Nằm cách thành phố Huế 40km và cách thành phố Đà Nẵng 60km, Vườn quốc gia Bạch Mã là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bởi mây vờn lưng chừng núi, cảnh đẹp ngút ngàn, tiết trời mát mẻ quanh năm và đặc biệt là có nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.
Kho báu di sản thiên nhiên
Sở dĩ có tên Bạch Mã vì ở đây mây mù bao phủ núi quanh năm và đôi lúc có những khối mây tạo thành hình con ngựa tuyệt đẹp. Một truyền thuyết được nhiều người biết đến là ngày xưa, các tiên ông thường xuyên cưỡi ngựa trắng từ trời bay xuống dãy núi này để chơi cờ. Trong khi mải mê đánh cờ thì đám ngựa đi tìm cỏ để ăn. Sau khi chơi xong, các tiên ông tìm không thấy ngựa nên đã về trời, để lại đàn ngựa trắng lang thang ở núi Bạch Mã đi tìm chủ nhân…
“Non thiêng Bạch Mã” hay “Đại ngàn ngựa trắng” rồi “Đà Lạt của miền Trung” là những cái tên được ưu ái dành tặng cho Bạch Mã.
Đường lên Bạch Mã như tranh hoạ đồ, du khách có thể ngắm kỳ hoa, dị thảo
Theo tài liệu có được thì vào năm 1932, Vườn quốc gia Bạch Mã được khai phá bởi một kỹ sư người Pháp. Đến năm 1945, nơi đây trở thành khu nghỉ dưỡng nổi tiếng cho giới quý tộc Huế và quan chức Pháp lúc bấy giờ. Đến năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam ký quyết định thành lập Vườn quốc gia Bạch Mã, đó là khu rừng nguyên sinh cần được bảo tồn đặc biệt.
Nằm ở độ cao 1.450 m, cách biển khoảng 10 km nên khí hậu khu vực đỉnh núi Bạch Mã dễ chịu nhất so với các vùng có cùng độ cao trên khắp Đông Dương. Dọc đường, thấp thoáng sau cánh rừng mờ ảo hòa quyện với mây trắng là những ngôi biệt thự cũ với kiểu kiến trúc Pháp. Có cả thảy 139 lô biệt thự được quy hoạch ở nơi đây từ thời Pháp thuộc, hiện ước tính còn khoảng gần 100 nền móng biệt thự còn sót sau chiến tranh, trong đó đã được khôi phục lại khoảng 10 căn với từng nét riêng độc đáo, được đặt tên theo các loài động, thực vật nơi đây.
Khi đến Bạch Mã du khách được cắm trại, tắm suối, ngắm chim, thắp hương lễ phật
Người viết đi bộ dọc theo tuyến đường mòn Vọng Hải đài thì chợt bắt gặp một đàn chim phường chèo với đủ màu sắc. Rồi đó đây lại vang lên lanh lãnh tiếng hót của những chú chim cu rốc họng vàng mình xanh lá cây đang đậu trên cành cao. “Khi loài này kêu là báo hiệu thời tiết thay đổi”, anh Trương Cảm – hướng dẫn viên cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Linh (Giám đốc VQG Bạch Mã) thông tin, đây là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với những người yêu thích xem chim hoặc chụp ảnh về chim. “Đến nay, các nhà khoa học đã ghi nhận có hơn 363 loài chim tại đây, chiếm gần 40% tổng số loài chim của cả nước, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam”. Tiến sĩ Linh nói.
Mọi người có thể dễ dàng bắt gặp một khoảnh trời đầy mây trắng với đủ hình thù khác nhau như ở trong tiên cảnh, với nhiều làn mây vỗ về bên má. Kỳ lạ thay, có những đám mây dày đặc như quấn lấy chân người nó như những chú ngựa non quây lấy chủ đòi ăn.
Tuyến đường khám phá thiên nhiên cũng rất hấp dẫn với những vách đá kỳ vĩ đã tạo nên những thác và hồ nước trong xanh như màu ngọc bích. Cây cối và vách đá dọc theo con suối nơi đây đều nhuốm màu rêu dày đặc, cổ kính, tạo nên cảnh vật khá là dị thường.
Tới Bạch Mã, không thể không khám phá thác Đỗ Quyên có chiều cao 300m, được phủ xanh bởi rừng cây bạt ngàn hòa cùng tiếng muông thú, nước tung trắng xóa trải dài như một tấm lụa khiến nơi đây tỏa sáng rực rỡ.
Sở dĩ dòng thác có cái tên mỹ miều này là bởi dọc hai bên thác có rất nhiều hoa đỗ quyên. Vào mùa xuân đến đầu hè hoa đỗ quyên đồng loạt khoe sắc. Những bông hoa rực rỡ, vươn mình giữa đại ngàn tạo nên một cảnh tượng đẹp mê hồn. Người ta thường nói, ai yêu sông suối, thác, ghềnh mà không một lần đi du lịch đến thăm thác Đỗ Quyên trong rừng Bạch Mã, thì quả sẽ là một điều đáng tiếc vô cùng.
Đặt bảo tồn thiên nhiên lên hàng đầu
Bạch Mã là một VQG có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Đối với địa phương, Bạch Mã là khu rừng đầu nguồn quan trọng, là nơi cung cấp và điều tiết nguồn nước sạch vô tận. Vì thế, nơi đây không thể không bị tác động tiêu cực của con người. Lâm tặc tới đây cưa gỗ rồi săn bắn thú rừng.
Hiện vườn có 11 trạm và 6 chốt gác rừng tại các điểm xung yếu. Mỗi năm, đơn vị thực hiện hơn 400 đợt tuần tra truy quét tại rừng, kết hợp chốt chặn, kiểm tra vận chuyển lâm sản bằng đường sông và đường bộ nhằm nắm bắt tài nguyên và ngăn chặn kịp thời sự phá hoại.
Số vụ vi phạm về lâm nghiệp ngày càng giảm, chất lượng hoạt động tuần tra, kiểm soát tại rừng được nâng lên nhờ áp dụng khoa học công nghệ và thường xuyên tập huấn nghiệp vụ…
“Tuy gặp nhiều khó khăn vì lực lượng mỏng, địa bàn rộng lớn nhưng bằng sự quyết tâm cùng với việc thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn nên thời gian gần đây những tiêu cực đến từ con người giảm dần. Các trạm kiểm lâm của vườn luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên nắm bắt đối tượng để có các giải pháp phù hợp. Từ tuyên truyền, đối thoại trực tiếp đến các giải pháp phòng, chống vào rừng trái phép như trực chốt, tuần tra thường xuyên nắm bắt thông tin cho đến tuần tra truy quét tại rừng, bắt giữ, xử phạt. Khó khăn đến mấy những “người lính” chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng vượt qua, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và luôn đặt việc bảo tồn thiên nhiên lên hàng đầu”. Tiến sĩ Nguyễn Vũ Linh chia sẻ.
Còn theo anh Trần Châu Long (Trạm trưởng trạm kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng của VQG Bạch Mã), công việc tuần tra truy quét tại rừng là vất vả nhất. Mỗi khi đi tuần tra, anh em phải lên kế hoạch kĩ càng, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, y tế và công cụ hỗ trợ. Trung bình, mỗi người phải đeo ba lô từ 12-15 kg cho mỗi lần đi, thường 3-5 ngày/1 đợt, một tháng đi 4-6 đợt/1 trạm. Thức ăn mang theo chủ yếu là đồ khô hoặc thịt, cá ướp muối mặn. Do địa hình tuần tra là đồi núi, khe suối, ghềnh dốc, hiểm trở nên anh em phải đóng trại trong rừng hun hút, không điện, không internet, không sóng điện thoại… Gian khổ không thể nào tả nổi.
“Biệt lập dài ngày giữa đại ngàn Trường Sơn rất buồn và nhiều rủi ro. Anh em bị ngã chấn thương, côn trùng, ong chích, rắn cắn… là chuyện bình thường như cơm bữa. Chúng tôi cũng bị lâm tặc nhiều lần ném đá, làm hỏng xe máy, hăm dọa. Dù vậy, riết mãi thành quen. Âu cũng là cái duyên số gắn với nghề bảo vệ rừng này. Anh em thường xuyên động viên nhau vượt qua, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để sinh tồn ở chốn rừng xanh”. Anh Long tâm sự.
Tuy nhiều khó khăn, thách thức nhưng đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực có thể để bảo vệ rừng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Chiều hoàng hôn dần buông, Bạch Mã dường như không có chỗ cho sự xô bồ, lòng người như nhẹ thênh thang, quên đi mọi muộn phiền. Xa xa, người viết nhìn về phía những cánh rừng bạt ngàn, xanh thẳm và suy ngẫm về những hy sinh thầm lặng của những “người lính” giữ rừng Bạch Mã để nó mãi mãi xanh…
(Theo PLO)