Nhạc sĩ Lê Hựu Hà sinh ngày 5/6/1946 tại Biên Hòa, Đồng Nai trong một gia đình theo đạo Phật. Ông có pháp danh là Đồng Thành. Lê Hựu Hà bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1965 trong ban nhạc Hải Âu tại Đại hội nhạc trẻ của Trường Trung học La San Taberd. Sáng tác đầu tiên của ông là bài “Yêu em”, bài thứ hai là “Mai Hương“ (tặng người vợ đầu), rồi tiếp theo là “Nhớ thương nhau hoài”, “Chiều về”…
Từng theo học Đại học Văn khoa Sài Gòn, nhưng rồi Lê Hựu Hà quyết định rời giảng đường để đi theo con đường âm nhạc. Ông là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng như “Tôi muốn”, “Yêu người yêu đời”, “Huyền thoại người con gái”… Sau năm 1975, nhạc sĩ Lê Hựu Hà cùng Quốc Dũng, Bảo Chấn, Lý Được thành lập ban nhạc Hy vọng và viết lời Việt cho nhiều ca khúc nước ngoài quen thuộc như “Đồng xanh” hoặc “Người đến từ Triều Châu”. Sau này nhạc sĩ Lê Hựu Hà còn viết 3 ca khúc nổi tiếng: “Vào hạ”, “Hãy yêu như chưa yêu lần nào” và “Ngỡ đâu tình đã quên mình”.
Năm 2004, nhạc sĩ Lê Hựu Hà đã được truy tặng Giải thưởng Làn Sóng Xanh cho hạng mục Nhạc sĩ được yêu thích nhất.
Bài hát “Vào hạ”, ra đời ở giai đoạn cuối thập niên 1980. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà kể rằng đã viết ca khúc “Vào hạ” sau một chuyến lưu diễn ở Hải Phòng đúng vào mùa hoa phượng đang nở rộ. Nhạc sĩ chia sẻ “Nếu có dịp ra Hải Phòng vào mùa hè, bạn sẽ cảm nhận được cái đẹp ở cuộc đời vào mùa hạ. Trời xanh, hoa phượng đỏ còn tôi thì cứ lang thang và nghĩ rằng: Cuộc đời có thể có nhiều điều làm chúng ta không hài lòng, nhưng cuộc đời cũng có những cái để vui, thì tại sao lại cứ phải u ẩn và than trách?” và bài hát đã mở đầu bằng những ca từ:
“Trời nhẹ dâng lên cao, hồn tôi dường như bóng chim,
Vươn đôi cánh mềm lặng lẽ kiếm chốn nao bình yên,
Và dòng sông xanh kia nằm im như không muốn trôi,
Phơi màu áo rêu vỗ về đánh giấc trưa nghỉ ngơi…”
Cảm xúc về bài hát “Vào hạ”, nhiều thính giả đã tham gia mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của chương trình Ca nhạc theo YCTG. Bạn Nguyễn Thị Thu Hương ở An Đỗ, Bắc Sơn, Ân Thi, Hưng Yên đã mở đầu bài cảm nhận: “Mùa hạ, mùa thi, mùa chia ly. Vâng em đã cảm nhận được ý nghĩa của mùa hạ cuối cùng của thế kỷ 20. Mùa hạ với cái nắng oi ả, mùa hạ của những chùm phượng đỏ thắm, mùa của những bạn học sinh chuẩn bị những kỳ thi… Nhưng khi nghe “Vào hạ” của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, các bạn sẽ quên hết cái nắng oi ả, quên hết mệt mỏi… sẽ chỉ còn lại mùa hạ của niềm vui, của sự tự tin vào cuộc sống. Ta hãy lắng nghe:
“Trời nhẹ dâng lên cao, hồn tôi dường như bóng chim,
Vươn đôi cánh mềm lặng lẽ kiếm chốn nao bình yên”
Hình ảnh cánh chim bay trong bầu trời mùa hạ như ước mơ của tác giả hay cũng là ước mơ của chúng ta đến những chân trời xa, một cuộc sống thanh bình không ồn ào, náo nhiệt. Ca từ trong bài hát được tác giả sử dụng hết sức hay và nhuần nhuyễn:
“Rì rào ngọn heo may thở than qua muôn khóm cây,
Chợt nghe hững hờ, mùa hạ lướt thướt qua tầm tay”…
Kết thúc bài cảm nhận của mình, bạn Thu Hương viết: “Một bài hát tồn tại được lâu là do tác giả sáng tác hay, am hiểu cuộc sống và viết bằng tình cảm của mình… và nếu ca sĩ cũng hát bằng cả trái tim thì bài hát sẽ không bao giờ bị lãng quên”.
Cùng dành tình cảm cho bài hát “Vào hạ”, bạn Hoàng Hồng Nhung ở xóm Lăng, xã Văn Khúc, Sông Thao, Phú Thọ đã viết: “Tác giả Lê Hựu Hà thật là thơ mộng, lãng mạn với bài ca: Vào hạ. Vào đầu bái hát, ông cho chúng ta thấy một khung cảnh thiên nhiên thật đẹp về một mùa hạ tuyệt vời đã được nhạc sĩ chọn lọc qua hai hình ảnh: cánh chim và dòng sông. Cánh chim mềm mại như tâm hồn tác giả. Phải chăng ông muốn làm cánh chim hòa nhập vào khung cảnh mùa hạ tuyệt đẹp này. Còn với dòng sông ít bao giờ “nằm yên như không muốn trôi” phải chăng dòng sông cũng muốn dừng lại để chiêm ngưỡng cảnh hạ. Về với ngọn gió mát mẻ của mùa hạ, với ngọn gió rì rào heo may như những nốt nhạc luồn qua những kẽ lá khóm cây. Qua góc nhìn của Lê Hựu Hà, “Vào hạ” sôi động như những cảnh tượng hiện lên trước mắt người nghe. Đó là hình ảnh của thiên nhiên đẹp đẽ, trong lành. Còn trên cao, những đám mây như đang tìm bạn bè cùng nhau chiêm ngưỡng cảnh mùa hạ… để rồi rối rít kể những câu chuyện trần gian…
Vẫn tiếp nguồn cảm hứng đó tác giả đưa chúng ta đến một cuộc chơi phiêu lãng ngắm những kiếp người. Những kiếp người đã trải qua bao nhiêu đắng cay “vẫn cười” coi thường sự khổ cực vì họ sẽ vượt qua được bằng sức lực và trí tuệ của chính bản thân mình, vì vậy nụ cười của họ thật sảng khoái, họ tin tương lai sẽ sáng hơn, rực rỡ hơn. Niềm vui ấy được hòa quyện cùng mùa hạ.
“…Hãy thắp sáng tâm hồn
Cháy lên trong tim mỗi người
Những yêu thương cho cuộc đời,
Mùa hạ ơi, tình phơi phới!
Bạn ơi xin hãy vứt hết nỗi buồn,
Xóa tan đi bao đêm trường,
Bước ung dung trong cuộc đời…. hạ ơi…”
Qua điệp khúc, tác giả cho chúng ta một ngọn lửa thắp sáng rực rỡ trong mỗi tâm hồn con người Việt Nam và nhân loại. Một ngọn lửa về cuộc đời con người, về tình cảm bạn bè, gia đình và xã hội, hãy luôn vui tươi gắn bó chúng ta với nhau hơn.
“Những yêu thương cho cuộc đời,
Mùa hạ ơi, tình phơi phới…!”
Với bạn Hoàng Hồng Nhung, điệp khúc rất hay đã khuyên chúng ta hãy quên đi những nỗi buồn để đón nhận một cuộc sống tốt đẹp hơn để tâm hồn luôn tươi sáng với mùa hạ lý tưởng ấy. Bước vào mùa hè, chúng ta hãy nghe “Vào hạ” cùng nhạc sĩ Lê Hựu Hà các bạn nhé.
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/vao-ha-cung-nhac-si-le-huu-ha-post1104205.vov