Ngứa, đóng mảng vảy trắng, đỏ và bong tróc da là những triệu chứng vảy nến da đầu ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp hàng ngày. Vậy có thể điều trị vảy nến bằng cách nào để kiểm soát tốt các triệu chứng gặp phải. Chia sẻ dưới đây sẽ cung cấp thông tin cần thiết, giúp bạn đối phó hiệu quả với bệnh lý này.
1. Vảy nến da đầu là bệnh gì?
Vảy nến da đầu là bệnh tự miễn dịch mạn tính ảnh hưởng đến da, hình thành do sự phát triển quá nhanh của tế bào da làm tích tụ và bong tróc da thành từng mảng lớn. Bệnh gồm các mức độ khác nhau:
– Mức độ nhẹ: Khoảng 5% da đầu bị viêm, tổn thương do vảy nến thường có kích thước nhỏ, chưa nghiêm trọng, da bong tróc dạng gàu, rụng tóc và ngứa da đầu.
– Mức độ nặng: Khoảng trên 10% da đầu bị viêm, tổn thương lan rộng và có kích thước lớn kính lớn. Da đầu đã có các vảy dày màu đỏ, tình trạng tóc rụng nhiều nhưng không thể mọc lại.
Các yếu tố sau là nguyên nhân góp phần hình thành nên triệu chứng vảy nến da đầu:
– Di truyền: Nếu bạn có người thân trong gia đình bị vảy nến, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn.
– Rối loạn hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch hoạt động quá mức gây viêm và tăng sinh tế bào da mất kiểm soát.
– Yếu tố môi trường: Căng thẳng, thay đổi thời tiết hoặc môi trường sống làm kích hoạt bệnh.
Tùy vào mức độ bệnh mà tổn thương da đầu do vảy nến ở mỗi bệnh nhân không giống nhau
2. Các triệu chứng thường gặp ở vảy nến ở vùng da đầu
– Da đầu có mảng đỏ
Vảy nến da đầu sẽ gây nên các mảng da đỏ có hình dạng và kích thước không giống nhau.
– Vảy trắng
Tại vùng da có mảng đỏ sẽ nổi lên các vảy màu trắng, hình thành từng cụm, dễ bong tróc và gây ngứa. Có trường hợp mảng trắng sẽ nằm ngoài chân tóc, lan xuống tai, gáy hoặc trán.
– Ngứa da
Do vùng da bị vảy nến bong tróc nên người bệnh thường bị ngứa da đầu dữ dội. Hành động gãi ngứa vừa khiến vảy bong tróc vừa gây chảy máu khiến cho nguy cơ nhiễm trùng tăng lên.
– Rụng tóc
Vảy nến da đầu càng nghiêm trọng, mảng bong tróc càng nhiều thì tình trạng rụng tóc càng tăng. Thậm chí sẽ có những mảng da đầu bị hói do tóc rụng không thể mọc lại.
3. Điều trị vảy nến da đầu bằng cách nào?
Bệnh vảy nến da đầu có tính chất mạn tính, hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh lý này nếu được phát hiện sớm để có biện pháp khắc phục phù hợp thì vẫn có thể kiểm soát tốt:
3.1. Dùng thuốc trị vảy nến
Các loại thuốc bôi trị vảy nến da đầu thường được kê đơn sử dụng đầu tiên để làm mềm và loại bỏ vảy da, giảm viêm nhiễm. Thuốc thường được sử dụng như:
– Corticosteroid: Đây là loại thuốc chống viêm mạnh, có tác dụng giảm nhanh triệu chứng ngứa và viêm.
– Dẫn xuất Vitamin D: Giúp làm chậm quá trình tăng sinh tế bào da, hỗ trợ làm lành vùng da bị tổn thương.
– Retinoid: Dẫn xuất từ vitamin A giúp làm chậm sự phát triển tế bào da, hạn chế hình thành các mảng da vảy.
Trong trường hợp bệnh vảy nến da đầu nặng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc uống hoặc tiêm:
– Methotrexate: Giảm tốc độ tăng sinh tế bào da.
– Ciclosporin: Ức chế hệ miễn dịch, ngăn chặn sự tấn công nhầm vào tế bào da.
– Thuốc sinh học: Nhắm vào các thành phần cụ thể trong hệ miễn dịch để kiểm soát hiệu quả các triệu chứng ở vảy nến da đầu.
Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị vảy nến da đầu bằng thuốc uống hoặc bôi sau khi đánh giá tình trạng bệnh
3.2. Liệu pháp ánh sáng
Đây là phương pháp sử dụng tia cực tím (UV) để chiếu lên vùng da bị vảy nến. Ánh sáng UV sẽ làm chậm quá trình tăng sinh tế bào da và giảm viêm da. Quá trình điều trị sử dụng các loại thuốc chuyên biệt và ánh sáng có bước sóng ngắn tác động lên da đầu.
Ưu điểm của việc sử dụng liệu pháp ánh sáng điều trị vảy nến da đầu là: giảm viêm, ngứa, làm sạch vảy bám trên da đầu mà không gây ra tác dụng phụ như khi điều trị bằng thuốc.
3.3. Điều trị Laser Excimer
Người bị vảy nến da đầu mức độ nhẹ hoặc trung bình thường được tư vấn điều trị bằng Laser Excimer. Phương pháp này có tác dụng làm giảm viêm, ngăn chặn sự phát triển quá nhanh của tế bào da và cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Tia laser Excimer tác động vào vùng da bị vảy nến mà không làm tổn hại đến các vùng da khỏe mạnh xung quanh. Chỉ sau vài lần điều trị, các triệu chứng vảy nến da đầu sẽ thuyên giảm đáng kể.
4. Lưu ý chăm sóc da đầu khi bị vảy nến
Bên cạnh việc thực hiện hướng dẫn điều trị của bác sĩ, người bị vảy nến da đầu cũng cần biết cách chăm sóc da qua các biện pháp phù hợp để kiểm soát tiến triển của triệu chứng bệnh:
– Dùng dầu gội đặc trị để loại bỏ mảng vảy và giảm ngứa. Tránh sử dụng dầu gội chứa hóa chất mạnh hoặc hương liệu gây kích ứng da đầu.
– Tăng cường thực phẩm giàu omega-3 và vitamin D để giảm các triệu chứng viêm do vảy nến.
– Cố gắng giảm thiểu căng thẳng vì đây cũng là yếu tố kích thích bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.
– Không dùng thuốc lá và rượu bia để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và làm cho triệu chứng bệnh vảy nến trở nên phức tạp.
– Không tự ý dùng thuốc khi chưa được bác sĩ chỉ định vì điều này rất dễ dẫn đến tác dụng phụ, khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
– Tránh gãi hoặc tác động mạnh lên da đầu vì có thể làm da đầu tổn thương, gây nhiễm trùng và tăng mức độ rụng tóc.
Người bị vảy nến da đầu cần gội đầu bằng dầu gội đặc trị
Vảy nến da đầu tuy là bệnh mạn tính nhưng có thể kiểm soát được nếu được điều trị đúng cách, kiên trì. Đặc biệt, với những trường hợp sử dụng thuốc, ngay cả khi triệu chứng đã giảm, người bệnh vẫn nên đảm bảo đúng liệu trình được chỉ định để ngăn ngừa tái phát.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám cùng bác sĩ Da liễu của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/vay-nen-da-dau-co-the-dieu-tri-bang-cach-nao