Có chặng nào hạ nhiệt?
Sau mùa du lịch lễ 30.4 – 1.5 bị ảnh hưởng bởi giá vé máy bay tăng cao, tỉnh Kiên Giang, TP.Phú Quốc liên tục kiến nghị, đề xuất các đơn vị cùng liên kết, hỗ trợ, tìm giải pháp và cơ chế vé máy bay để thúc đẩy phát triển du lịch Phú Quốc. Dù chưa thấy công bố chính thức về các giải pháp hay thỏa thuận nhưng theo khảo sát, giá vé máy bay từ đầu TP.HCM đến đảo ngọc giai đoạn hè sắp tới đã giảm mạnh so với thời điểm lễ 30.4 – 1.5.
Đơn cử, từ TP.HCM đi Phú Quốc giai đoạn giữa tháng 6, giá vé thấp nhất của hãng Vietjet khoảng 2,5 triệu đồng/vé khứ hồi bay thứ sáu (14.6, về 18.6), bằng khoảng 60% so với giai đoạn lễ 30.4 – 1.5. Cùng ngày, Vietravel Airlines chỉ có 1 chuyến bay, giá gần 2,8 triệu đồng/vé khứ hồi. Pacific Airlines và Bamboo Airways có mức giá tương đương, dao động từ 2,8 – 3,2 triệu đồng/vé khứ hồi. Vietnam Airlines tuy vẫn giữ khung giá vé cao nhất – hơn 3,2 – hơn 3,7 triệu đồng/vé khứ hồi nhưng cũng đã rẻ hơn nhiều mức 4,2 – 4,6 triệu đồng/vé khứ hồi mùa lễ vừa qua.
Nếu chọn bay những ngày thường trong tuần, sẽ mua được vé rẻ hơn: Vietjet chưa tới 2 triệu đồng vé khứ hồi; Bamboo Airways hơn 2,3 triệu đồng, Vietnam Airlines cũng có chuyến chỉ 1,2 triệu đồng/chiều, tương đương khoảng 2,4 triệu đồng cả đi và về.
Tuy nhiên, đầu từ Hà Nội bay vào Phú Quốc, giá vé vẫn rất cao, neo ở mức gần 3,6 triệu đồng/vé khứ hồi của Vietjet là thấp nhất, cho tới cao nhất của Vietnam Airlines – hơn 6,5 triệu đồng.
Những gia đình bay từ Hà Nội đi Nha Trang cũng phải chịu mức giá vé cao ngất ngưởng. Chặng đi 16.6, về 20.6, vé rẻ nhất của Vietjet đã tăng đến hơn 3,7 triệu đồng/vé khứ hồi; Pacific Airlines tiếp tục ngang hàng, giá khoảng 4,5 triệu đồng cho 2 chặng đi và về. Các chuyến bay của Vietnam Airlines thời điểm đó hiện đã lên khoảng 5,5 triệu đồng. Chặng Hà Nội – Quy Nhơn giai đoạn giữa tháng 7 rất ít chuyến bay. Vé của Bamboo Airways từ 4,6 – 5,3 triệu đồng/khứ hồi; Vietnam Airlines từ 5,5 – 5,8 triệu đồng. Hà Nội đi Côn Đảo giai đoạn từ nay đến hết tháng 8, mỗi ngày chỉ có các chuyến bay của Bamboo Airways giá dao động từ 4,5 – 5,6 triệu đồng/khứ hồi.
Là đường bay có số chuyến nhiều nhất, tỷ lệ khai thác “nóng” nhất, chặng TP.HCM – Hà Nội vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1 về giá vé. Hầu hết các ngày, đặc biệt cuối tuần kéo dài từ tháng 6 – hết tháng 8, vé của Vietnam Airlines đều neo ở mức 5 – 6,3 triệu đồng/khứ hồi, chỉ có số ít chuyến bay sáng sớm hoặc khuya có giá hơn 4,1 triệu đồng. Giá vé thấp nhất của Vietjet cũng đã hơn 3,4 triệu đồng/chiều. Vietravel Airlines mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay, giá vé 2 chiều không thấp hơn 3,6 triệu đồng.
Tiếp tục xu hướng ra nước ngoài du lịch?
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị – Truyền thông Công ty CP Lữ hành Vietluxtour cho biết, thị trường du lịch hè năm nay có thể sôi động hơn do các tuyến du lịch nước ngoài đã mở lại như trước dịch Covid-19. Du khách có nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm, giá cả và cả loại hình du lịch. Mùa hè, du khách thường chuộng các hình thức du lịch biển, thư giãn ở cao nguyên nên các điểm đến biển kết hợp với những điểm vui chơi phức hợp sẽ thu hút khách gia đình “trốn nóng”.
Dự đoán, Đà Nẵng, Phú Quốc, Tuy Hoà, Nha Trang, Đà Lạt… vẫn là những điểm đến trong nước được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay Vietluxtour ghi nhận thị trường tour nước ngoài có vẻ sôi động hơn vì nhiều lý do: Nhu cầu tồn từ mùa dịch, các tuyến Đông Nam Á giá tốt, Đông Bắc Á mở nhiều tuyến mới hấp dẫn… Vé máy bay nội địa “tăng nhiệt” cũng là một trong những yếu tố tác động tới sự lựa chọn của du khách.
“Khách lẻ đi chơi mùa hè này có xu hướng đặt tour outbound nhiều hơn. Riêng khách MICE vẫn tập trung nhiều trong nước nhưng một phần cũng san qua một số tuyến Đông Nam Á. Để có những chuyến du lịch chất lượng, du khách nên có kế hoạch sớm để chọn được tour phù hợp về giá, lịch trình, đồng thời để hưởng các tiện ích từ các chương trình mua sớm” – bà Bảo Thu thông tin.
Tương tự, TST Tourist cũng ghi nhận du khách có nhu cầu chuyển dịch từ du lịch trong nước sang du lịch nước ngoài do nhiều yếu tố tác động tới hoạt động lữ hành, đặc biệt là chi phí hàng không. Nhìn chung, tính ổn định của thị trường nội địa hiện không cao.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – marketing và công nghệ thông tin thuộc TST Tourist chia sẻ từ sau khi du lịch mở cửa trở lại đến nay, lượng khách đặt tour tại TST Tourist đã đạt tỷ lệ 6 – 4 nghiêng về các tour đưa khách đi du lịch nước ngoài. Những đường tour có lượng khách quan tâm nhiều, “chốt” tour từ rất sớm bao gồm: Thái Lan, Đài Loan, Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Dự báo từ tháng 6 tới, tỷ lệ này sẽ còn tăng cao hơn nữa, khi thị trường Trung Quốc mở rộng hơn, nới lỏng thêm yêu cầu kiểm dịch đối với du khách.
“Ngân sách 5 – 6 triệu có thể chọn đi Thái Lan, Campuchia, trong khi số tiền này có khi chỉ đủ mua vé máy bay từ TP.HCM – Hà Nội; nhiều tiền hơn một chút đi Singapore, Malaysia; ngân sách cao hơn thì chọn Hàn Quốc, Nhật Bản; cao hơn nữa thì đi Mỹ, châu Âu… Cao điểm hè có ý nghĩa vô cùng quan trọng với ngành du lịch Việt Nam. Nếu lượng khách quốc tế chưa kịp bù đắp thì hệ thống điểm đến, khách sạn, nhà hàng sẽ rất khó” – ông Nguyễn Minh Mẫn lo ngại.