Có lẽ đây được xem là lễ hội “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, thu hút nhiều du khách thập phương bởi sự độc đáo và khác biệt. Cả người tham gia trận cầu cùng khán giả đều có những trận cười sảng khoái.
Tương truyền rằng, khi xưa có anh em Trương Hống, Trương Hát (đức thánh Tam Giang) đi theo Triệu Quang Phục đánh giặc, khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện, nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn; còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu Thánh.
Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, phải quy phục đức thánh Tam Giang. Chính vì vậy, dân làng Vân mở hội vật cầu vào ngày hóa của đức thánh, với ý nghĩa hội mừng chiến thắng. Người trong vùng gọi là hội Khánh Hạ.
Quả cầu làm bằng gỗ lim, đường kính 35cm, nặng khoảng 20kg được lưu truyền trong đình làng từ đời này qua đời khác. Quả cầu tượng trưng cho dương – mặt trời, còn lỗ cầu tượng trưng cho âm.
Theo tâm linh, mỗi lần cầu được đẩy xuống hố tượng trưng cho đất trời hòa hợp, mưa thuận gió hòa giúp mùa màng bội thu.
Đội vật cầu gồm 16 quân cầu là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh được tuyển chọn kỹ lưỡng từ 5 xóm, chia làm 2 giáp đấu là giáp Trên và giáp Dưới (mỗi giáp 8 người).
Các quân cầu sẽ phải ăn chay, không ăn tỏi, kiêng chuyện nam nữ trong 3 ngày theo quy định của dân làng trước khi hội vật cầu được mở. Các chàng trai được huấn luyện kỹ càng từ việc hành lễ đến thi đấu.
Trước khi vào trận, các bô lão thực hiện nghi lễ dâng hương trong đền, có múa lân trước khi diễn ra trận cầu.
Các quân cầu cởi trần đóng khố, thực hiện nghi lễ tế đức thánh Tam Giang. Họ xếp hàng đứng quay mặt vào đền lễ thánh rồi lên sân đền uống rượu trận
Sau đó, họ ngồi xếp bằng theo hàng, hai bên quay mặt vào nhau, cỗ trận để ở giữa, gồm các loại hoa quả và rượu làng Vân, thứ rượu ngon nức tiếng của vùng đất Việt Yên. Mỗi người uống 3 bát rượu và ăn hoa quả rồi ra mắt khán giả.
Tiếp đó, các quân cầu của 2 giáp xếp hàng đôi, đối diện nhau, mỗi đội cử ra một cặp đấu vật với nhau, đội nào thắng sẽ được giao cầu trước.
Ông chủ tế là người gieo cầu xuống sân cho 2 đội chơi. Quả cầu được mang từ đông sang tây theo hướng mặt trời mọc và lặn khi ra sân. Khi chủ tế vừa gieo cầu xuống sân, cũng là lúc trai hai giáp nhảy ào vào tranh cướp cầu giữa bùn đất lấm lem, quyết giành vận may. Với ý niệm nếu cướp được cầu nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh sáng cho cây trồng, cho vạn vật, chính vì thế, hội vật cầu bùn có ý nghĩa như lễ hội cầu mùa màng bội thu.
Hai giáp Trên và Dưới tranh tài quyết liệt trong 3 ngày, mỗi ngày “đánh” 1 trận (hiện nay tùy theo thực tế có năm tổ chức đánh 2 hoặc 3 trận – gọi là 2 hoặc 3 cầu), mỗi trận diễn ra 2 tiếng đồng hồ. Trận đấu bắt đầu với sự giao tranh quyết liệt của hai đội, tiếng hò reo vang dội khắp vùng. Tuy nhiên, với ý nghĩa cầu may nên trận đấu dù quyết liệt đến mấy cũng không có va chạm bạo lực.
Nguồn:https://www.facebook.com/photo/?fbid=766781795562979&set=pcb.766800528894439