Với chiều cao 1m74, Quách Thị Lan lại vô duyên với sàn diễn thời trang hay sân bóng chuyền – nơi “những cô gái chân dài”đua tài khoe sắc. Điền kinh đến với Lan thật tự nhiên ở tuổi 13 khi cùng chúng bạn tập trung trước màn hình xem Vũ Thị Hương thi đấu 100m nữ Olympic Bắc Kinh 2008: “Tuổi thơ của tôi gắn với đồng ruộng, cứ ngoài giờ học lại chăn trâu, cắt cỏ phụ giúp cha mẹ việc nhà nông, nô đùa, chạy nhảy không biết mệt. Hôm đó, không biết vì sao người lớn lại tập trung đông thế để xem ti vi nên tụi nhỏ chúng tôi cũng tò mò. Trong ký ức của mình, tôi vẫn nhớ hình ảnh chị Hương chạy nhanh và đẹp quá. Ngay từ lúc đó, tôi đã muốn được như chị Hương”, Quách Thị Lan mở đầu cuộc trò chuyện cùng Dân Việt.
Chẳng ai ngờ 13 năm sau, chính cô bé 13 tuổi ngày nào lại có thể tiếp bước thần tượng trên đấu trường Olympic…
– Hình ảnh của chị Hương thi đấu Olympic 2008 cứ xuất hiện thường trực trong suy nghĩ của tôi. Cũng trong năm đó, huyện Ngọc Lặc có cuộc thi chạy và tôi đã đăng ký tham gia, giành HCB 800m. Khi được các thầy cô trường nội trú huyện gọi xuống học và nói sẽ được tập chạy bài bản tại trường, tôi vui lắm. Nhà tôi có 2 anh em (anh Lan là tuyển thủ điền kinh Việt Nam Quách Công Lịch – PV), bố mẹ quanh năm mưu sinh vất vả nhưng luôn mong con mình được vui vẻ nên không cấm cản gì. Tôi bắt đầu cuộc sống xa nhà từ năm lớp 7, hàng tuần chỉ về nhà 1 lần, đến thời gian thi học kỳ, có khi 2-3 tuần tôi mới được về nhà.
Sau đó, tôi tiếp tục giành được những thành tích cao tại giải của tỉnh Thanh Hoá và dấu ấn đầu tiên là tấm HCV 400m rào nữ giải điền kinh vô địch quốc gia 2012 với thành tích 57 giây 36 (phá kỷ lục cũ trước đó 10 năm của Nguyễn Thanh Hoa (57 giây 97) – PV), qua đó được triệu tập Đội tuyển điền kinh Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 2013 tại Myanmar.
Đặt chân tới Nhổn, tôi cảm thấy vô cùng tự hào, hạnh phúc. Bỏ qua cảm giác bỡ ngỡ ban đầu, tôi chỉ biết mình sắp được được tập luyện cùng ĐTQG với chị Hương rồi!
Đến giờ, chị Hương luôn là một tấm gương để thế hệ “đàn em” noi theo. Không chỉ qua những thành tích mà chị đã đạt được tại ASIAD, SEA Games mà đó còn là ý chí, niềm đam mê bất tận dành cho điền kinh.
Kỳ SEA Games đầu tiên năm 2013 của tôi cũng là kỳ SEA Games cuối cùng của chị Hương. Dù vừa phẫu thuật trị bệnh nhưng chị Hương vẫn trở lại mạnh mẽ để giành HCV 100m. Tôi nhớ như in lời chị khuyên nhủ: “Chơi thể thao là phải đam mê. Nếu em không đam mê thì không thể đi đến cùng với nó và cũng không thể biết mình có thể làm được những gì”.
SEA Games 2013 cũng là kỳ Đại hội Quách Thị Lan đã “rơi vàng” 400m rào ngay trước vạch đích…
– Nghĩ lại tôi cũng không lý giải nổi tại sao mình đã dẫn đầu trong suốt cuộc đua, khi vượt qua rào thứ 10 cuối cùng tôi vẫn cảm thấy mình rất khỏe. Nhưng sau đó, tự nhiên người cứng lại, chân tay không thể nào di chuyển được đúng như ý. Tôi mất kiểm soát và chỉ biết cố gắng rướn hết mình cán đích. Tấm HCB SEA Games 2013 thực sự đáng tiếc đối với tôi. Thời điểm đó tôi mới 18 tuổi nên cũng suy nghĩ rất nhiều. Anh Lịch cũng bị tái phát chấn thương phải bỏ cuộc trên đường chạy 400m SEA Games 2013. Sau giải đấu đó, cả 2 anh em đều rất buồn và chỉ biết động viên nhau sớm cân bằng trở lại để tiếp tục tập luyện hướng tới những mục tiêu mới.
Đó là kỷ niệm SEA Games đáng nhớ nhất của Lan?
– Đó là bài học khó quên nhất đối với tôi. Còn kỷ niệm đáng nhớ nhất, tôi nghĩ là kỳ SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines.
Trước thềm Đại hội, tôi đặt quyết tâm sẽ giành HCV cá nhân 400m rào – nội dung tôi vừa được đôn lên nhận HCV ASIAD 2018 với thành tích 55 giây 30 và cũng là thông số tốt nhất của tôi tính tới lúc này, do VĐV người Bahrain Kemi Adekoya dính doping bị tước huy chương. Năm 2019, tôi cũng vô địch châu Á 400m rào tại Qatar nên càng tự tin hơn.
Vậy mà chấn thương lại đến quá bất ngờ tại SEA Games. Vui mừng, cảm xúc khó tả bao nhiêu sau khi giành HCV tiếp sức 4x400m hỗn hợp nam nữ – nội dung lần đầu tiên được đưa vào thi đấu tại SEA Games; tôi lại hẫng hụt bấy nhiêu khi đầu gối bị sưng, tràn dịch không kịp hồi phục để thi đấu nội dung cá nhân.
Đôi khi nghĩ lại cũng chỉ biết cười… ra nước mắt bởi hơn chục năm thi đấu đỉnh cao, hầu hết các giải đấu tôi đều bị chấn thương gối, cổ chân ở những mức độ khác nhau. Chấn thương gối giờ đã trở thành mãn tính và rất… hên xui. Từ nay tới SEA Games 31 còn gần 2 tháng nữa, tôi cầu mong chấn thương hãy tạm “quên” mình đi một thời gian, thi đấu xong rồi lại làm bạn với nhau cũng được mà (cười).
Cuộc trò chuyện của Dân Việt với Quách Thị Lan diễn ra sau khi chương trình “Vinh quang Thể thao Việt Nam”, kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao (27/3/1946 – 27/3/2022) khép lại. Tôi đã quan sát từ xa và khá ngạc nhiên khi đã gần trưa mà một “ngôi sao” tên tuổi như cô vẫn sẵn sàng vào vai… trông đồ, nán lại đến cuối giờ để gửi lại bằng khen cho các đồng nghiệp: “Ai mới tiếp xúc với Lan đều có chung cảm nhận về một cô gái hiền lành, ít nói, thậm chí là thiếu cá tính. Nhưng sinh hoạt, tập luyện cùng Lan, mọi người sẽ nhận thấy nội lực rất lớn ẩn bên trong vẻ ngoài có phần nhút nhát đó. Với tôi, cá tính của Lan thể hiện qua thành tích thi đấu, qua hành động chứ không phải bằng lời nói”, Vũ Thị Hương – “nữ hoàng tốc độ” nhìn nhận về “đàn em” kế cận.
Qua bao năm tháng, Nhổn vẫn vậy. Dường như lớp lớp thế hệ VĐV khi trở lại đây đều cảm giác như mọi thứ mới như ngày hôm qua Lan nhỉ?
– Thời gian chẳng chờ đợi ai, mới ngày nào tôi mới chân ướt chân ráo tới Nhổn, vậy mà đã 10 năm trôi qua. Từng đoạn lồi lõm, xuống cấp trên đường chạy tôi đã quá quen thuộc, đến độ nếu nhắm mắt đi bộ quanh sân cũng cảm giác được mình đang đặt chân tới chỗ nào, cũng như mỗi khi thi đấu dưới trời mưa, có thể nhắm mắt chạy vượt rào vậy.
Nhắc tới mưa, những người yêu thích thể thao chẳng ai quên được hình ảnh Quách Thị Lan trên đường chạy bán kết 400m rào Olympic Tokyo 2020…
– Không chỉ điền kinh mà tôi nghĩ với mọi môn thể thao thi đấu ngoài trời, khi trời mưa đều ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn. Với nội dung chạy vượt rào của tôi, mưa ảnh hưởng rất lớn. Khi chạy, mưa bắn vào mắt không thể nhìn thấy gì nên chỉ có cách… nhắm mắt mà chạy, vượt rào bằng cảm giác.
Tại Olympic Tokyo, sau lượt chạy vòng loại về đích với thời gian 55 giây 71, tôi đã nhận thấy mình mắc lỗi kỹ thuật ở 2 rào cuối và muốn cải thiện điều đó hướng tới thành tích tốt hơn ở lượt chạy bán kết. Tiếc là trời mưa nên không thể thực hiện được tốt những gì mình muốn, chỉ có thể đạt thông số 56 giây 78.
Lần đầu dự Olympic, được so tài với kỷ lục gia thế giới McLaughlin Sydney và nhà vô địch 400m rào nữ Olympic 2016 Muhammad Dalilah, cảm giác thế nào?
– Đó là một trải nghiệm tuyệt vời mà tôi may mắn có được. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên trong năm 2020 và đầu năm 2021 không có giải đấu quốc tế nào được tổ chức để giành vé chính thức dự Olympic. Điền kinh Việt Nam có 1 suất đặc cách và khi biết mình được chọn tôi đã rất vui. Vậy là 9 năm sau khi được triệu tập ĐTQG, tôi lại vươn tới một nấc thang mới trong sự nghiệp. Tại Olympic, tôi sẽ được chạy cùng những tên tuổi hàng đầu thế giới. Khi ấy, mọi VĐV đều duy trì sự tập trung cao nhất, sẵn sàng chiến đấu để mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Bước vào đường đua, tôi không có cảm giác e ngại bất kỳ đối thủ nào, thậm chí còn thấy hạnh phúc vì được học hỏi từ đối thủ. Tôi không có gì hối tiếc vì đã làm tất cả những gì có thể trong kỳ Thế vận hội đầu tiên của mình.
Lan đã đặt mốc son mới cho điền kinh Việt Nam với tư cách VĐV đầu tiên lọt tới bán kết đường chạy Olympic. Trước Lan, Vũ Thị Hương là VĐV duy nhất vượt qua vòng 1 để có mặt tại vòng 2 nội dung 100m nữ Olympic Bắc Kinh 2008…
– Chị Hương vẫn là “nữ hoàng tốc độ” của Việt Nam, người đã giúp điền kinh Việt Nam định danh trên đấu trường quốc tế. Còn tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện khả năng. Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào thông số của tôi tại Olympic thì tôi chưa vượt qua được chính mình – điều mà chị Hương luôn làm được.
Ở SEA Games, dù đã có những tấm HCV đồng đội tiếp sức nhưng tôi vẫn chưa giành được HCV cá nhân 400m và 400m rào. Trong khi chị Hương đã thống trị đường chạy 100m, 200m SEA Games trong gần 10 năm từ SEA Games 2005 cho tới khi giải nghệ năm 2013.
Nói chung trong điền kinh, mỗi nội dung đều có nét khác biệt rất khó so sánh. Bản thân tôi ban đầu được thầy cô hướng cho tập nhảy sào, rồi chuyển sang tập 7 môn phối hợp và cuối cùng mới khẳng định sự phù hợp trên đường chạy 400m, 400m rào.
“2 chân như 1″ là câu nói cửa miệng dành khen tặng những cầu thủ bóng đá đẳng cấp có thể đỡ, chuyền, dứt điểm tốt bằng cả chân thuận và chân không thuận với độ nhạy cảm, lực, chính xác tương đương nhau. Không nhiều người biết, ở cự ly 400m rào đặc biệt trong điền kinh, VĐV cũng phải chạy được (ở đây nói đến chân tấn công, chân vượt rào) bằng cả 2 chân: “Tại Olympic Tokyo 2020, tôi còn có duyên gặp lại HLV Loren Seagrave – người giúp tôi chạy tốt bằng cả 2 chân trong thời gian tập huấn ở Mỹ năm 2015. Khi hoàn thiện được kỹ thuật “2 chân như 1″ rồi thì vào rào bằng chân nào cũng được, tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với việc chỉ chạy được 1 chân”, Quách Thị Lan chia sẻ.
Các CĐV thì còn khá lạ với câu nói “phải chạy được cả 2 chân” trong điền kinh. Lan có thể nói rõ hơn?
– Ví dụ nội dung 400m rào của tôi có 10 rào trên đường chạy, chạy trung bình 16 bước thì sẽ vượt rào. Nhưng trên đường đua, do nhiều yếu tố thể lực, thời tiết nên có thời điểm bước chạy dao động 15 đến 17. Nếu chỉ chạy được 1 chân thuận, khi vào rào sẽ lỡ nhịp.
Thêm nữa, khi bước vào khúc cua, nếu mình tấn công bằng chân trái, chân kéo (chân phải) vào bên trong thì không nói làm gì. Nhưng nếu tấn công bằng chân phải, khi ôm vào đường cua quá, chân kéo sẽ lấn sang bên đường của đối thủ và bị trọng tài bắt lỗi phạm quy.
Trước khi được thầy Loren Seagrave hướng dẫn, tập kỹ thuật rất nhiều thời điểm năm 2015 tôi chỉ chạy được 1 chân và không phát huy được hết khả năng. Gặp lại thầy ở Olympic Tokyo tôi rất vui. Nhớ lại, thời gian tập huấn ở Mỹ có nhiều cảm xúc. Nơi đất khách quê người, ngoài giờ huấn luyện, thầy cô còn giúp tôi được đi học tiếng Anh, cho tôi ở cùng nhà, coi tôi như người thân trong gia đình, chăm sóc về dinh dưỡng trong quá trình tập luyện.
Cùng với thầy Loren Seagrave, Lan còn có nhiều kỷ niệm với HLV nào nhất?
– Khoảng chục năm khoác áo đội tuyển điền kinh Việt Nam tôi may mắn được học hỏi từ nhiều người thầy. HLV hiện tại của tôi là thầy Simeonov Vladimir Hristov (Bulgaria) cũng có nhiều bài tập giúp tôi phát triển khả năng.
Nhưng người tôi nhớ nhiều nhất vẫn là cô Lê Thị Tuyết – HLV đội điền kinh Thanh Hoá. Cô chính là người đưa tôi lên tập chuyên nghiệp, giúp đỡ, động viên tôi rất nhiều trong thời gian đầu tập trung đội tuyển. Cô như một người mẹ thứ 2 trong những ngày tôi xa nhà, bắt đầu hành trình theo đuổi niềm đam mê. Cô dạy tôi từ cách gấp quần áo sao cho đúng và đẹp. Cô bảo, muốn làm được những việc lớn, thì trước hết, phải tỉ mỉ từ những chuyện nhỏ nhất. Trong điền kinh, ngày nào cũng phải tập luyện, hoàn thiện những khiếm khuyết nhỏ nhất về kỹ thuật thì mới có thể đạt thành tích cao nhất khi thi đấu.
Những nỗ lực hoàn thiện bản thân cuối cùng đã giúp Lan vượt qua Nguyễn Thị Huyền ở cả 2 nội dung 400m, 400m rào nữ giải vô địch quốc gia 2020 sau nhiều năm về nhì…
– Tôi và chị Huyền là chị em, đồng đội khi khoác áo ĐTQG nhưng cũng là đối thủ khi thi đấu trong nước. Chúng tôi cạnh tranh tích cực để cùng phát triển. Trong tập luyện cũng như sinh hoạt, chị em biết gì thì chia sẻ lại cho nhau. Trong thể thao, phải có “người kéo” thì mình mới cố gắng, nỗ lực hơn để cải thiện thành tích được. Cá nhân tôi thực sự nể phục ý chí, nghị lực của chị Huyền. Trước thềm SEA Games 30, chị Huyền vừa sinh con xong được khoảng 3 tháng đã trở lại tập luyện, thi đấu mạnh mẽ và giành HCV 400m, 400m rào nữ. Đó là điều tôi cần học hỏi từ chị để chuẩn bị cho mình sự tự tin, quyết tâm cao nhất tại SEA Games 31.
Hình ảnh Lan bay người về đích, vượt qua Nguyễn Thị Huyền ở nội dung 400m nữ giải vô địch Quốc gia 2020 nói lên rất nhiều điều…
– Cả năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chúng tôi chỉ có mỗi giải vô địch Quốc gia vào cuối năm để thể hiện bản thân. Ai cũng khát khao được thi đấu, cá nhân tôi nhiều khi bị chấn thương vẫn nén đau chạy, dù không thể đạt thành tích cao nhất.
Cả một quá trình tập luyện chỉ chờ đến ngày thi đấu. Nói ví von một chút thì 365 ngày chỉ gói gọn vào chưa đầy 1 phút “bùng nổ” trên đường đua, làm sao có thể bỏ lỡ được. Tôi nghĩ mình đã bỏ công sức, rèn giũa cả năm rồi thì bất kể giá nào cũng vào đường đua để tận hưởng trọn vẹn cảm xúc.
Nếu như bóng đá, nghỉ trận này, tuần sau lại có trận khác thì với điền kinh chúng tôi, cả năm cũng chỉ có 3-4 giải trong nước và quốc tế. Nếu mình không nắm bắt cơ hội, nghỉ một vài giải, thành tích sẽ đi xuống, không được đánh giá đúng và mất đi sự tự tin. Khi đó, có thể mất luôn cơ hội khoác áo đội tuyển đi thi đấu SEA Games, ASIAD, Olympic.
Một tiếng trò chuyện cùng Dân Việt đã trôi qua mà tôi có cảm giác mới chỉ cảm nhận được một góc về Lan. Như một “bông hoa”được cha mẹ đổ bao mồ hôi, công sức chăm sóc, “vun trồng”ở miền núi Ngọc Lặc, cá tính, vẻ đẹp của Quách Thị Lan được ẩn dưới bề ngoài dung dị. Âm thầm, lặng lẽ cống hiến, cuối năm 2021, Quách Thị Lan vinh dự được kết nạp Đảng…
So những lần đứng trên bục cao nhất nhận huy chương, nhìn lá cờ Tổ quốc được kéo lên trong giai điệu Quốc ca thiêng liêng tại các kỳ SEA Games, ASIAD, giải vô địch châu Á, cảm xúc của Lan khi được kết nạp Đảng có gì đặc biệt?
– Cảm xúc luôn rất đặc biệt bởi đằng sau mỗi tấm huy chương đều là công sức, nỗ lực tập luyện của tôi với sự dìu dắt của thầy cô. Trong phút giây ấy, mọi thứ lướt qua thật nhanh trong đầu và tôi hạnh phúc khi đã có được những thành công ban đầu.
Lúc này tôi mới bước vào độ chín của sự nghiệp về chuyên môn, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu. Có một chút trở ngại do gối của tôi không ổn định nên khó tập với cường độ cao như xưa. Tập nặng quá sẽ dễ tái phát chấn thương.
Nhưng tôi tin mình vẫn có thể cải thiện thành tích trong tương lai hướng tới những mục tiêu cao hơn. Việc được kết nạp Đảng giúp tôi được rèn luyện thêm về tinh thần, ý chí, sự kiên định theo đuổi mục tiêu, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Với tôi, mỗi tấm huy chương dù có đẹp đến mấy, cảm xúc bao nhiêu rồi mình cũng phải quên đi để tập trung cho mục tiêu tiếp theo. Còn được vào Đảng đó là lý tưởng xuyên suốt cuộc đời, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, hoàn thiện mình hơn để xứng đáng là một Đảng viên.
Hiện tại, song song với việc tập luyện, thi đấu, tôi đang học Cao học tại Đại học TDTT Bắc Ninh, học trực tuyến chương trình Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế – ĐHQG Hà Nội.
Việc học Cao học Đại học TDTT Bắc Ninh giúp Lan làm chuyên môn tốt hơn khi tiếp tục theo nghiệp HLV. Nhưng học Quản trị kinh doanh thì có phần hơi… lạ?
– Tôi muốn học hỏi để biết thêm nhiều lĩnh vực khác, nâng cao kiến thức, hiểu biết ngoài thể thao. Bình thường, khi rảnh rỗi tôi cũng thích vẽ tranh, cây cỏ, hoa lá, vẽ những người thân của mình. Đó cũng là cách giúp tôi thư giãn, tìm lại trạng thái cân bằng, gợi lại ký ức tuổi thơ.
Học Quản trị kinh doanh cũng vậy thôi. Điều quan trọng là tôi không thấy mệt, ngược lại, còn được giải tỏa áp lực khi “chuyển trạng thái” sang một không gian khác “không thể thao”, được quen biết những người bạn mới vào dịp cuối tuần, qua đó có đủ năng lượng, hứng khởi bước vào tập luyện trở lại vào thứ 2.
Biết được những suy nghĩ chín chắn của con gái như vậy, chắc hẳn bố mẹ Lan sẽ rất tự hào?
– Cha mẹ tôi ngày xưa vất vả lắm nhưng vẫn cho 2 anh em tôi xa nhà từ khi còn đang học phổ thông để theo đuổi niềm đam mê. Trong tập luyện, thi đấu, mỗi khi kết quả không như ý hay chấn thương, anh em tôi âm thầm động viên nhau chứ không để cha mẹ biết thêm lo. Hiểu con, mỗi khi chúng tôi gọi điện về nhà, bố mẹ cũng toàn nói chuyện vui để con yên tâm tập luyện, thi đấu. Không nói ra nhưng tôi biết bố mẹ xót con lắm khi nhìn sang bạn bè cùng lứa với tôi ở quê đã chồng con cả rồi, còn tôi mỗi khi về nhà, đau quá không giấu được lại nhờ bố đi xin thuốc bó gối trị chấn thương. Bố mẹ cũng chỉ động viên: “Thôi, con cố gắng thêm mấy năm nữa rồi về nhà”. Còn tôi chỉ biết ôm mẹ vào lòng và nói: “Con còn khỏe và thích chạy lắm. Con chỉ mong may mắn không chấn thương để có thể chạy mãi cho thỏa đam mê”.
Với tôi, tấm huy chương đẹp nhất, ý nghĩa nhất vẫn đang chờ mình phía trước.
Xin cảm ơn Quách Thị Lan. Chúc Lan sẽ tỏa sáng tại SEA Games 31, ASIAD 2022!