Kể từ khi chính thức tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (8/12/1994), Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) đã điều hành an toàn tuyệt đối gần 12 triệu chuyến bay.
Khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Đúng 7h sáng 8/12/1994, Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh đã chính thức tiếp nhận điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh).
Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng với ngành hàng không dân dụng Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển vượt bậc của công tác quản lý bay dân dụng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá quá trình đấu tranh giành lại quyền điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh kéo dài hơn 18 năm là biểu tượng của sự kiên trì, bền bỉ, và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành.
Sự kiện ngày 8/12/1994 đã đánh dấu mốc son quan trọng không chỉ với ngành hàng không Việt Nam mà còn với đất nước, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
30 năm qua, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã không ngừng phát triển, trở thành một doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh, với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ cán bộ, công nhân viên vững vàng về trình độ, đáp ứng tốt các yêu cầu bảo đảm an toàn và hiệu quả cho hoạt động bay trong nước và quốc tế.
Theo Thứ trưởng Tuấn, năm 2024, VATM đã đạt được những kết quả tích cực như duy trì tuyệt đối an toàn cho hơn 1 triệu chuyến bay qua vùng FIR Hồ Chí Minh, với mức tăng trưởng lưu lượng bay trên 10% so với năm 2023.
Đồng thời, đảm bảo chất lượng dịch vụ bay đạt chuẩn cao nhất theo đánh giá của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), đạt trên 91%, theo kết quả đánh giá của ICAO, đảm bảo bộ chỉ số an toàn trong cung cấp dịch vụ điều hành bay.
VATM cũng điều hành an toàn nhiều chuyến bay chuyên cơ phục vụ Đảng, Nhà nước, phối hợp hiệu quả với các cơ quan quốc phòng trong giám sát, quản lý vùng trời và quản lý, điều hành bay.
Ghi nhận và đánh giá cao vai trò và những đóng góp của VATM trong sự phát triển cả về chất và lượng của ngành hàng không dân dụng nói riêng và sự phát triển mạnh mẽ của toàn ngành GTVT, song lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, ngành hàng không thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, từ tốc độ tăng trưởng nhanh của vận tải hàng không, yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi tuyệt đối về an toàn bay.
Với vị trí chiến lược của Việt Nam, đặc biệt là vùng trời trên Biển Đông, nhiệm vụ của VATM càng quan trọng.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu trong thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục tăng cường năng lực giám sát và quản lý vùng trời, đặc biệt là khu vực Biển Đông, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và đảm bảo an ninh an toàn hàng không.
Cùng đó, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiếp tục đầu tư phát triển các hệ thống quản lý không lưu thông minh, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Đẩy mạnh tự động hóa và số hóa các quy trình để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Doanh nghiệp cũng cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia sâu hơn vào các tổ chức và diễn đàn hàng không quốc tế, củng cố hợp tác với các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương để chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao vị thế, thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ vùng trời.
Tối ưu hóa năng lực thông qua vùng trời
Trước đó tại sự kiện, ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) khẳng định, sự kiện ICAO chính thức giao lại quyền kiểm soát và điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh cho Việt Nam quản lý có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của quản lý bay Việt Nam, cũng là mốc son quan trọng trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao và an ninh quốc phòng.
Thành công này đã khẳng định vị thế của chuyên ngành quản lý bay của Việt Nam nói riêng và của ngành hàng không Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
30 năm qua, VATM đã từng bước kiện toàn về tổ chức quản lý, đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực, cung ứng các dịch vụ điều hành bay có chất lượng và hiệu quả kinh tế ngày càng cao, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước.
Tổng công ty đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho gần 12 triệu chuyến bay, tổng doanh thu đạt gần 32 nghìn tỷ đồng, tổng thu điều hành bay ước đạt hơn 75 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 36 nghìn tỷ đồng.
“Kết quả này đã thể hiện rõ tính hiệu quả về lợi ích kinh tế thu về cho ngân sách Nhà nước từ việc tiếp nhận lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh”, ông Minh nhấn mạnh.
Lãnh đạo VATM thông tin thêm, 30 năm qua, quá trình đầu tư, đổi mới kỹ thuật công nghệ ngành quản lý bay đã đạt được nhiều thành tựu với hệ thống trang thiết bị sử dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến đã được lắp đặt tại 2 Trung tâm kiểm soát đường dài, 4 Trung tâm kiểm soát tiếp cận, 22 đài kiểm soát tại sân bay và hàng chục các đài, trạm thông tin, dẫn đường, giám sát.
VATM đã phối hợp với các cơ quan quản lý bay của các quốc gia lân cận, các cơ quan của Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng không, ưu tiên áp dụng các công nghệ mới nhất trong quy hoạch, thiết kế vùng trời và phương thức bay, áp dụng phương thức điều hành bay tiên tiến, quản lý luồng không lưu để tạo ra sự thay đổi căn bản về năng lực của hệ thống.
Bên cạnh đó, đổi mới toàn diện hệ thống mạng đường hàng không, phương thức bay dựa trên phương thức dẫn đường vệ tinh, thực hiện tổ chức vùng trời, điều chỉnh, phân chia lại các phân khu điều hành bay trong FIR Hồ Chí Minh.
Qua đó, góp phần tối ưu hóa năng lực thông qua vùng trời, linh hoạt trong tổ chức và phối hợp điều hành bay tại sân bay, góp phần giảm chậm chuyến, thời gian bay chờ của tàu bay, mang lại lợi ích kinh tế cho các hãng hàng không.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vatm-dieu-hanh-an-toan-tuyet-doi-gan-12-trieu-chuyen-bay-19224120719251602.htm