Rasmus, một học sinh 15 tuổi người Đan Mạch, rất khó ngủ vào ban đêm và em thường đến trường mà không ngủ đủ giấc. Trong bối cảnh nhận thức về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên ngày càng tăng, khoảng 20 trường học ở Đan Mạch đã thực hiện dự án học muộn sau thử nghiệm kéo dài 2 năm.
Theo báo cáo từ Viện Y tế công cộng quốc gia, một tổ chức nghiên cứu tại Copenhagen, thanh thiếu niên nên ngủ từ 8-10 tiếng mỗi ngày, nhưng hiện nay, gần 60% thanh thiếu niên 15 tuổi ngủ ít hơn thế.
Báo cáo cho rằng, nguyên nhân do những thay đổi về cơ thể và việc sử dụng điện thoại thông minh vào buổi tối.
Melatonin – một loại hormone mà cơ thể con người tiết ra vào ban đêm để gây buồn ngủ, và cortisol – một loại hormone gây căng thẳng giúp đánh thức cơ thể, được tiết ra muộn hơn vào ban ngày ở thanh thiếu niên so với người lớn.
Cathrine Wimmelmann, nhà nghiên cứu cấp cao tại trung tâm sức khỏe trẻ em, cho biết, hậu quả của việc ngủ quá ít có thể dẫn đến nguy cơ bất hạnh, khó tập trung và gây căng thẳng, trầm cảm.
Trong bối cảnh nhận thức về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên ngày càng tăng, một số trường học ở Đan Mạch đã thử nghiệm thay đổi giờ vào học từ 8 giờ 10 thành 9 giờ. Năm 2022, Trường Th. Langs Skole ở Silkeborg, miền Tây Đan Mạch, bắt đầu cho phép học sinh từ 13-16 tuổi (lớp 7 đến lớp 9 ở Đan Mạch) bắt đầu vào học lúc 9 giờ sáng thay vì 8 giờ 10 sáng.
Từ khi đổi giờ học, Rasmus cho biết: “Em có giấc ngủ chất lượng hơn và ngủ nhanh hơn”. Trải nghiệm này không chỉ giới hạn ở Rasmus. “Trước đây, chúng em rất mệt mỏi và khá buồn bực vào buổi sáng. Nhiều khi em cảm thấy buồn ngủ và không thực sự quan tâm đến bài học”, Emily – một học sinh 15 tuổi tại Trường Th. Langs Skole, nói.
“Nhưng sau đó, khi giờ học bắt đầu từ 9 giờ sáng, chúng em vui vẻ hơn, nói chuyện với nhau thay vì nhìn xuống điện thoại”, Emily nói thêm.
Trường Th. Langs Skole đã hợp tác với Công ty khởi nghiệp công nghệ Enversion của Đan Mạch để theo dõi giấc ngủ của học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 thông qua một ứng dụng.
Dựa trên các cuộc khảo sát trên ứng dụng, nhà trường nhận thấy rằng, học sinh ngủ trung bình 7 giờ 58 phút trong thời gian theo dõi cũng như có sự cải thiện về thời gian ngủ, hiệu quả giấc ngủ và tình trạng mệt mỏi trong 3 tháng đầu tiên của sáng kiến.
Câu chuyện của Trường Th. Langs Skole đã lan truyền khắp cả nước và truyền cảm hứng cho nhiều trường khác trong 2 năm qua.
Mặc dù các chuyên gia tin đây là một sáng kiến đầy hứa hẹn, xét theo đặc điểm sinh lý của thanh thiếu niên, nhưng họ vẫn cho rằng chỉ thay đổi giờ vào học thôi không đủ.
Việc giải quyết các hành vi như sử dụng điện thoại hoặc hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện hoặc hỗ trợ hiệu quả sáng kiến giờ vào học muộn hơn.
Chuyên gia C.Wimmelmann cho biết: “Tại Đan Mạch, nhiều trường đã triển khai sáng kiến mà chưa có đánh giá khoa học về phương pháp luận, sáng kiến này chỉ đề cập đến thời lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa câu chuyện, vì chúng tôi chủ yếu xem xét thời lượng giấc ngủ chứ không tính đến chất lượng giấc ngủ, trong khi cả hai đều tác động đến khả năng nhận thức, khả năng xã hội và những thứ tương tự”.
LAM ĐIỀN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/vao-hoc-muon-de-cai-thien-suc-khoe-post758309.html