Ảnh minh hoạ: Đ.H.T
Thằng Nhu cùng xóm, lớn hơn ba tuổi đáng lẽ gọi anh, nhưng do học cùng lớp nên tôi kêu thằng. Mấy đứa không kiêng cữ, gọi thẳng: học dốt. Tôi tinh quái, nói tại hắn học kỹ. À, việc tôi kêu người lớn hơn ba tuổi bằng “thằng”, đừng nghĩ hỗn hào mà tội, tôi gọi vậy là vừa lòng hắn nhất đó. Chứ mấy đứa trong lớp hay trong xóm đều gọi – Nhu tàng. Chắc nghe riết cũng quen nên hắn không đổ quạu. Bực quá thì hất mặt thách: Tưởng dễ tàng lắm hở?!
Đúng là “tàng” kiểu đó thì hơi bị khó thiệt. Cơ khổ, hắn cũng không đến nỗi ương ương dở dở. Học cũng biết chứ có phải cái thứ đầu đất đầu sét chi đâu. Ở lại lớp miết tại hổng chịu học, lại thêm cúp tiết, vắng nhiều í mà. Thiệt, cái tính không biết diễn tả sao. Hắn là nửa chính diện nửa phản diện, nói vậy cho dễ hình dung đi. Cái kiểu ngang tàng thích gì nói đó, muốn gì làm đó.
Không ngại phiền hà hay mếch lòng ai, tệ hơn, không sợ bị trừng phạt. Như chiếc xe ủi, đụng đâu ủi đó. Với hắn, đừng có đem đúng sai ra mà nói, không ăn thua. Sao hắn cũng cãi, chẳng cần phải quấy, cứ muốn làm theo ý mình. Ngang hơn cua. Phải chơi, không phải bãi trái.
Nói chung, miệng hay chửi tục và tay chân rất cộc cằn. Đứa nhỏ nào làm phật ý, hắn thẳng tay bợp liền. Lúc nào cũng vẻ dương dương tự đắc, không sợ trời không sợ đất. Riết rồi cũng quen, nó tàng tàng, chấp chi… Cả xóm, cả trường đều ngầm nói với nhau với vậy. Gần như già trẻ lớn bé, đã biết hắn rồi thì đều “kính nhi viễn chi”. Sợ cũng có, nhưng là sợ mang vạ…
Nhưng kể cũng lạ, thằng Nhu lại rất “phải đạo” với tôi. Chắc vậy nên tôi đâm “dữ ngư” (phương ngữ Phú Yên: trẻ con không biết sợ người lớn), chơi đùa với hắn bình thường như những đứa khác, có khi còn dám giỡn lố khiến mấy đứa phải run rét vì sợ tôi bị hắn đấm.
Nhưng tôi tin, đời nào. Chắc vì cái tình được ưu ái nên nếu mấy đứa nói xấu, tôi sẵn sàng bênh hắn, thái độ rất thiện chí. Chứ hắn vầy, ai nỡ lòng nào mà ghét. Đi chăn bò cùng, thằng Nhu luôn ngó chừng giùm bò tôi. Chưa hết, hắn tìm được đồ ăn vặt gì của đồng hoang núi dại đều đem cho tôi.
À, còn nếu đứa nào hiếp đáp gì tôi, hắn đòi lôi chỏ vô mặt. Những lúc như thế, tụi nó sẽ nín khe nhưng đưa mắt lườm tôi, y như thể ganh tị, đứa hiền hơn sẽ dùng đôi mắt nghi hoặc, cái kiểu không hiểu có chuyện gì đang diễn ra. Lại còn nếu nhà có giỗ chạp hiếu hỉ gì, hắn đều giở ra đồng. Kể ra rất giống chuyện bịa nhưng thề là có thật.
Đặc biệt mùng năm tháng năm, bộ hắn rất hí hửng. Một cái bọc to: chè, xôi, bánh trái, và cả con mắt, cái đuôi, lưỡi heo luộc. Nhà hắn kỹ, chay mặn cúng đủ. Hắn sẽ giao tôi cái bọc đó, muốn chia phát đứa nào tuỳ hỉ. À, hắn sẽ hỏi nhà tụi bây cúng gì. Tụi nó bảo chỉ có chè. Hắn phê phán liền. Mùng năm tháng năm là tết, mà tết thì không cúng qua loa được, ông bà tổ tiên quở chết. Ý hắn chê nhà tụi tôi lôi thôi, trong khi nhà hắn rất chỉn chu.
Thấy hắn vậy, tôi cũng vui lây. Không nhớ đã đọc được ở đâu mà lần nào được ăn chè mùng năm tháng năm của hắn là tôi lại kể chuyện. Tôi kể ông Khuất Nguyên, là người tài giỏi và liêm chính, ban đầu được vua yêu quý sau nghe lời gian thần không tin dùng, đến cuối đời lại còn bị đày nên đã phẫn chí cột đá vào thân thể rồi trầm mình xuống sông Mịch La. Ông chết đúng vào ngày mùng năm tháng năm, sau cứ đến ngày này thì dân chúng làm lễ cúng kính. Kể tới đó, tôi ra bộ cao giá:
– Tui còn chuyện khác liên quan Tết Đoan Ngọ, cũng hấp dẫn không kém.
– Kể tiếp đi! – bộ hắn rất hào hứng.
– Thưởng gì nè?
– Chiều về tui cho một bì bánh khác.
Giỡn thôi, ăn vầy đủ béo múp rồi. Tôi nhoẻn miệng cười một cái và lại biểu cảm:
– Chuyện kể, ngày xưa có hai người bạn Nguyễn Triệu và Lưu Thần, rủ nhau vào núi Thiên Thai hái lá làm thuốc. Ở đó, hai ông đã gặp hai tiên nữ xinh đẹp ngút trời. Say mê cảnh trí cùng nhan sắc, hai người trần đã kết duyên cùng hai tiên. Họ đã rất hạnh phúc nhưng hai người đàn ông diễm phúc lại không thể quên được xóm làng nhà cửa.
Canh cánh nỗi nhớ quê hương bản quán. Hai người đã tạm biệt vợ về thăm nhà. Một ngày cõi tiên bằng một năm trần thế. Khi hai ông về, những người cùng thời đã thành thiên cổ. Mọi thứ không còn như cũ. Chán nản, hai ông lại tìm về với hai tiên. Nhưng…
– Nhưng… không tìm được chứ gì ?
– Sao biết hay vậy ?
– Đoán mò thôi. Cảnh tiên người tiên dễ gì mà gặp. Hạnh phúc không biết giữ thì mất thôi!
– Ừ, đã không còn lối vào động Thiên Thai nữa.
– Vậy họ lại về quê hả? – thằng Nhu hỏi.
– Không, chuyện kể hai người đã mất hút vĩnh viễn trong rừng.
Con Ngân vểnh mỏ nói giọng bất cần:
– Cửa khép thì quay về, đi được về được chứ sao lại mất hút trong rừng trời?
– Thì bà hời hợt, có biết giá trị của hạnh phúc, có biết tôn vinh cái đẹp như người ta đâu mà. Tôi đối đáp trơn tru.
Thằng Nhu tự dưng trầm ngâm như một cụ ông đắc đạo:
– Họ đã “mất hút” cùng tình yêu của mình. Bây giờ, họ còn đang hạnh phúc ở nơi bồng lai tiên cảnh – tui nghĩ vậy.
Hắn nói câu đó, tôi thay đổi nét mặt liền. Lý lẽ sắc lẻm vậy, sao tàng được. Lúc nói xong, hắn có liếc qua, hai má tôi hình như đã đo đỏ.
Suốt mấy năm chăn bò cùng, gần như mùng năm tháng năm nào cũng lặp lại điều tương tự thế. Ở nhà ấm áp, ra đồng rộn ràng. Và thằng Nhu đều hỏi cả bọn: nhà cúng gì, mấy anh chị đi làm xa có về không? Tôi rất chi “bá đạo”, bảo chỉ chè xôi chứ có gì đâu mà về. Hắn nói: Tết- “ăn” không chỉ để no. Thấy ớn chưa, cô đọng hết mức, giờ thì tôi tin hắn không tàng mà còn sâu sắc nữa.
Rồi thằng Nhu bỏ học, bỏ đàn bò đi làm. Hái cà phê, thợ hồ, bốc vác – gì hắn cũng làm. Ừ, thì sau này ba hắn đánh bài, nhà nghèo xác xơ mà.
Rồi tôi cũng giã từ sự nghiệp chăn bò. Ra phố học, đi làm. Đường tình lận đận nên sắp qua thời con gái vẫn chưa có được miếng chồng. Lần nào về thăm mẹ tôi cũng hỏi thăm tin tức thằng Nhu. Nghe đâu kết bè kết đảng, thành mà cô ma cạo rồi. Kinh khủng hơn, nó cáp ở với một con, cũng chị đại chứ chẳng phải dạng vừa. Nghe thì nghe vậy nhưng tôi cũng không hãi như lời kể của mẹ. Vì tôi tin những “lý lẽ sắc lẻm” ngày xưa có phảng phất mùi của lương tri. Nhưng đến một ngày, đài truyền hình tỉnh chiếu cảnh công an vừa tóm một nhóm trộm xe, thằng Nhu chủ mưu thì tôi suy sụp. Và cũng từ đó, từ “cái ngày hôm đó”, thì tôi tin hắn đã “mất hút”, không còn dấu vết trong tôi.
* * *
Dưới sức nặng của thời gian, cuộc sống có quá nhiều thứ đổi thay, dù lòng vẫn còn nhớ. Cụ thể là khi cô bé chăn bò đã trở thành gái lỡ thì, lãnh thêm án “không chồng mà chửa” thì Tết Đoan Ngọ không rộn ràng như trước nữa. Nhưng tục nấu chè cúng kính vẫn còn.
Hôm đó, tôi đi làm về, từ ngoài cổng đã nghe tiếng nói là lạ. Tôi vừa dựng xe ngoài sân, mẹ đã nói vọng:
– Vô đây, có khách chờ nè!
Tôi bước vào, bình tĩnh nhìn thẳng về phía đối diện, nơi có người lạ. Khách nào ngồi đợi mà lạ hoắc vầy ta? Tôi hơi khựng vì thấy bộ không còn trẻ nữa nhưng tóc cắt trụi, ló cả da đầu. Lại thêm gương mặt bị móp ở giữa trán, xung quanh vết sẹo to còn gồ ghề những lằn đen. Tôi hơi nhợn, khi người đó nhe răng cười:
– Nay khoẻ không em ?
– Dạ, khoẻ!
– Anh về ăn Tết Đoan Ngọ, may mà thím Hai còn chè!
Trời, nhận ra rồi, Nhu đây mà. Làm gì mà thân tàn ma dại thế kia. Tôi hơi co người vì ngại bộ dạng giang hồ cục mịch của hắn.
– Gần mười lăm năm, động Thiên Thai vẫn chưa bị khép- hắn nói tỉnh bơ.
Tôi ngơ mặt, làm như không hiểu. Hắn giải thích:
– Xóm làng, bè bạn vẫn còn. May mình chưa thành người thiên cổ…
Hắn nói rồi nhìn quét vào tôi từ trên xuống, tôi đỏ mặt vì cái bụng đang ở tháng thứ tư.
Hắn cười khi thấy tôi hơi bối rối. Nói thêm một hai câu rồi xin phép về ăn Tết Đoan Ngọ với gia đình.
Tôi vào phòng, trời bỗng đổ mưa nhưng mặt vẫn còn nóng. Nếu ngày mai hắn có qua nhà, mà dù có gặp lại lần thứ mấy đi nữa chắc tôi cũng không kể chuyện “ngày hôm đó”. Cái ngày tôi đón xe đến thăm hắn nhưng không đủ dũng khí để bước qua cánh cổng trại giam. Sợ rồi không phải Thiên Thai nhưng vào được lại không ra được…
Nhớ lại kỷ niệm ngày hôm đó, rồi nhớ chuyện Tết Đoan Ngọ lại tự cười: Ừ, cứ mập mờ chút cho thành… “chuyện Thiên Thai”.
N.T.B.N