Cà Mau – vùng đất phương Nam không chỉ giàu có, trù phú về rừng và biển, mà nơi đây còn được mệnh danh là vùng đất có “cá bạc, tôm vàng”. Như lời bài hát Áo mới Cà Mau có đoạn “… Về Cà Mau là thấy thương em liền…”.
Về với vùng đất Cà Mau hiền hòa, thấm đượm tình người, hương phù sa lắng đọng… Rất nhiều sản phẩm của nơi đây đã xây dựng được thương hiệu, được nhiều người biết đến như: mật ong rừng U Minh Hạ, cua Năm Căn, tôm khô, ba khía Rạch Gốc, lẩu mắm U Minh…
“Lẩu mắm U Minh” được chế biến khéo léo thu hút du khách gần xa với hương vị đậm đà khó cưỡng.
Du khách mỗi khi về Cà Mau mà không thử món lẩu mắm U Minh thì chưa trọn chuyến đi. Nói thế để thấy sự hấp dẫn và mùi vị ngon của loại mắm nơi đây.
Mùi mắm nồng, thậm chí khá khó ăn nhưng cũng là một mùi gây nghiện. Lẩu mắm được chế biến khéo léo thì chẳng khác gì liều thuốc kích thích khứu giác, vị giác của du khách.
Nguyên liệu chế biến chính là mắm. Có thể sử dụng được nhiều loại mắm đồng như mắm lóc, mắm rô, mắm trê… Nhưng ngon nhất và hấp dẫn nhất là mắm sặc ngon (không quá mặn hoặc quá ngọt), mang đậm hương vị của miệt rừng U Minh Hạ của Cà Mau.
Lẩu mắm U Minh ăn với rất nhiều loại rau đồng như rau muống, rau ngổ, cải xanh, nấm rơm, cà phổi, bạc hà, đậu rồng, bông súng, bông bí, bắp chuối, bông điên điển, bông so đũa, cù nèo, đọt choại, rau mác, rau nhút, rau má, rau cần nước, lá lụa, cỏ the, năn bộp… Và bất cứ loại rau đồng nào cũng có thể ăn ngon với lẩu mắm U Minh.
Mật ong rừng U Minh Hạ là một trong những sản vật nổi tiếng nhất của người dân Cà Mau.
Mật ong U Minh Hạ là một trong những sản vật nổi tiếng nhất của người dân Cà Mau. Mật ong nơi đây ngon vì được khai thác trong chính những tán rừng tràm U Minh Hạ bạt ngàn.
Mật ong U Minh Hạ còn gắn liền với nghề gác kèo ong truyền thống bao đời nay của người nơi đây. Đây là nghề đã được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Mật ong được ví là cao của trăm thứ hoa – là một loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, thường dùng làm thuốc, làm thức ăn bồi bổ cho người già yếu, phụ nữ sau khi sinh và trẻ em suy dinh dưỡng. Theo các nhà khoa học, mật ong thường – tức là ong nuôi đã tốt, thì mật ong thiên nhiên rừng U Minh Hạ càng tốt hơn.
Tôm khô Rạch Gốc của người dân Đất Mũi lại mang nét đặc trưng của tán rừng ngập mặn.
Nếu mật ong U Minh Hạ là sản vật đặc trưng dưới tán rừng tràm thì sản phẩm tôm khô Rạch Gốc của người dân Đất Mũi lại mang nét đặc trưng của tán rừng ngập mặn.
Chính những con tôm đất dưới tán rừng đước, mắm đã làm lên thương hiệu tôm khô của tỉnh Cà Mau. Các sản phẩm tôm khô của tỉnh đã khẳng định được thương hiệu, có giá trị rất cao và đã có mặt trong các siêu thị lớn trên cả nước.
Cua Năm Căn Cà Mau lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam.
Là thương hiệu Quốc gia và là đặc sản địa phương, cua Cà Mau được tỉnh này “đúc tượng” đặt tại khu du lịch Đất Mũi Cà Mau. Và Hội đồng thẩm định Top Việt Nam, Viện Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập cua Năm Căn Cà Mau lọt vào Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 – 2021) theo Bộ tiêu chí Top món ăn đặc sản Việt Nam.
Rất nhiều du khách khi thưởng thức món ăn từ loại cua này đều không thể quên được hương vị của nó. Một đồn mười, mười đồn một trăm, dần dần cua biển tại đây ngày càng trở nên nổi tiếng. Thịt cua không chỉ thơm ngon mà còn chắc nịch, ngọt nước. Khi ăn ta cảm thấy vị béo ngậy nhưng lại không ngán cho dù ăn nhiều hay chế biến ra sao.
Dưa bồn bồn Cái Nước được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể cho người dân Cà Mau.
Cùng với các loại đặc sản nêu trên, dưa bồn bồn Cái Nước cũng được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể cho người dân Cà Mau. Tuy nhiên, ít người đến với vùng Đất Mũi, thưởng thức dưa bồn bồn biết rằng, trước đây loại cây này là cây gây hại, xâm lấn các cây trồng khác, người dân phải ra sức tiêu diệt.
Giờ đây, “món ngon dân dã” ấy lại giúp người nông dân hái ra tiền. Từ đó, cây bồn bồn không phải tự mọc nữa mà người dân bắt đầu nhân giống trồng để làm dưa và bán tươi cho khách qua đường.
Cá thòi lòi kho tiêu, kho sả ớt hoặc nướng muối ớt, nấu canh chua… đều là những món ăn hấp dẫn du khách gần xa.
Ngoài ra, một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng Đất Mũi còn phải kể đến một “đặc sản mới nổi” của người dân Cà Mau là loài cá vừa có thể bơi dưới nước, chạy trên bờ và leo được cả trên cây – cá thòi lòi (người dân địa phương còn gọi cá leo cây).
Trước đây, “cá leo cây” không có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển mạnh vài năm qua, loài cá này dần trở thành món ngon mà ai đến Cà Mau cũng muốn thưởng thức.
Ba khía muối Rạch Gốc.
Thêm một món ngon thú vị và hấp dẫn với du khách gần xe khi đến với Cà Mau là món ba khía muối Rạch Gốc. Nhắc đến ba khía ở Cà Mau, người ta thường nghĩ ngay đến ba khía Rạch Gốc. Bởi chỉ có vùng đất này mới có nguồn thức ăn và điều kiện tự nhiên tạo nên chất lượng con ba khía mà không nơi đâu sánh bằng.
Các cây đước, cây mắm, phù sa ở đây là những thức ăn để tạo nên gạch có màu vàng. Ba khía ăn những thức ăn đặc biệt từ thiên nhiên nên có vị ngon và chắc. “Nghề muối ba khía” của tỉnh Cà Mau đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Ngày nay, khi đến Cà Mau, du khách có thể thưởng thức qua “đặc sản” nêu trên ở các điểm du lịch: Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, hòn Đá Bạc… hoặc các quán ăn gia đình trên địa bàn TP Cà Mau.