BBK – Lưng dựa vào núi, mặt hướng cánh đồng xanh ngát, những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm là niềm tự hào của đồng bào Tày ở Bản Vèn, xã Kim Hỷ (Na Rì). Những giá trị về mặt văn hóa, kiến trúc của nhà sàn nơi đây cần được bảo tồn và phát huy trước những thách thức của thời gian và xu hướng phát triển thời đại.
Những nếp nhà sàn cổ xinh xắn nép mình dưới chân núi. |
Những ngôi nhà sàn tuổi đời “vắt ngang hai thế kỷ”
Ngôi nhà sàn với diện tích 150m2 hiện đang là nơi chung sống của “tứ đại đồng đường” gia đình cụ Nguyễn Duy Am (88 tuổi). Ngôi nhà gồm 4 gian 2 chái, được bố trí theo chuẩn nhà sàn cổ, gồm 3 khu vực chính, lấy bếp lửa giữa nhà làm trung tâm.
Cụ Nguyễn Duy Am (88 tuổi) chia sẻ về cuộc sống trong ngôi nhà sàn gần 200 tuổi của gia đình. |
Cụ Am kể: Nhà sàn đang ở được làm cách đây khoảng gần 200 năm. Toàn bộ cột, xà, kèo, sàn, vách bưng đều làm bằng gỗ nghiến nên trải qua bao mưa nắng, gió sương vẫn vững vàng cùng năm tháng. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, do chính người trong xã làm. Không chỉ che nắng mưa, nơi trở về sau ngày lao động vất vả, nhà sàn còn là nơi cụ bảo ban, truyền tình yêu thương cho con cháu.
Cụ Nguyễn Duy Am tự hào: “Dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng tộc vẫn được lưu giữ dưới mái nhà sàn. Các con cháu luôn đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau”.
Cụ Nguyễn Duy Am chia sẻ về nguồn gốc ngôi nhà sàn của gia đình. |
Tuy không to rộng như nhà sàn của cụ Am, nhà sàn của gia đình ông Nguyễn Duy Nỏng cũng có tuổi đời hơn 100 năm. Với ông Nỏng, mỗi lần đi xa về nhìn ngắm những nếp nhà sàn xinh nép mình dưới chân núi mà lòng đầy tự hào. Ông Nỏng bảo: “Đến đời con, đời cháu mình không biết thế nào chứ hiện tại tôi vẫn muốn sống ở nhà sàn. Ở nhà sàn thấy thoáng mát, hơn nữa nó là nét văn hóa truyền thống của dân tộc cần phải gìn giữ”.
Để phù hợp với nếp sống hiện đại, ông Nỏng thay đổi công năng, vị trí một số công trình, hạng mục trong ngôi nhà sàn của mình. Bếp củi thay bằng bếp gas, phòng vệ sinh khép kín được bố trí ngay trong nhà.
Theo thống kê của UBND xã Kim Hỷ, toàn xã có 4 thôn còn bảo tồn được nhà sàn cổ mái ngói âm dương, nhưng tập trung chủ yếu tại Bản Vèn với 22 hộ vẫn còn giữ được nếp nhà truyền thống. Đây là những vật kiến trúc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Tày vùng cao, cần được bảo tồn.
Thách thức trong bảo tồn
Chúng tôi cùng cán bộ văn hóa xã đến nhà bà Nguyễn Thị Hải đúng lúc gia đình phá dỡ ngôi nhà sàn có tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Vẻ mặt buồn rầu, bà Hải chia sẻ: “Ngôi nhà này dựng từ thời ông nội tôi, biết bao kỷ niệm gắn bó nay phá đi tiếc lắm. Nhưng nhà đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn mùa mưa bão, trong khi không có gỗ để thay thế, sửa chữa nên đành phải phá đi làm nhà xây”.
Bà Nguyễn Thị Hải chỉ lý do phải phá bỏ ngôi nhà sàn cổ để làm nhà xây. |
Trưởng thôn Bản Vèn, ông Nguyễn Duy Hoán nhẩm tính: Năm trước có một hộ chuyển từ nhà sàn sang nhà xây, năm nay ngoài nhà bà Hải, còn 02 nhà khác cũng định phá bỏ nhà sàn. Như vậy, thôn Bản Vèn sẽ mất đi 4 ngôi nhà sàn cổ với tuổi đời “vắt ngang hai thế kỷ”.
“Cấp trên chưa có quy định, hương ước của thôn cũng không có ràng buộc gì nên bà con muốn phá bỏ nhà sàn, chúng tôi cũng không thể làm gì khác. Nhìn những “di sản” của cha ông đời trước truyền lại dần mai một mà tiếc nuối”, ông Nguyễn Duy Hoán bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Duy Huế, Chủ tịch UBND xã Kim Hỷ: Những ngôi nhà sàn cổ mái âm dương tại Kim Hỷ chứa đựng chiều sâu văn hóa, đời sống tâm linh và những truyền thống tốt đẹp của đồng bào Tày. Tuy nhiên, việc bảo tồn những ngôi sàn cổ này đứng trước thách thức về sự xuống cấp, hư hỏng theo thời gian mà không có vật liệu sửa chữa, thay thế. Lối sống mới của thế hệ trẻ cũng không mặn mà với nhà sàn truyền thống. Vì vậy, địa phương rất cần sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên để bảo tồn những di sản vật thể quý giá này.
Những ngôi nhà sàn cổ ở Kim Hỷ cần sự hỗ trợ của cấp, ngành chức năng để bảo tồn. |
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Với giá trị được khẳng định, những nếp nhà sàn với tuổi đời hàng trăm năm ở Kim Hỷ cần sớm được cấp, ngành chức năng bảo tồn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và làm cơ sở phát triển du lịch cộng đồng./.