Đôi chiếu tương đương cả lượng vàng
Trong một ngày cuối tháng 4, chúng tôi về thăm Làng nghề truyền thống Dệt chiếu Long Cang. Khác với tưởng tượng về những đồng lác xanh mướt trải dài, người dân tất bật thu hoạch để phơi kịp nắng, có lác dệt chiếu, Long Cang giờ đây có nhiều công ty, xí nghiệp đang hoạt động, chỉ còn một vài đám ruộng trồng lác.
Nghe có người hỏi thăm về nghề dệt chiếu, bà Huỳnh Thị Liên Anh (ấp 4) chia sẻ: “Không biết nghề dệt chiếu có từ bao giờ, chỉ biết đây là nghề “cha truyền con nối”, từng đem về thu nhập chính cho người dân Long Cang. Hồi đó, lác mọc đầy đồng, đến mùa thu hoạch vui như tết, người cắt, người vận chuyển, người chẻ lác,… Giờ đây, diện tích trồng lác ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho các công ty, xí nghiệp phát triển. Những người trong độ tuổi lao động đi làm công nhân, thu nhập ổn định hơn. Ai lớn tuổi hoặc phải chăm sóc gia đình mới bám trụ với nghề truyền thống của địa phương”.
Bà Huỳnh Thị Liên Anh (bên trái) kể về một thời vàng son của nghề dệt chiếu
Nói rồi, bà đưa chúng tôi đến thăm gia đình bà Dương Thanh Thúy (ấp 4) – một trong những hộ còn theo nghề truyền thống của địa phương. Vừa bước vào nhà đã nghe được tiếng lách cách phát ra từ máy dệt chiếu hòa cùng mùi thơm mộc mạc của lác. Uống ngụm trà, bà Thúy kể: “Nghề dệt chiếu từng có một thời hoàng kim ở Long Định, Long Sơn, Long Cang nhưng chiếu lảy Long Cang nổi tiếng nhất. Chiếu lảy nổi tiếng bởi cách dệt tỉ mỉ với nhiều họa tiết phục vụ nhiều mục đích khác nhau như hình rồng, phụng dành cho đám cưới, câu đối chúc may mắn dành cho dịp tết. Ngày trước, nhà nào khá, giàu mới mua được chiếu lảy, một đôi chiếu tương đương cả lượng vàng. Tuy nhiên, hiện nay, ít người biết làm chiếu lảy vì nguyên liệu khó tìm, đầu ra không ổn định nên không ai muốn học nghề, dẫn đến nghề dệt chiếu lảy bị mai một. Hiện gia đình tôi cũng chỉ làm chiếu cọng và làm bằng máy chứ không dệt thủ công như trước”.
Để có được đôi chiếu lảy, người thợ phải thật khéo tay, tỉ mỉ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật dệt. Nguyên liệu phải chọn từng sợi lác đẹp, sau đó đem phơi khô, nhuộm màu cho đều và tiếp tục hong khô. Đặc biệt, sợi trân lắp vào khung dệt, người thợ phải dùng bao bố cắt ra, sau đó xe sợi bằng tay thật đều. Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu, cần phải có 2 người cùng làm: Thợ chính ngồi bên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khung và người thợ chính phải dập mạnh để kết chặt từng sợi lác vào nhau. Động tác dập cũng phải dứt khoát, đủ lực để lác thẳng hàng nhưng cũng phải khéo léo để không xếp chồng lên nhau.
Gia đình bà Dương Thanh Thúy chủ yếu sản xuất chiếu cọng
Giữ nghề truyền thống
Năm 2012, UBND tỉnh quyết định công nhận Làng nghề truyền thống Dệt chiếu Long Cang. Thế nhưng hiện nay, làng nghề chỉ còn vài chục hộ theo nghề, trong đó, tập trung chủ yếu ấp 4 và ấp 1. Họ bám nghề không chỉ vì mưu sinh mà còn yêu nghề truyền thống của quê hương, níu giữ một phần ký ức. Bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết (ấp 4) chia sẻ: “Lúc 7 tuổi, tôi đã biết phụ bà ngoại dệt chiếu. Khi ấy, mỗi dịp tết dệt không kịp bán vì đôi chiếu được coi như tài sản, của hồi môn cho con cái và là vật may mắn trong đời sống. Còn bây giờ, nhiều người chuyển sang dùng chiếu tre, chiếu nylon vừa đẹp, vừa bền nên chiếu lác ngày càng khó bán. Không biết nghề truyền thống quê hương sẽ duy trì được bao lâu nữa”.
Chia tay những người còn bám trụ với nghề dệt chiếu, chúng tôi về UBND xã Long Cang tìm hiểu về hướng phát triển của làng nghề trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND xã Long Cang – Lại Thị Kim Minh bộc bạch: “Hiện làng nghề gặp khó khăn về nguyên liệu vì diện tích trồng lác thu hẹp dần, chỉ còn 10ha.
Thời gian tới, xã tìm một số người từng làm chiếu lảy, chiếu hoa râm, chiếu phệt, chiếu mặt gối,… để truyền nghề cho thế hệ sau bởi đây là những loại chiếu mang nét riêng, đặc trưng của Làng nghề truyền thống Dệt chiếu Long Cang. Đồng thời, địa phương sẽ phối hợp các cấp, các ngành phục dựng làng nghề kết hợp làm du lịch cộng đồng. Tại đây, du khách sẽ được các thợ lành nghề hướng dẫn dệt chiếu, sau đó có thể mua sản phẩm về làm quà cho người thân, bạn bè nhân chuyến du lịch”.
Nghe được những dự định của UBND xã trong việc phát triển Làng nghề truyền thống Dệt chiếu Long Cang, chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Song, để làng nghề phát triển cần phải có sự quan tâm, đầu tư kinh phí của các cấp, các ngành; đồng thời, phải đưa ra lộ trình thực hiện một cách bài bản. Tin rằng, làng nghề rồi sẽ phát triển mạnh trong thời gian không xa, góp phần giữ gìn văn hóa, nét đẹp truyền thống của Long Cang./.
Lê Ngọc