Nga Sơn được biết đến là vùng đất cổ mang trong mình nhiều huyền thoại. Thật khó để tưởng tượng, nơi những cánh đồng cói xanh thăm thẳm hiện nay từng là biển cả với sóng dữ cuộn trào thuở nào. Sự xoay vần của tạo hóa cùng nỗ lực của con người đã biến đảo hoang, biển cả thành một vùng đất đai tốt tươi, làng mạc trù mật.
Chùa cổ Hàn Sơn nằm nơi cửa biển Thần Phù khi xưa đã được tôn tạo để người dân đến đây vãn cảnh, chiêm bái. Ảnh: Khánh Lộc
Nhắc đến Nga Sơn, ta nhớ đến vùng đất ven biển đầu tiên của xứ Thanh theo chiều Bắc – Nam. Nơi đây, câu chuyện hoàng tử Mai An Tiêm và kỳ tích mưu sinh nơi đảo hoang đã khiến bao thế hệ người Việt cảm phục. Hay mối tình chàng Từ Thức cùng nàng Giáng Hương để lại cho đời một danh thắng động Từ Thức tuyệt đẹp khiến bao người say đắm. Và nhắc đến vùng đất Nga Sơn, có thể nào bỏ qua một địa danh vô cùng nổi tiếng: Cửa biển Thần Phù.
Làng Chính Đại, xã Nga Điền – khu vực giáp ranh giữa hai huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) và Yên Mô (Ninh Bình) được cho là “trung tâm” cửa biển Thần Phù khi xưa. Cảnh vật ở thời điểm hiện tại khiến cho kẻ viễn khách không khỏi ngỡ ngàng. Thật khó tưởng tượng được đây từng là nơi sóng biển cuộn trào dữ dội. Lý giải cho sự “đổi thay” của cảnh vật, người dân địa phương cho biết, với sự bồi lấp của phù sa, mỗi năm biển “lùi” có thể đến cả trăm mét để nhường chỗ cho đất liền. Trải qua hàng nghìn năm, sự thay đổi lại thành điều dễ hiểu.
Nói về không gian cửa biển Thần Phù khi xưa, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa Phạm Văn Tuấn nhìn nhận: “Nhìn trên bản đồ địa lý hiện nay, có thể xác định cửa biển Thần Phù xưa là những phần đất thuộc vùng Đông Bắc huyện Nga Sơn. Cũng phải nói rằng, để có một đồng bằng ven biển bằng phẳng như ngày nay từ thực tế biển lùi là cả dấu ấn của con người. Chính Nhân dân đã “trợ lực” cho đất liền trong công cuộc đấu tranh để tiến ra biển. Đất tiến ra đến đâu, con người theo ra đến đó. Thậm chí, chính con người còn đi trước “bước tiến” của đất bằng cách “quai” thêm những đê biển ngay trên những phần đất còn ngập dưới nước mặn”.
Ở cửa Thần Phù ngày nay còn cả ngôi chùa cổ mang tên Hàn Sơn có lịch sử khởi dựng từ thời Lý, gắn liền với tên tuổi của thiền sư Nguyễn Minh Không (tức Lý Quốc Sư). Theo lời kể của người dân địa phương, ông vốn người Ninh Bình. Trước khi xuất gia, ông đã đến vùng biển Điền Hộ – Thần Phù (nay là xã Nga Điền) làm nghề chài lưới. Tại đây, ông dạy Nhân dân trong vùng mưu sinh dựa vào biển cả. Nhớ ơn, khi ông xuất gia, Nhân dân Điền Hộ đã lập chùa thờ Phật và tưởng nhớ công đức của vị thiền sư họ Nguyễn. Bởi vậy, chùa Hàn Sơn còn được biết đến với tên gọi chùa Không Lộ. Trên đỉnh Hàn Sơn, nơi chùa dựa lưng vào đá núi là bức tượng vị quốc sư triều Lý để Nhân dân đến đây chiêm bái. Trải qua thời gian, chùa Hàn Sơn đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo và đến nay chùa vẫn là địa điểm thờ phật được Nhân dân xa gần biết đến.
Cách Hàn Sơn tự không xa, người dân trong vùng còn phát hiện một chữ “Thần” lớn khắc trên vách đá thuộc núi Thần Đầu. Dù chưa có tài liệu trong sử sách nhưng Nhân dân tin rằng, chữ “Thần” hẳn nhiên có mối liên hệ với địa danh cửa Thần Phù cùng truyền thuyết đầy huyền thoại, hấp dẫn về những vị thần tối linh.
Có lẽ, ít có nơi nào mà truyền thuyết và lịch sử lại có sự đan xen kì thú như vùng đất Nga Sơn. Câu chuyện về vị hoàng tử Mai An Tiêm vì thẳng thắn, cương trực mà bị đày ra nơi đảo hoang đến nay vẫn khiến hậu thế cảm phục. Vậy nhưng, như bao người Việt kiên cường, vị hoàng tử con nuôi Vua Hùng không đầu hàng nghịch cảnh và từ bỏ khát vọng sống, khẳng định mình. Bởi vậy mà nơi đảo hoang, sự sống đã bắt đầu được ươm mầm.
Nếu không có những chiến thuyền dám lênh đênh vượt cửa Thần Phù, thì giờ đây một dải non sông gấm vóc nước Việt sẽ ra sao. Cũng như, nếu không có những trái tim dám sống, dám đấu tranh, khát vọng giống như hoàng tử Mai An Tiêm, thì liệu đảo hoang có thể trở thành vùng quê trù mật!
Ghé thăm những địa danh, di tích… đã in dấu chân cha ông thuở trước, không đơn thuần chỉ là thưởng lãm cảnh đẹp hay say sưa trong những câu chuyện truyền thuyết. Lắng lòng, mở rộng tâm hồn, cùng nghe lời “đồng vọng” từ quá khứ. Hào hùng, anh dũng mà rất đỗi thiêng liêng. Để nhắc nhở mình, là người Việt sao ta có thể không trân quý lịch sử!
Khánh Lộc