Nằm ở phía Đông Bắc của huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, Khánh Thiện – mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, từng được mệnh danh là “Bồng châu văn hiến”, đang được đánh giá là xã nông thôn kiểu mẫu với nhiều tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Đình Hàng Tổng thu hút du khách đến tham quan. (Ảnh: Hà Anh) |
Trên hành trình khám phá vùng đất cố đô Ninh Bình, chúng tôi tìm về Khánh Thiện bởi sự tò mò muốn “check-in” một xã nông thôn nổi tiếng trên mạng xã hội với con đường hoa đẹp như trong phim Hàn Quốc.
Thế nhưng, không chỉ có đường hoa dài 2km rực rỡ sắc màu hoa giấy, hoa ngũ sắc làm xao xuyến lòng người, Khánh Thiện còn có rất nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa có giá trị, những sản vật địa phương đặc sắc và các điểm tham quan thơ mộng ở bên bờ sông Đáy…
Du lịch xanh, sạch và bền vững
Trong bối cảnh đô thị hóa và phát triển du lịch xanh, nhu cầu tìm về những vùng quê bình dị như Khánh Thiện để tận hưởng cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành ngày càng cao.
Điểm ấn tượng với du khách lần đầu đến với địa phương là cảnh làng quê thanh bình, hạ tầng cơ sở phát triển và sạch đẹp, sự nhộn nhịp của những làng nghề truyền thống cùng sự thân thiện, hiếu khách của người dân.
Đặc biệt, nơi đây có nhiều di tích lịch sử văn hóa tuổi đời hàng trăm năm cùng các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ như múa trống, hát chèo, hát xẩm và một số lễ hội thường niên như: Lễ hội Bồng Hải, Lễ hội Phụng Nghinh…
Bên cạnh ngôi chùa cổ mang tên Đọ (còn gọi là Sơn Môn Vân Bồng) được xây dựng từ thời hậu Lê, thì Đình Hàng Tổng là một trong những điểm đến đặc biệt của xã Khánh Thiện, giúp du khách vừa tham quan vừa tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.
Theo sử liệu trên các văn bia và di cảo từ xưa để lại, Đình Hàng Tổng trước kia là Đình Bồng Hải được xây dựng từ đầu triều Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 20 (1839). Với tâm nguyện giữ gìn văn hóa truyền thống, Đình Hàng Tổng được những người con Khánh Thiện xây dựng bằng gỗ lim, mái đình lợp ngói vảy mũi hài, trên nóc có hình tượng Lưỡng Long Chầu Nguyệt, 24 cột hiên được trạm khắc Long – Ly – Quy – Phượng, trước đình có giếng Ngọc… Không chỉ thu hút bởi kiến trúc tinh xảo, ngôi đình còn là nơi tổ chức lễ hội, các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hoá dân gian của người dân.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Đình Bồng Hải xuống cấp và từng được dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 1984, chỉ còn lại phần móng đình và bàn cờ đá ở sân đình. Ngôi đình được khôi phục từ 2012, giờ vẫn nổi tiếng là nơi linh thiêng vì thờ bảy vị thành hoàng ở bảy làng khác nhau thuộc tổng Bồng Hải xưa. Chợ Xanh và đình Bồng Hải hiện nay là cụm di tích – địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi tới Yên Khánh.
Ngoài ra, khu Chợ Xanh nằm ngay cạnh ngôi đình cũng có lịch sử gần 200 năm, không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân địa phương, mà còn hội tụ văn hóa ẩm thực truyền thống đặc sắc.
Ghé vào Chợ Xanh, chúng tôi bị hấp dẫn bởi các gian hàng ẩm thực với các loại bánh được làm từ gạo như bánh đa, bánh đúc, bánh khúc, bánh rán, bánh nếp, bánh chưng, bánh khoai,
bánh mật… Mỗi loại bánh được bán ở đây được làm từ gạo nếp ngon, theo quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm và được truyền nghề qua các thế hệ của người con quê hương.
Một trong những sản phẩm đặc trưng nhất ở Khánh Thiện là bánh đa vừng (gồm bánh đa trắng và bánh đa gấc) của làng nghề ẩm thực Phong An. Nghề làm bánh đa vừng khá tỉ mỉ, cần nhiều thời gian và phụ thuộc vào thời tiết, với nguyên liệu gồm gạo tẻ không dẻo, vừng và muối.
Bà Hương, một người dân trong vùng cho biết bánh đa vừng phải được nướng bằng than củi. Trong quá trình nướng, người làm phải thường xuyên lật đều tay để bánh chín đều. Bánh chín nên ăn ngay sẽ thơm ngon, giòn và xốp, ăn kèm với lạc luộc, lạc rang, dừa… rất ngậy.
Ngoài bánh đa vừng của thôn Phong An, chạo chân giò và chả đa vuông của thôn Bồng Hải cũng là hai món ngon tiêu biểu được chọn ra từ 18 đặc sản của xã được người dân nơi đây lưu giữ và truyền đến ngày nay.
Với món chạo, chân giò được thui, lọc lấy thịt và hấp với các loại lá sau đó trộn với những gia vị đặc trưng. Khi ăn, chạo chân giò được gói trong bánh đa nem cùng rau thơm, khế và chấm với nước mắm hoặc tương bần.
Trong khi đó, chả đa vuông được làm từ thịt nạc vai, miến, mộc nhĩ, hành, hạt tiêu, nước mắm, rau muống chẻ…
Các nguyên liệu này được băm nhỏ, trộn đều rồi gói trong bánh đa nem thành hình vuông và rán giòn. Thưởng thức chả đa vuông khi còn nóng cùng các loại rau thơm, nước chấm sẽ mang lại cho thực khách những ấn tượng khó quên.
Cùng với làng nghề ẩm thực, xã Khánh Thiện còn có nhiều làng nghề truyền thống khác như làng cây cảnh tập trung nhiều thợ lành nghề trong việc chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh, chế tác non bộ; làng dệt chiếu, đan lát bằng nguyên liệu bèo, cói, đay, rơm rạ; làng trồng rau hữu cơ…
Mỗi nông sản là một “sứ giả”
Với nhiều tiềm năng như vậy, ông Phạm Văn Toàn, Phó Bí thư xã vui mừng cho chúng tôi biết Khánh Thiện đang xây dựng Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2040.
Mục tiêu đề án là phát triển du lịch nông thôn có thương hiệu, có giá trị, có sức cạnh tranh cao, trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương với tên gọi “Xứ bồng châu Khánh Thiện – Du lịch về miền ký ức”.
Theo ông Phạm Văn Toàn, Khánh Thiện có vị trí địa lý thuận tiện, cách thành phố Ninh Bình 14km, có tuyến đường quốc lộ 418B chạy qua xã 3km là trục đường nối hai điểm du lịch Bái Đính và Nhà thờ Đá Phát Diệm là điều kiện thuận lợi thu hút nguồn khách từ những thị trường tiềm năng.
Mặc dù không sở hữu những điểm tham quan nổi tiếng như một số địa phương khác ở Ninh Bình nhưng Khánh Thiện vẫn có sức hấp dẫn riêng từ chính không gian làng quê yên bình và hệ thống cảnh quan đa dạng, độc đáo, hấp dẫn như Vịnh Âu xanh, đường hoa cây xanh, khu vườn sinh thái thượng uyển…
Thông qua xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình hạ tầng được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang, tiện nghi. Cảng đường sông hiện đại xã Khánh Thiện đang là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế bởi loại hình du lịch nông nghiệp và trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo.
Đặc biệt, nhiều năm qua, người dân Khánh Thiện luôn đoàn kết, gắn bó trong cuộc sống, sản xuất và dựng xây làng xóm, quê hương. Những ngôi nhà được bà con gìn giữ sạch đẹp từ nhà đến ngõ. Nếp sống văn hóa ngày càng được củng cố, các sinh hoạt, phong tục tập quán vẫn được nhân dân bảo tồn và phát triển.
Trên địa bàn xã hiện đã có các cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú (nhà nghỉ), một số hộ gia đình có khả năng cung cấp dịch vụ lưu trú homestay. Lãnh đạo địa phương quan tâm đẩy mạnh khai thác phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, vui chơi giải trí như chèo thuyền trên Vịnh Âu xanh, câu cá, hát chèo, múa trống, trải nghiệm khu vườn sinh thái thượng uyển… nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch góp phần kéo dài thời gian lưu lại
của khách. Với những lợi thế này, hai năm trở lại đây Khánh Thiện đã đón nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước, mang lại không khí tươi mới cho địa phương.
Một số du khách Pháp, Australia… khi đến địa phương và ở tại các homestay rất thích thú với không khí trong lành, cũng như được hòa mình vào sinh hoạt cùng người dân tại các làng nghề như trải nghiệm làm bánh, dệt chiếu…
Với du khách nội địa, nhiều đoàn khách đã đến Khánh Thiện tham quan và học tập về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đi tour du lịch tâm linh, tham quan di tích lịch văn hóa; có những nhóm khách trẻ lại thích “check in” tại các cảnh quan tươi đẹp ở địa phương…
Có thể thấy, khi thực hiện mô hình homestay kết hợp với làng nghề cho du khách, nhiều hộ dân Khánh Thiện đã ủng hộ và háo hức để phát triển du lịch.
Hơn ai hết, những người dân nơi đây hiểu rằng bản thân họ chính là chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp và mỗi sản phẩm nông sản của họ đều có thể trở thành một “sứ giả” cho thương hiệu của quê hương.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ve-khanh-thien-ninh-binh-ve-voi-xu-bong-chau-van-hien-284422.html