Giá các loại vật liệu tăng mạnh thời gian qua, đặc biệt là đất, cát san đắp nền do thiếu hụt nguồn cung khiến nhiều nhà thầu thi công gặp khó khi triển khai xây dựng các công trình, dự án.
Thiếu đất, cát san nền gây khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ thi công các dự án, công trình. Ảnh: Nguyễn Lượng
Theo tìm hiểu của phóng viên, gần đây, giá đất san nền, cát phục vụ thi công các công trình xây dựng có nhiều biến động và tăng cao. Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Hà Thành Vĩnh Phúc cho biết: Là doanh nghiệp (DN) chuyên về xây dựng, từ cuối năm 2022 đến nay, đơn vị gặp nhiều khó khăn bởi giá nguyên vật liệu, nhất là đất, cát tăng mạnh.
Ví dụ như đất san nền hiện nay đã tăng lên 130 nghìn đồng/m3, giá mặt hàng này còn tùy thuộc vào khoảng các từ mỏ khai thác đến công trình đang thi công; riêng đối với cát, có thời điểm công ty không mua được để thi công, hoặc nếu mua được thì phải chịu mức giá cao hơn quy định. Điều này đã gây nhiều khó khăn, đơn vị phải tự xoay sở tìm mọi giải pháp để đảm bảo tiến độ thi công.
Giá đất san nền, cát tăng cao không chỉ khiến các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn mà các đơn vị cung cấp loại mặt hàng này cũng khó khăn không kém do thiếu nguồn cung. Anh Trần Cao Sơn, Giám đốc một DN tư nhân chuyên cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) ở phường Xuân Hòa (Phúc Yên) cho biết:
“Việc giá cát tăng cao nhẽ ra đơn vị cung cấp phải vui mừng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn cung, nhiều thời điểm đơn vị cũng không có cát mà bán”. Tình trạng giá cát tăng cao và không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là gánh nặng, tạo sức ép lớn đối với lĩnh vực xây dựng. Do đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, bình ổn giá mặt hàng này.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường VLXD, vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng đề xuất, mở rộng cấp phép đối với các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh để đảm bảo cung cấp cho thị trường.
Cùng với đó, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, quản lý về giá khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Sở Xây dựng đối với các diễn biến trong hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh (số lượng, trữ lượng, tình hình hoạt động khai thác…).
Sở Xây dựng tiến hành khảo sát và công bố tại mỏ khai thác và các bãi tập kết (đá, cát) có trữ lượng lớn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc khảo sát giá đất phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, ngoài việc công bố giá đất san nền theo thông tin các chủ mỏ cung cấp, Sở Xây dựng đăng kèm theo danh sách các mỏ đất đang được cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phối hợp trong quản lý khai thác khoáng sản, kinh doanh VLXD tại địa phương. Kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin biến động giá VLXD với cơ quan chức năng.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, giá đất san lấp đến chân công trình phụ thuộc nhiều vào chi phí vận chuyển; giá thành quyết định bởi giá xăng dầu, tuyến đường và cự ly vận chuyển từ nơi cung ứng vật liệu đến chân công trình.
Về việc giá cước vận chuyển cao hơn so với việc tính cước vận chuyển theo định mức: Định mức vận chuyển do Bộ Xây dựng ban hành đang được áp dụng trên toàn quốc, thực tế việc xác định chi phí vận chuyển theo định mức phụ thuộc vào việc lựa chọn loại xe (tải trọng), tuyến đường (cấp đường) và giá nhiên liệu (xăng, dầu) tại thời điểm nào. Việc biến động giá nhiên liệu tăng cao tại thời điểm thi công xây dựng so với thời điểm xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng công trình.
Ông Nguyễn Từ Linh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh cho biết: “Để các DN, nhà thầu thi công chủ động tìm nguồn cung đất san nền, ngành chức năng cần yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác trên địa bàn còn hiệu lực (20 đơn vị) nhất thiết phải công bố định kỳ, công khai về giá bán và trữ lượng (năng lực cung cấp) còn lại của mỏ.
Nếu việc này được thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập, thẩm tra, thẩm định dự toán do xác định cụ thể mỏ nào còn trữ lượng khai thác để tránh việc áp giá của các mỏ không còn khả năng cung cấp thực tế.
Thực trạng hiện nay, một số mỏ tuy còn trữ lượng nhưng thực tế không còn khả năng cung ứng do chủ mỏ đã có hợp đồng mua bán hoặc cam kết cung cấp cho những công trình khác. Mặt khác, các chủ đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn trong việc xác định mỏ đất nào phù hợp để áp giá cho công trình của mình (mỏ đất còn hiệu lực cấp phép, còn khả năng cung ứng thực tế, cự ly vận chuyển ngắn nhất).
Đối với cát đắp nền, cần công bố báo giá đầy đủ tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn. Việc này nếu được thực hiện đúng quy định sẽ tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát rất nhiều cho ngân sách nhà nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Thành An