Tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng đô thị cổ Hội An là thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch của Duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tham mưu trình Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ bảo tồn tính toàn vẹn, chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.
Hội An đang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Thành phố Hội An cũng đã gia nhập “mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO”. Đây là cơ hội để thành phố Hội An quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, đóng góp vào những mục tiêu bền vững, tăng trưởng đa chiều.
Hội An có 1.439 di tích, riêng ở khu vực I của khu phố cổ được xem là “vùng lõi” chỉ có diện tích 30ha nhưng có đến 1.175 di tích kiến trúc nghệ thuật, thuộc các công trình dân dụng, công trình tín ngưỡng như đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà thờ tộc và công trình đặc thù.
Ngoài di tích cấp quốc gia đặc biệt, đô thị cổ Hội An có 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh, 104 di tích thuộc danh mục bảo vệ của tỉnh. Các di tích đều được khoanh vùng bảo vệ đảm bảo gìn giữ không gian, cảnh quan, ngăn ngừa tình trạng xâm chiếm.
Cảnh quan kiến trúc của đô thị, nhất là các di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc được phục hồi và phát huy, kết nối khu vực bảo vệ Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và không gian văn hóa các làng quê, làng nghề truyền thống.
Những đường phố nhỏ, mái chùa cong uyển chuyển, tường nhà so le trồi thụt, mái ngói âm dương nhấp nhô, bờ nóc giật cấp mềm mại, ngõ hẻm thâm trầm rêu phong… tạo nên “vẻ đẹp không trùng lặp” của phố cổ Hội An.
Các thế hệ cộng đồng Hội An đã sáng tạo ra một cấu trúc “làng trong phố” và “phố trong làng”; hình thái đô thị lồng ghép, đan xen bên trong hệ thống cảnh quan sinh thái, tạo nên mô hình đô thị có bản sắc và lưu giữ những giá trị về đa dạng sinh học của Hội An.
Thành phố Hội An hiện có 9 phường và 4 xã, dân số thành thị 75.000 người, dân số nông thôn gần 26.000 người. Ngoài dân số tăng tự nhiên tại chỗ, hàng năm tốc độ gia tăng dân số cơ học ở Hội An khá cao.
Đến nay, Hội An có 6 di sản được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm nghề mộc Kim Bồng, nghề khai thác yến sào Thanh Châu, nghề gốm Thanh Hà, nghề trồng rau Trà Quế, Tết Trung Thu ở Hội An, Tết Nguyên Tiêu ở Hội An.
Hàng năm, đô thị cổ Hội An không chỉ đón đông đảo du khách trong nước mà cả du khách quốc tế.
Theo đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”, đối tượng thực hiện bao gồm các bộ phận cấu thành của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An như Di sản văn hóa vật thể, hiện vật; Di sản văn hóa phi vật thể; Di sản tư liệu; các thiết chế văn hóa; các cơ sở vật chất, kết cầu hạ tầng; cộng đồng di sản.
Để thực hiện đề án, tỉnh Quảng Nam dự toán tổng kinh phí 1.670 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn đầu tư công của Trung ương, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An 1.290 tỷ đồng, nguồn vốn tài trợ ODA 200 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác 180 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho hay từ khi đô thị cổ Hội An chính thức được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (năm 1999), 2 nội dung quan trọng mà cộng đồng quốc tế và UNESCO luôn luôn đánh giá cao thành phố Hội An là bảo tồn và phát triển.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/ve-dep-khong-trung-lap-cua-pho-co-hoi-an-20240304164220924.htm