Sau 70 năm, xã Mường Phăng – nơi từng đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đang vươn mình đổi thay về mọi mặt, trở thành địa chỉ đỏ hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.
“Trái tim” chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhắc đến Điện Biên Phủ, ngoài các địa danh nổi tiếng như Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1… không thể không nhắc đến Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Cách TP. Điện Biên Phủ khoảng 30km đường bộ, khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chạy dọc quanh chân núi Pú Đồn.
Tại đây, 70 năm trước, Sở Chỉ huy Mường Phăng, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh có tính quyết định để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Khu di tích lịch sử Mường Phăng hiện nay là điểm thu hút khách du lịch. Ảnh: Đức Yên
Sở Chỉ huy Mường Phăng là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn được làm bằng những vật liệu đơn sơ như tre, luồng, lá móc, lá gồi… có sẵn tại khu rừng Mường Phăng.
Nơi đây được người dân đặt một cái tên dân dã và trìu mến là “rừng Đại tướng”, bởi căn cứ địa này do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp khảo sát và chọn làm nơi đặt Sở Chỉ huy.
Khu di tích lịch sử Mường Phăng thu hút khách du lịch đến với tỉnh Điện Biên. Ảnh: Trọng Tùng
Vươn lên sau chiến tranh, xã Mường Phăng đã đổi thay, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho nhiều thế hệ sau này.
Những ngày tháng 5 lịch sử, Khu di tích lịch sử Mường Phăng đón hàng vạn lượt du khách tham quan.
Ông Lò Văn Ánh, nhân viên Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên, thuộc tổ di tích Mường Phăng, cho biết: Để thực hiện tốt nhất việc đón tiếp khách tham quan, tổ di tích huy động toàn bộ nhân lực làm việc không kể ngày đêm.
Công tác bảo tồn di tích, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh trật tự cũng được Ban quản lý di tích quan tâm, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức một cách bài bản, giúp du khách có trải nghiệm tốt khi tới đây.
Ông Ánh chia sẻ bản thân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mường Phăng, chứng kiến quê hương từng ngày phát triển. Nhờ có di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, lượng khách du lịch đến với Mường Phăng rất đông, từ đó, bà con nhân dân địa phương cũng tiêu thụ được những sản phẩm nông sản, giúp tăng thu nhập.
Mường Phăng với những ngôi nhà cao tầng, đường xá to đẹp. Ảnh: Trọng Tùng
Diện mạo mới trên mảnh đất Mường Phăng
Tới Mường Phăng những ngày này, du khách có thể cảm nhận được ngay sự thay da đổi thịt trên vùng đất mà 70 năm trước là một căn cứ trọng điểm.
Anh Cầm Văn Trường (quản lý một homestay ở xã Mường Phăng) cho biết, nếu như trước đây Mường Phăng có 100% người dân làm nông nghiệp, thì giờ đây các dịch vụ lưu trú, ăn uống phát triển mạnh.
Gia đình anh Trường tham gia làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Trọng Tùng
Nhận ra tiềm năng phát triển du lịch của Mường Phăng, gia đình anh Trường đã đầu tư làm du lịch cộng đồng. “Homestay của tôi có thể đón tối đa 34 khách lưu trú, phục vụ đến 200 khách ăn uống bình thường. Từ hồi mở homestay, cuộc sống gia đình khấm khá hơn, lo được cho con ăn học”, anh chia sẻ.
Làm homestay giúp cuộc sống gia đình anh Trường có của ăn của để. Ảnh: Trọng Tùng
Cũng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Mường Phăng, anh Lò Văn Đức cho biết: “Trước đây khi chưa mở homestay, hai vợ chồng tôi vẫn đi làm nông bình thường. Sau khi kinh doanh mô hình lưu trú này, gia đình tôi được cải thiện về đời sống và tinh thần. Con cái còn có cơ hội giao lưu với du khách cả trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng liên kết các homestay thành chuỗi để giúp nhau cùng phát triển”.
Xã Mường Phăng đang tập trung làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Trọng Tùng
Gia đình anh Lò Văn Đức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng từ làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Trọng Tùng
Ông Lường Văn Nguyên (xã Mường Phăng) chia sẻ: “Trước đây chúng tôi làm ruộng, không đủ ăn. Người dân trồng dong rất nhiều nhưng chở về dưới xuôi bán vừa vất vả mà giá thành thì thấp”.
Vì vậy ông Nguyên tiên phong mở nhà máy sản xuất tinh bột, miến từ củ dong, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ đó mỗi năm ông tiêu thụ giúp người dân hơn 2.000 tấn củ dong, đảm bảo đầu ra ổn định cho loại nông sản này.
Ông Lường Văn Nguyên với sản phẩm miến dong do gia đình sản xuất. Ảnh: Trọng Tùng
Ông Lò Văn Hợp – Chủ tịch UBND xã Mường Phăng đánh giá địa phương đã thay đổi rất nhiều. Là người sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất này, ông Hợp từng chứng kiến sự thiếu thốn, vất vả của người dân những năm 80,90.
Sau khi sáp nhập vào TP Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất giúp người dân thuận tiện hơn trong giao thương buôn bán. Người dân cũng chuyển đổi sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, kết hợp chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Năm 2018, xã Mường Phăng đạt chuẩn mô hình nông thôn mới.
Ông Lò Văn Hợp – Chủ tịch UBND xã Mường Phăng. Ảnh: Trọng Tùng
Hiện nay, hầu như khách đến TP Điện Biên Phủ đều sẽ ghé thăm xã Mường Phăng. Cao điểm có tuần xã tiếp đón hơn 5.000 lượt khách. Năm 2023, Mường Phăng đón hơn 20.000 khách tham quan; năm nay lượng khách có thể nhiều gấp đôi, gấp ba năm trước.