Đừng để mất điểm vì máy tính bỏ túi
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi lớp 10 bao gồm bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ.
Riêng về máy tính bỏ túi, giáo viên Đặng Hữu Trí, tổ trưởng tổ toán Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), lưu ý nhiều thí sinh đã bị mất điểm do không kiểm tra kỹ máy tính bỏ túi trước khi mang vào phòng thi. Các em dùng chung máy tính với anh chị học THPT vì thế đơn vị sử dụng có thể khác nhau. Khi sử dụng máy tính, nếu các em không chú ý quy đổi đơn vị sẽ dẫn đến kết quả sai, mất điểm.
Đặc biệt, giáo viên lưu ý thêm sai lầm học sinh thường gặp nhất khi làm bài thi tuyển sinh lớp 10 môn toán là phân bổ thời gian làm bài chưa hợp lý. Đôi khi thí sinh không chú ý nên dành quá nhiều thời gian vào phần đại số, chăm chú giải các bài toán thực tế khó, không phân bổ thời gian cho phần hình học phẳng.
Vì vậy, theo thầy Trí, thí sinh nên cân nhắc thời gian, có thể chia đều cho hình học và đại số, mỗi phần có 60 phút làm bài. Dù phần hình học chỉ có 3 câu và điểm số cũng không nhiều nhưng vẫn cần thời gian 60 phút làm bài bởi dạng bài tập này đòi hỏi thí sinh phải vẽ hình và suy luận. Riêng phần vẽ hình đã mất 15 phút, giải các câu hỏi phải có kỹ năng nhìn hình và phân tích, nếu dành ít thời gian thì chưa thể giải quyết được một bài hình trọn vẹn, mất điểm rất đáng tiếc.
Những quy định thí sinh cần tuân thủ trong phòng thi
- Mỗi buổi thi, thí sinh có mặt tại phòng thi lớp 10 đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi.
- Trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi, ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình.
- Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, giấy nháp.
- Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi.
- Không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi.
- Nếu muốn có ý kiến phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi, sau khi được phép, thí sinh đứng trình bày công khai với cán bộ coi thi ý kiến của mình.
- Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ).
- Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng làm bài ngay. Bảo quản nguyên vẹn, không để người khác lợi dụng bài thi của mình; phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý các trường hợp bài thi của mình bị người khác lợi dụng hoặc cố ý can thiệp.
- Thí sinh chỉ có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi. Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do trưởng điểm thi quyết định.
Ông Võ Thiện Cang (Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TP.HCM)
Làm câu nào chắc câu đó
Tương tự lưu ý về phân bổ thời gian làm bài, giáo viên Trần Thị Thương Thương, tổ trưởng tổ ngoại ngữ, Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM), nêu rõ đề thi lớp 10 môn tiếng Anh gồm 40 câu trong đó có 28 câu trắc nghiệm và 12 câu tự luận. Mỗi câu, dù trắc nghiệm hay tự luận đều có cùng số điểm là 0,25 điểm. Vì các câu, dù khó hay dễ, đều có số điểm như nhau nên khi làm bài thi, thí sinh cần đọc thật kỹ đề, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó.
Còn cô Nguyễn Thị Xuân Oanh, tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cũng nhắc nhở thí sinh: “Khi làm bài thi tiếng Anh, các em không nên vội vã mà cần phân tích xem đề hướng đến điểm ngữ pháp nào, từ vựng nào, cấu trúc ra sao để lựa chọn đáp án chính xác nhất. Tốt nhất là ghi đáp án vào giấy nháp trước khi viết vào bài thi”.
Cô Oanh lưu ý riêng về phần viết câu, thí sinh sẽ khó đạt điểm nếu không có sự tỉ mỉ. Khi viết câu, chỉ cần chép lại sai 1 từ là sẽ mất điểm, vì thế các em phải hết sức chú ý. Phần chọn True/False thí sinh cũng cần lưu ý, không được viết tắt.