Kiểm soát chặt tiến độ hằng ngày
Những ngày cuối tháng 7, không khí thi công dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM diễn ra hối hả. Từ trên cao nhìn xuống, các cần trục sừng sững vươn cao, nhịp nhàng nâng hạ những khối bê tông nặng trịch. Xe tải chở vật liệu xây dựng ra vào liên tục.
Cầu vượt ngang thuộc gói thầu XL03 của vành đai 3 qua tỉnh Long An đã lao được 3 nhịp dầm, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào tháng 10 tới.
Ông Mai Việt Cường, chỉ huy trưởng nhà thầu Định An, thực hiện gói thầu XL3 (Km 17+500 đến Km 20+550) cho biết, gói thầu có hai phần là đường trên cao và đường song hành hai bên.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư 75.400 tỷ đồng, hoàn thành cơ bản năm 2025, đưa vào khai thác năm 2026. Tất cả các dự án được đồng loạt khởi công vào tháng 6/2023.
Hiện, phần đường trên cao vượt tiến độ 3 tháng, cơ bản xong phần khoan cọc nhồi các trụ, nhiều trụ đã thi công thân, bệ. Dự kiến tháng 8, sẽ bắt đầu gác những phiến dầm đầu tiên của cầu cạn, mục tiêu là hoàn thành phần cầu cạn vào tháng 12/2025.
Ông Nguyễn Tuấn An, tư vấn giám sát của Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, dù tập trung đẩy nhanh tiến độ, song việc đảm bảo an toàn và chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu. Trước khi thi công, các biện pháp đảm bảo an toàn phải được chấp thuận và kiểm tra hằng ngày.
“Tất cả các hạng mục đều được giám sát chặt, khi nào đạt yêu cầu mới bắt đầu làm hạng mục tiếp theo. Chúng tôi kiểm soát tiến độ chi tiết, hằng tuần đều họp kiểm điểm. Hạng mục nào chậm sẽ có giải pháp để bù đắp cho tuần tiếp theo”, ông An nói.
Làm bất kể giờ giấc
Ở hướng phía Tây, dự án Vành đai 3 qua tỉnh Long An cũng đang dần thành hình. Rõ nhất là hai gói thầu XL2 và XL3 – thi công tuyến chính và cầu vượt Tân Bửu, nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành. Hàng chục trụ cầu đã hoàn thành, vươn mình sẵn sàng cho việc lao lắp dầm super T, nối liền các nhịp.
Gói thầu XL03 vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức, TP.HCM đang thi công phần đường trên cao. Nhiều trụ đã hoàn thành phần thân, xà mũ, dự kiến tháng 8 bắt đầu gác dầm.
Trong đó, cầu vượt Tân Bửu do liên danh Công ty CP Xây dựng Tân Nam – Công ty CP Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO – Công ty CP Núi Hồng thi công lao lắp dầm super T được 2/35 nhịp.
Đang đổ bê tông xà mũ trụ 19 cầu Tân Bửu, anh Thiều Xuân Hiệp, Đội trưởng đội thi công trụ cầu thuộc Công ty IDICO cho biết, đơn vị quán triệt công nhân sẵn sàng làm việc “3 ca, 4 kíp” khi thời tiết tốt.
“Toàn đội làm việc không kể giờ giấc, hết việc mới thôi. Những ngày đổ bê tông xà mũ, anh em làm xuyên giờ trưa và liên tục để đảm bảo kỹ thuật”, anh Hiệp cho biết.
Anh Phan Văn Lợi, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Trung Thành cho biết, liên danh các nhà thầu đang thi công nút giao cuối tuyến thuộc gói thầu XL-03, lao lắp dầm cầu vượt ngang được ba nhịp, đầu tháng 8/2024 sẽ tiếp tục lao ba nhịp còn lại. Sau đó, thi công hoàn thiện bản mặt cầu để thông xe kỹ thuật trong tháng 10/2024.
Theo ông Trần Thiện Trúc, Phó giám đốc Sở GTVT Long An, sau một năm triển khai thi công, dự án Vành đai 3 qua Long An đạt tiến độ 33%, cơ bản hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ.
Nhà thầu chấp nhận mua cát giá cao
Dự án Vành đai 3 có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương gồm: TP.HCM (47,35km), Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km).
Gói thầu XL03 thi công đường trên cao đoạn qua TP Thủ Đức, TP.HCM, nhiều trụ đã hoàn thành thân, xà mũ, chuẩn bị lao dầm trong tháng 8 tới.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), tiến độ đoạn qua Long An được đánh giá tốt với sản lượng đạt trên 33%. Đoạn qua TP.HCM đạt trên 21%; tỉnh Bình Dương đạt trên 13%.
Lo ngại nhất là đoạn qua tỉnh Đồng Nai, mới chỉ đạt hơn 4%. Trong đó, có một gói thầu xây lắp hiện vẫn chưa triển khai, hai gói thầu khác đang thi công cọc khoan nhồi tại nút giao Bến Lức – Long Thành, nút giao với đường ĐT.25C, thi công đào khuôn đường và hệ thống thoát nước. Đặc biệt mặt bằng tại địa phương này vẫn chưa giải quyết dứt điểm, vướng nhiều hộ dân và hạ tầng kỹ thuật.
Tại Long An, nhờ việc giải phóng mặt bằng thực hiện sớm, địa phương này cũng chủ động được nguồn vật liệu nên tiến độ theo kịp với kế hoạch. Đoạn qua tỉnh Bình Dương với chiều dài không quá lớn, hiện nhà thầu tập trung thi công những hạng mục cầu, cống trước.
Trong khi đó, gần 47,35km Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM đã được đào đất, san lấp, tạo hình tuyến. Nhiều đoạn đã được đóng xà cừ, thi công bấc thấm, đắp cát gia tải. Tổng khối lượng cát cần cho dự án qua TP.HCM khoảng 7 triệu m3, trong đó riêng năm 2024 cần khoảng 4,7 triệu m3. Tuy vậy, đến nay lượng cát về công trường mới được hơn nửa triệu khối. Vì vậy, nhiều đoạn đường đã cào bóc hữu cơ nhưng chưa thi công được nhiều do chờ cát.
Thời gian qua, các nhà thầu cùng với Ban Giao thông, UBND TP.HCM đã làm việc với các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đề nghị ưu tiên bố trí nguồn cát cho dự án. Tuy nhiên, thủ tục cấp phép vẫn chưa hoàn thành.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, ngoài việc chờ các tỉnh hoàn thành thủ tục để khai thác mỏ cát trong tháng 8, đơn vị cùng các nhà thầu đã liên hệ với các đầu mối để mua cát từ Campuchia. Mặc dù giá cao hơn trong nước, song các nhà thầu vẫn chấp nhận để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vanh-dai-3-tphcm-ra-sao-sau-mot-nam-thi-cong-192240729220648347.htm