Tất cả chúng ta đều từng trải qua nhiều lần căng thẳng. Tuy nhiên, khi căng thẳng không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tâm lý như lo lắng, trầm cảm.
Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ), căng thẳng, lo lắng và trầm cảm làm giảm khả năng tập trung, khiến học sinh, sinh viên khó có thể học tập và làm người lớn không thể hoàn thành công việc tốt nhất.
Dưới đây là một số biện pháp giúp cải thiện tình trạng căng thẳng.
1. Ngủ đủ giấc
Với lịch học và hoạt động dày đặc, sinh viên là đối tượng thường không ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ khiến cơ thể làm việc kém hiệu quả, gặp khó khăn trong học tập.
Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ và buồn ngủ vào ban ngày có liên quan đến tâm trạng không tốt, khiến việc học tập kém hiệu quả hơn. Chuyên gia khuyên nên ngủ ít nhất 7-8 giờ/ngày.
2. Tập thể dục thường xuyên
Một trong những cách lành mạnh nhất để thư giãn là tập thể dục thường xuyên. Một nghiên cứu cho thấy những sinh viên thường xuyên luyện tập thể dục vẫn phải đối mặt với những áp lực xã hội, học tập và cuộc sống như những bạn đồng trang lứa, nhưng những sinh viên này ít cảm thấy căng thẳng, hoặc dễ dàng vượt qua căng thẳng hơn.
Với lịch học tập dày đặc vào mùa thi, chuyên gia khuyên nên thử các phương pháp luyện tập tận dụng thời gian như tập yoga vào buổi sáng, đi bộ…
3. Hít thở sâu
Khi cơ thể đang trải qua một phản ứng căng thẳng, bạn thường khó có thể tập trung suy nghĩ. Ngoài ra, khi đó, bạn cũng sẽ không thở đúng cách với những hơi ngắn và nông. Hít thở không đúng cách sẽ làm rối loạn quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Điều này có thể làm tăng cảm giác lo lắng, mệt mỏi.
Một trong những cách nhanh chóng để lấy lại bình tĩnh là tập thở. Các chuyên gia cho rằng không chỉ giúp cơ thể lấy lại bình tĩnh, thở đúng cách còn giúp chúng ta giải quyết các mối căng thẳng kéo dài như quan hệ gia đình, bạn bè, căng thẳng trong học tập, thi cử.
4. Giảm tiếp xúc màn hình, tăng trò chuyện
Điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng là những vật không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều sinh viên. Tuy nhiên, tiếp xúc lâu với các thiết bị này có thể làm tăng mức độ căng thẳng.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức có thể khiến mức độ căng thẳng gia tăng và làm rối loạn sức khỏe tâm thần. Hơn nữa, thời gian sử dụng thiết bị dài có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, dẫn đến gia tăng căng thẳng.
Thay cho thời gian tiếp xúc với các màn hình, người trẻ nên dành thời gian để trò chuyện với người thân, bạn bè và tham gia các hoạt động xã hội. Các hoạt động này có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cảm giác hạnh phúc.