Cho vay tiền là một giao dịch dân sự phổ biến trong xã hội. Thế nhưng, có nhiều trường hợp người vay cố tình không trả hoặc không có khả năng trả thì người cho vay phải làm gì để có thể thu hồi số tiền đã cho vay theo đúng quy định pháp luật ?
Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp xét xử một vụ tranh chấp hợp đồng cho vay tài sản.
Vốn là chỗ thân quen nên khi ông M. (ngụ thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp) hỏi vay của anh H. số tiền 50 triệu đồng, hẹn trả trong 3 tháng và có viết giấy tay vay nợ nên anh H. liền đồng ý.
Tuy nhiên, 3 tháng sau, khi cần tiền anh H. yêu cầu ông M. trả nợ thì ông M. nhiều lần hứa hẹn nhưng không trả. Bức xúc, cho rằng gia đình ông M. có khả năng nhưng không thu xếp tiền trả cho mình, anh H. khởi kiện ông M. ra Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp.
Tại tòa, Hội đồng xét xử nhận định việc anh H. cho ông M. vay là đúng sự thật, không trái quy định pháp luật, do đó Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của anh H. buộc ông M. phải trả cho nguyên đơn đúng số tiền vay và lãi vay theo luật định.
Hay như trường hợp của ông N. (ngụ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành) cho vợ chồng ông L. vay gần 1 tỉ đồng để buôn bán kinh doanh. Khi thấy ông L. làm ăn thua lỗ, ông N. liên tục đòi nợ thì vợ chồng ông L. hứa hẹn hết lần này tới lần khác.
Để có thể đòi được số tiền đã cho vay, ông N. bức xúc, có đơn gửi cơ quan công an địa phương tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông L., nhưng được cơ quan công an trả lời đó là tranh chấp dân sự nên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, đồng thời hướng dẫn ông N. khởi kiện ra tòa.
Theo luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, hiện nay, các tranh chấp dân sự được hiểu là những tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự về các quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản được pháp luật bảo vệ. Các loại tranh chấp dân sự phổ biến nhất là: vay mượn nợ, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về hợp đồng dân sự, tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các vấn đề về ly hôn…
Theo Điều 463, Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
“Nếu đến thời hạn vay mà người vay không trả thì người cho vay có thể khởi kiện ra tòa án nơi bị đơn – tức người vay tiền cư trú để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ”, ông Mạnh cho biết.
Còn theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, trong một số trường hợp vay nợ có các dấu hiệu vi phạm pháp luật có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Cụ thể, khi có căn cứ chứng minh có yếu tố hình sự như người vay cố tình không trả mặc dù có điều kiện, người vay đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, hay người vay bỏ trốn…, bên cho vay có thể làm đơn tố giác tội phạm về hành vi của người vay có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, thực tế cho thấy, không phải trường hợp nào cũng có thể xử lý hình sự. Đơn cử như nhiều người thiếu nợ lấy lý do làm ăn thua lỗ để trì hoãn việc trả nợ, trường hợp này khó xác định là vi phạm giao kết dân sự hay có dấu hiệu hình sự. Với những vụ việc này, khi nạn nhân có đơn yêu cầu, cơ quan công an mới kiểm tra chứng cứ, nếu không có yếu tố phạm tội thì nạn nhân phải khởi kiện ra tòa dân sự để đòi lại tài sản.
“Có một số vụ nạn nhân dù khởi kiện và thắng kiện nhưng khi thi hành án thì không có điều kiện thi hành, hoặc thi hành được số tiền rất ít vì chủ nợ đã tẩu tán hết tài sản. Do đó, tôi cho rằng người dân nên cẩn trọng khi cho vay, mượn tài sản khi thấy chưa thật sự cần thiết”, luật sư Hùng khuyến cáo.
Bài, ảnh: B.B