Sáng 22.2, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, với sự tham dự của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.
Nêu hàng loạt bức xúc từ thực tế triển khai, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng – doanh nghiệp chuyên làm dự án nhà ở xã hội, cho biết đã “cắp cặp” đi hàng chục tỉnh, nhưng mới được 11 tỉnh chấp thuận, do thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai phức tạp và lâu quá.
Doanh nghiệp này đề nghị cần quy định bắt buộc các tỉnh phải bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội. Đơn cử như Bắc Ninh hay Bình Phước chỉ cần bố trí 100 ha để làm nhà ở xã hội, sẽ đầu tư được 30.000 căn hộ, thừa nhu cầu.
Đặc biệt, việc tiếp cận vốn vay “rất nan giải” khiến gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng không đi vào cuộc sống. “Tôi đã gặp nhiều ngân hàng, nhưng các ngân hàng không mặn mà. Lý do hỗ trợ lãi suất 1,5 – 2%, nhưng khi làm thủ tục trình NHNN để lấy được hỗ trợ chênh lệch lãi suất lâu lắm. Cho nên giải ngân không đáng được bao nhiêu, như hạt cát so với nhu cầu”, ông Toàn nói và dẫn chứng doanh nghiệp đã bán được hơn 700 căn nhà ở xã hội, nhưng chỉ hơn 100 căn vay được vốn.
Ông Vương Quốc Toàn cũng đề nghị NHNN tính toán lại, có thể giảm lãi suất cho người mua nhà xuống 5%, chủ đầu tư 10%, “nhưng phải cho vay nhanh”. Khi đã là nhà ở xã hội, có giấy phép đầu tư rồi, đủ điều kiện cho vay không nên trình quá nhiều cấp. Thậm chí, doanh nghiệp này còn cho biết phải có phí “bôi trơn” mới triển khai dự án được nhanh.
Mặt khác, việc phê duyệt giá và duyệt đối tượng kéo dài hàng năm. Thủ tục nào cũng 6 tháng 1 năm mới xong, nhưng ưu đãi chỉ tính 3 năm, trong khi các dự án phải 5 – 7 năm. “Bộ trưởng Bộ Tài chính nói chủ trương cứ dự án nhà ở xã hội thì phê duyệt, nhưng thực tế như doanh nghiệp chúng tôi gửi một văn bản xin phê duyệt giá 5 tháng chưa được duyệt, 5 ông giám đốc sở nhưng không ông nào dám ký”, ông Toàn nêu.
Trước phản ánh khó khăn tiếp cận vốn, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay, gói 120.000 tỉ đồng không phải do NHNN cấp, mà do các ngân hàng thương mại quyết định cho vay với thời hạn và lãi suất ưu đãi. “Không có chuyện thủ tục xét duyệt, cấp bù nào từ phía NHNN”, ông Hà khẳng định.
Lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà hỏi: “Tới nay đã giải ngân cho vay được bao nhiêu trong gói 120.000 tỉ đồng?”. Theo báo cáo, mới có 5 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỉ đồng.
Vì sao giải ngân rất chậm?
“Vấn đề ‘tiền đâu’ hết sức quan trọng. Phải đặt câu hỏi tại các lĩnh vực khác giải ngân rất nhanh, nhưng lĩnh vực này giải ngân vô cùng chậm. Thủ tướng Chính phủ cũng rất không hài lòng”, Phó thủ tướng nêu.
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, các doanh nghiệp nói khó tiếp cận vốn vay. Về phía các ngân hàng thương mại kinh doanh cũng phải tính toán lợi nhuận, nên chính sách ưu đãi giảm 1,5 – 2% lãi suất có thể chưa phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, trong khi vay các lĩnh vực khác cao hơn 1,5 – 2%.
“NHNN cần tính toán lại, không thể duy ý chí, tiền để không rất nhiều nhưng không cho vay được. Cần xem lại chính sách chưa hợp lý ở đâu, có thể tính tới việc nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại thì họ mới triển khai chính sách hạ lãi suất cho vay”, Phó thủ tướng gợi ý.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin thêm, các ngân hàng rất tích cực thúc đẩy, tháo gỡ cho vay. Tuy nhiên, việc giải ngân chậm còn do 2 vấn đề. Một là mới có ít dự án được triển khai. Hai là qua làm việc, các ngân hàng cho biết một số doanh nghiệp vướng nợ xấu nên ảnh hưởng giải ngân. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các ngân hàng xem xét tháo gỡ cho từng dự án cụ thể.
Theo báo cáo, đã có đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, với nhu cầu vay vốn hơn 27.966 tỉ đồng.
Tuy nhiên, mới có 5 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỉ đồng.