Về lễ hội Đình Hiệp Lực nghe huyền sử danh tướng Lê Đô. (Video: Hữu Dánh)
Sáng 24/9, tại đình làng Hiệp Lực, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, diễn ra lễ khai mạc lễ hội Đình Hiệp Lực. Đây là lễ hội truyền thống của người dân xã An Khê, nhằm tưởng nhớ danh tướng Lê Đô – nam tướng quân anh hùng dưới thời Hai Bà Trưng.
Tương truyền, danh tướng Lê Đô là con trai ông Lê Dương – quan huyện Phụ Phượng. Tuy nhiên, khi vợ mất sớm, ông Lê Dương đã từ quan về quê hành nghề y và kết hôn với cô thôn nữ Trần Thị Ả Nương người làng Đông Trang Lực, phủ Ứng Hòa (nay thuộc xã An Khê).
Lê Đô được thừa hưởng sự thông minh, hiếu học và trọng lễ nghĩa từ cha mẹ. Đến nay người dân trong vùng vẫn nhắc về huyền sử Lê Đô 7 tuổi đã học rất giỏi, 12 tuổi thông thạo binh thư và võ thuật.
Sau này, chính Lê Đô đã mở trường dạy võ thuật, tuyển mộ binh lính để phò tá Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Nam Hán.
Theo cụ Chu Đăng Tạm (làng An Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), người giữ chức nguyên đầu giấy của đình Hiệp Lực: “Theo sử sách truyền lại, 15 tuổi tướng quân Lê Đô đã chiêu mộ binh sỹ và được người từ Kiến Xương, Hà Giang, Ninh Giang, Phụ Dực… kéo tới đầu quân. Có những lúc nơi tướng quân Lê Đô dạy võ có tới 10 vạn quân. Ngày nay địa điểm nơi tướng quân Lê Đô dạy võ vẫn còn di tích, được gọi là núi Trường Võ”.
Theo lời cụ Tạm, tướng quân Lê Đô đem binh lính của mình về dưới trướng Hai Bà Trưng, quyết đánh tan quân Nam Hán. Tướng Lê Đô đã góp công lớn trong việc giúp Hai Bà Trưng thu lại 63 thành trì như Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải…
Thu lại non sông gấm vóc từ tay giặc, Hai Bà Trưng xưng vương, Lê Đô được phong tước Bản quốc Thống chế Đại Tướng quân, ban hiệu Thiết Thành. Lộc ấp của tướng quân Lê Đô được ấn định là Đông Trang Lực nơi thân mẫu của ông đang ở.
“Hai Bà Trưng giao Lê Đô trấn giữ cùng đất Nghệ An thuộc quận Cửu Chân. Tuy nhiên lúc này thân mẫu của ông đã tuổi cao sức yếu, tướng quân Lê Đô quyết định từ quan về quê làm tròn đạo hiếu.
Trong thời gian ở quê chăm sóc mẹ, tướng Lê Đô dạy dân cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây vì là con người văn võ song toàn, nhân nghĩa hiếu lễ đều hội đủ”, cụ Tạm cho biết.
Đến khoảng năm 43 SCN, thân mẫu của đại tướng Lê Đô qua đời vì bệnh nặng. Ông an táng cho mẹ rồi quyết đem quân cứu viện Hai Bà Trưng lúc này đang bị vây khốn ở Cấm Khê.
Tuy nhiên, khi Lê Đô dẫn quân tới thì hay tin Hai Bà Trưng đã trẫm mình ở sông Hát. Vì muốn giữ trọn đạo quân thần, Lê Đô cũng tự hóa dưới dòng sông định mệnh này.
Cảm kích trước tài năng, đức độ và tấm lòng trung nghĩa của Bản quốc Thống chế Đại Tướng quân, dân An Khê đã lập đền thờ đại tướng Lê Đô. Hằng năm, đến ngày sinh của đại tướng Lê Đô (ngày 10/8 Âm lịch), đình làng lại mở hội suốt 3 ngày để tưởng nhớ vị danh tướng nam hiếm hoi dưới thời Hai Bà Trưng.
Huyền sử về Bản quốc Thống chế Đại Tướng quân vẫn chưa chấm dứt ở đây. Thần tích của ngôi đình truyền lại, đến thế kỷ thứ VI khi vua Lý Bí dẫn binh chống quân Lương đi ngang ngôi đình có nghỉ đêm tại núi Trường Võ.
Đêm đó, ngài nằm mộng thấy Bản quốc Thống chế Đại Tướng quân hiến kế đánh tan quân giặc. Quả nhiên sau đó, vua Lý Bí đã thành công trong trận chiến nên đã ban cho ngôi đình bức đại tự: Linh dực Trưng Vương, âm phù Lý Đế (dịch nghĩa: Khi tại thế phò tá Trưng Vương, thác rồi vẫn phù hộ vua Lý).
Không chỉ thế, huyền sử còn lưu lại chuyện anh linh vị Bản quốc Thống chế Đại Tướng quân còn hỗ trợ vua Trần Nhân Tông đánh giặc Ô Mã Nhi vào thế kỷ 13. Nhờ vậy, trong đình tiếp tục được ban bức đại tự sắc phong tướng quân Lê Đô là Đông Trang Hiển thánh. Đến nay, trong đình vẫn lưu giữ 5 đạo sắc phong mang tên tướng Lê Đô của các triều đại.
Trải qua gần 2.000 năm, Đình Hiệp Lực được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990.
Đến nay, Đình Hiệp Lực trở thành nơi thờ tự cả tướng quân Lê Đô và thân mẫu của ông. Người dân xã An Khê nói riêng và huyện Quỳnh Phụ nói chung thường tổ chức lễ hội với các lệ đặc biệt vào những ngày như sau:
Ngày 10/8 Âm lịch: Ngày sinh của Lê Đô tướng quân có lệ gà. Đây là ngày lễ hội nhằm tôn vinh công trạng của vị tướng tài một lòng trung hiếu, từng được phong đại tự “Chí trung đại nghĩa”.
Ngày 2 tháng Chạp: Ngày mất của tướng quân Lê Đô với lệ cá nướng và xôi. Đây là ngày lễ tưởng niệm công lao to lớn, sự nhân nghĩa của tướng quân Lê Đô sinh thời khi luôn chăm lo đến đời sống của nhân dân.
Ngày 4 tháng Giêng Âm lịch: Ngày mất của thân mẫu đại tướng quân Lê Đô. Đây là ngày lệ bánh dày, bánh chưng, thể hiện khao khát hướng về cuộc sống hòa bình, độc lập, ấm no của người dân bản địa.
Ngày 6/2 Âm lịch: Là ngày sinh của thân mẫu đại tướng quân Lê Đô có lệ lợn. Đây là ngày lễ tôn vinh đức hy sinh của thân mẫu đại tướng quân, tưởng nhớ điển tích bà một lòng vì nghĩa lớn, sẵn sàng mổ lợn khao quân, giúp con vững tâm đánh giặc. Ơn nghĩa của bà được thể hiện qua bức cuốn thư chính có dòng chữ “Khâm Anh Phong”.
Như vậy, lễ hội đình Hiệp Lực không chỉ là “chứng nhân” lịch sử cho những huyền sử về vị tướng anh hùng Lê Đô mà còn là nét đẹp văn hóa thể hiện đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, trung quân ái quốc của người dân An Khê, Quỳnh Phụ, Thái Bình.
An Nguyên