Những ngày nắng nóng, vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế tấp nập khách tham quan. Du khách dạo thuyền đón bình minh, đi chợ nổi buổi sáng hay ngắm hoàng hôn cùng hoà mình với bầu không khí trong lành, yên bình vùng đầm phá. Du khách cùng ngư dân đánh bắt hải sản, thưởng thức những món ăn tươi ngon chế biến tại chỗ mang đến những trải nghiệm thú vị…
Bà Mai Ánh ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng chia sẻ cảm nhận: “Lần đầu tiên tôi đến phá Tam Giang. Nơi đây rất nên thơ, tuyệt đẹp. Nếu có điều kiện, thời gian mong mọi người hãy đến đây để trải nghiệm một lần”.
Vùng đầm phá nước lợ Tam Giang- Cầu Hai rộng hơn 52 km2 với hệ sinh thái đa dạng. Bắt nhịp nhu cầu của du khách, những năm gần đây, hoạt động du lịch cộng đồng tại vùng đầm phá này phát triển nhanh. Nhiều đơn vị du lịch tổ chức các tour du lịch sinh thái, đầm phá. Các mô hình du lịch cộng đồng ra đời, tăng cường nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
Chị Lương Thị Hiền, hướng dẫn viên Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cho hay: “Từ việc làm du lịch, bà con sẽ đỡ đi việc đánh bắt ngoài phá. Cá tôm có cơ hội phát triển tăng số lượng. Bình thường, bà con bán cá tôm cho người buôn khoảng 200.000 đồng/kg, bây giờ chế biến cho khách có thể lên đến 300.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập thêm cho bà con. Việc này không ai tạo ra cả mà bà con tự biết tạo ra nguồn lợi của họ”.
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vào mùa cao điểm du lịch vùng đầm phá. Bà con ngư dân nhờ vậy cũng có thêm nguồn thu nhập ngoài công việc chính là đánh bắt hải sản. Mỗi ngư dân, người lái đò trở thành “hướng dẫn viên”.
Ông Ngô Chiến, người lái đò ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cho biết: Công tác đảm bảo an toàn cho du khách luôn được quan tâm. “Trước khi khách xuống đò, chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho du khách. Khách lên đò phải mặc áo phao, đảm bảo an toàn trong suốt thời gian đưa khách đi thăm phá”.
Tỉnh thừa Thiên Huế có hệ thống sông ngòi đa dạng, bờ biển dài cùng nhiều đầm phá nước lợ rộng, trải dài qua nhiều địa phương với hệ sinh thái phong phú. Đây là nguồn tài nguyên du lịch phong phú đang được tỉnh Thừa thiên Huế chú trọng khai thác.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: “Từ trước đến nay, tỉnh Thừa thiên Huế đã có nhiều hoạt động dịch vụ trên sông nước như thuyền rồng, các chương trình trải nghiệm ngư trường trên đầm phá… So với tiềm lực hiện có thì chất lượng các hoạt động dịch vụ du lịch đường thuỷ chưa đa dạng và chưa được nâng cao. Hiện nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Giao thông Vận tải phối hợp với ngành Du lịch và các địa phương nghiên cứu có những đề án, phương án phù hợp phát triển thêm các hoạt động, dịch vụ đường thuỷ”.
Ngoài du lịch di sản, tỉnh Thừa Thiên Huế đang hướng đến khai thác du lịch tiềm năng sông biển, đầm phá, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần đa dạng hoá, tạo thương hiệu, dấu ấn riêng các sản phẩm du lịch vùng đất Cố đô.