trụi, cây cối cháy đen, mặt đất thấm đẫm chất độc dioxin…
Từ Đăk Tô – Tân Cảnh đến Bờ Y, một cung đường không xa nhưng có nhiều địa danh đã từng đi vào lịch sử, như Đăk Tô – Tân Cảnh, đồi 42, đồi Charlie (Sac-ly), sân bay dã chiến Bến Héc (hay Plei Kan), sân bay Phượng Hoàng…, với những khúc bi tráng của cuộc chiến tranh giữ nước.
Từ khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, các tiền đồn vùng biên giới Việt – Lào được địch ra sức củng cố, tăng cường sức mạnh quân sự, nhằm khống chế toàn bộ Bắc Tây Nguyên, cản bước sự chi viện của ta từ miền Bắc vào Nam trên tuyến hành lang huyết mạch Hồ Chí Minh. Cứ điểm Charlie cao 900 mét nằm giữa tam giác Sa Thầy – Đăk Tô – Ngọc Hồi, địch có thể khống chế cả vùng rộng lớn, giáp biên giới Lào – Campuchia.
Tháng 4/1972), trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa, ta đã loại cứ điểm này ra khỏi trận đồ bát quái của địch, mở đường cho trận quyết chiến ở cứ điểm quan trọng Đăk Tô – Tân Cảnh với những cỗ xe tăng đầu tiên của ta tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam. Sau cuộc đọ sức này, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn vùng phía Bắc Kon Tum, mở ra một hành lang an toàn trên tuyến đường Hồ Chí Minh ở Bắc Tây Nguyên.
Ngày 18/1/2008, tại khu vực Ngã ba Đông Dương diễn ra buổi lễ trang trọng khánh thành cột mốc chung Việt Nam – Lào – Campuchia, với đầy đủ quan chức ngoại giao cấp cao ba nước cùng lãnh đạo ba tỉnh chung biên giới: Kon Tum (Việt Nam), Attapư (Lào) và Ratanakiri (Campuchia).
Biển thể hiện tinh thần đoàn kết hợp tác hữu nghị giữa ba nước được đặt nơi cột mốc ba biên giới.
Rất đông du khách cùng lên cột mốc với chúng tôi, trong đó có cả các em nhỏ, các bác lớn tuổi. Không ai bảo ai, tất cả đều trang nghiêm đặt tay lên ngực, nhìn vào mặt cột mốc khắc chữ và Quốc huy Việt Nam, rồi phóng tầm mắt nhìn toàn bộ vùng ba biên giữa đất trời nắng gió, nhìn về quê hương tươi đẹp, dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ với niềm tự hào rưng rưng.
Hạnh phúc của làng nhập tịch
Những cơn gió xuân đã bắt đầu gõ cửa những ngôi nhà của người Brâu ở thôn Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi). Brâu là một trong những dân tộc rất ít người, sinh sống tập trung ở thôn Đăk Mế với dân số khoảng 655 người.
Thôn Đăk Mế nằm giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn, nổi bật là ngôi nhà Rông ngay vị trí trung tâm. Xa xưa, người Brâu thường cư trú trên địa bàn Đông Nam nước Lào, Đông Bắc nước Campuchia và một phần ít ở thôn Đăk Mế. Trải qua thời gian, người Brâu về tập trung sống ở Đăk Mế, nên người dân thường gọi thôn Đắk Mế là “làng 3 nước”.
Tiếp chúng tôi tại sân nhà Rông, ông Thao Lợi, trưởng thôn Đăk Mế hồ hởi nói: “Người Brâu giờ đã khác xưa nhiều lắm! Được sự quan tâm của Nhà nước về điện, đường, trường, trạm, người Brâu đã có cuộc sống thuận lợi hơn, có hiểu biết hơn để làm kinh tế, nhiều hộ đã thoát nghèo.”
Ông Thao La chia sẻ, mẹ ông là người gốc Campuchia và bố là người Lào. Trong chiến tranh, hai người gặp nhau rồi nên vợ nên chồng. Ông sinh ra và lớn lên tại thôn Đăk Mít (huyện Ta Veaeng Leu, Ratanakiri, Campuchia). Nhưng rồi chiến tranh, nạn diệt chủng Pôn Pốt… buộc làng của ông phải chia nhau đi sinh sống tại các vùng trên khu vực biên giới 3 nước.
Năm 1975, khi Pôn Pốt hoạt động mạnh ở Campuchia cũng là lúc người Brâu di tản nhiều nhất. Lúc ấy, bộ đội tỉnh Gia Lai – Kon Tum đã tạo mọi điều kiện cho nhân dân tạm cư, lánh nạn diệt chủng của Khơ Me Đỏ. Cũng từ đấy mà bà con Brâu đã lập làng, phát nương làm rẫy, ổn định cuộc sống và hình thành nên thôn Đăk Mế này.
Cũng nên duyên vợ chồng rồi đến sinh sống tại thông Đăk Mế, trong căn nhà nhỏ gần cuối thôn, chị Nàng Nhục tươi cười cho biết, hồi ấy, có chàng trai Brâu ở Việt Nam đã qua tỉnh Attapư thăm người nhà. Anh chị gặp nhau trong phiên chợ ở đất Lào. Ưng nhau từ cái nhìn đầu tiên, hai người xin bố mẹ tổ chức lễ cưới và về Việt Nam sinh sống.
“Nhiều năm qua, mình vẫn đón cái Tết cổ truyền của người Việt Nam. Vẫn gói bánh chưng, đi chúc Tết, uống rượu ghè và vui chơi với dân làng. Nhưng năm nay đặc biệt hơn khi mình được công nhận là người Việt Nam. Giờ đây, Việt Nam cũng là quê hương thứ 2 của vợ chồng mình”, chị Nàng Nhục bộc bạch.
Nhiều gia đình được nhập quốc tịch Việt Nam và sống ổn định trên vùng đất biên giới.
Từ khi chính quyền địa phương định cư tập trung tại thôn Đăk Mế, nơi này được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
So với làng Đăk Mế xưa kia, thôn Đăk Mế bây giờ có nhiều đổi mới và tiến bộ, ngày càng khang trang. Cả thôn Đăk Mế hiện nay chỉ còn 14 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Mỗi nhà ít nhất cũng có 3 đến 5 sào ruộng để làm lúa nước.
Ngày xưa, bà con thôn Đăk Mế thường ăn Tết vào đầu tháng 12 dương lịch. Tuy nhiên, sau khi ổn định cuộc sống tại Việt Nam, bà con dần chuyển sang đón Tết cổ truyền như mọi người. Những ngày xuân, trong làng tổ chức rất nhiều hoạt động dưới nhà Rông để cho con cháu, người già cùng vui chơi, thăm hỏi và chúc sức khỏe nhau, đồng thời, cầu mong cho một năm “mưa thuận, gió hòa”, xua tan bệnh tật trong buôn làng.
Năm nay là mùa xuân đặc biệt, khi ngôi làng 3 nước đã an cư, lạc nghiệp trên vùng đất mới. Những thế hệ bà con đồng bào dân tộc Brâu được vui đón Tết và sinh sôi, nảy nở như bông hoa Pơ Lang “sắc xuân” trên đại ngàn.