Tổng đốc Cao Hữu Dực (1799 – 1859) là người làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi vua Tự Đức băng hà, lấy miếu hiệu là Dực Tông Anh Hoàng đế, để tránh phạm húy, con trai của ông là Cao Hữu Sung đã “xin lấy tên tự để gọi, nên gọi là Hữu Bằng”. Theo Quốc triều Hương khoa lục, ông là một trong mười người đỗ Hương cống trong khoa thi năm Ất Dậu (1825). Trải qua các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau: Hiệp lý, Tư vụ, Ngoại lang, Thị lang, Án sát, Tuyên phủ sứ, Tuần phủ và cao nhất là chức Tổng đốc An Hà, từ năm Tự Đức thứ 9 đến 12 (1856 – 1859). Ông được triều đình ca ngợi là người “trải thờ 3 triều, một lòng cung kính thực thà, làm quan nhiều tỉnh biên thùy, người Kinh, Thổ đều mến phục” (Theo Đại Nam Thực Lục).
Sự ghi nhận trên đây không chỉ xuất phát từ tài năng mà còn bởi phẩm đức của một vị quan thanh liêm. Đó là kết quả của quá trình tự trau dồi, rèn luyện nghiêm cẩn, được thể hiện qua bài “Tự huấn minh” do chính Tổng đốc Cao Hữu Dực sáng tác. Được viết theo thể thơ ngũ ngôn bằng chữ Hán, “Tự huấn minh” là lời tự nhắc nhở (tự huấn) về phương châm sống mà ông tâm niệm. Tuy chưa thể xác định rõ năm soạn, nhưng hiện vật còn lưu giữ tại nhà thờ họ Cao làng Thế Chí Tây cho thấy, gần 20 năm sau khi ông qua đời, vào năm Tự Đức thứ 31 (1878), con trai của ông là Cao Hữu Sung (tự Lư Khánh), lúc bấy giờ là Quang Lộc Tự Khanh, lãnh chức Bố chính tỉnh Hà Nội kiêm Chính đốc biện ở Cục Thông bảo, đã cung kính khắc lại trên biển gỗ, để truyền lại cho hậu thế.
Nội dung của bài thơ được Nhà giáo Phan Đăng dịch nghĩa như sau: “Hằng mong nhà sum hiệp, tự minh giữ nghiêm trang/ Mở lời tránh thiếu lễ, giữ tâm cốt đường hoàng/ Một điều kính nên đức, trăm việc chẳng hề sai/ Phải thường hay tự trách, hà tất bắt lỗi ai/ Run sợ ba điều sợ, mãi nhớ chín điều ơn/ Kiệm cần theo đức lớn, hiếu đễ dạy cháu con/ Kính lão dốc phong hóa, trọng thân giữ giống dòng/ Yêu thương chẳng bỏ sót, ơn huệ ắt rộng xa/ Đừng cậy thế mà ép, chẳng lấy uy bức ai/ Thương xót người gặp nạn, đừng thừa mạnh dọa nguy/ Chớ làm ác dù nhỏ, việc thiện nhỏ gắng làm/ Lời nói gần phải xét, điều ghét chớ ép ai/ Đã tôn thờ nghĩa lý, không vì lợi đổi thay/ Chẳng màng của cải tới, chẳng phí ân huệ gì/ Có của còn ki cóp, tuy thân cũng thành xa/ Thà thanh bần mà sạch, hơn giàu lại ngu si/ Lòng này thường giữ mãi, chẳng từng hao hào li/ Trời cao chẳng hề phụ, con cháu mãi lòng ghi”.
Không đơn thuần là lời tự răn của một bậc gia trưởng, “Tự huấn minh” còn là một bài gia huấn, giáo dục con cháu về luân lý và chuẩn mực ứng xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, cần, kiệm, liêm, chính, hiếu đạo, cẩn ngôn, thận hành…). Việc Tổng đốc Cao Hữu Dực sáng tác và các thế hệ con cháu trong gia đình nối tiếp khắc sao bài “Tự huấn minh” cũng thể hiện một cách thức giáo dục của người xưa với sự kết hợp giữa nêu gương bằng việc làm (thân giáo) và dạy dỗ bằng lời nói (ngôn giáo). Theo đó, tấm biển khắc ghi bài “Tự huấn minh” trong nhà thờ họ Cao có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng, không chỉ là biểu tượng của sự gắn kết giữa những người cùng huyết thống mà còn là biểu tượng của gia phong, nếp nhà.
Sự phát triển của xã hội ngày nay đã khiến gia đình giảm dần vai trò là nơi truyền thụ tri thức văn hóa, kỹ năng mưu sinh… Song, gia đình luôn là môi trường đầu tiên ươm mầm nhân cách của mỗi con người. Lời nói đi đôi với việc làm của thế hệ đi trước chính là tấm gương ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, nhân cách của các thế hệ nội tiếp. Những giá trị cốt lõi tốt đẹp của gia đình không thể gìn giữ, kế thừa nếu những bậc làm ông bà, cha mẹ không tự mình nhận thức và có hành vi ứng xử đúng chuẩn mực cho con cháu noi theo.