Tuần trước, giá vàng thế giới liên tục sụt giảm và ghi nhận tuần tồi tệ nhất 2 tháng. Dù vậy, giá vàng vẫn giữ được mốc quan trọng 1.900 USD/ounce. Thế nhưng, bất chấp vàng thế giới bi quan, giá vàng SJC vẫn nhích lên nhẹ.
Tới tuần này, nghịch lý diễn ra mạnh hơn. Trong khi giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu và thủng mốc quan trọng 1.900 USD/ounce, giá vàng SJC lại tăng khá mạnh và hướng tới mốc rất cao 68 triệu đồng/lượng. Vàng SJC đang “ngáo giá”.
Vàng thế giới liên tục “thủng đáy”
Vàng ít thay đổi vào thứ Sáu, nhưng vàng thỏi chắc chắn sẽ giảm lần thứ ba liên tiếp tính theo tuần do dữ liệu kinh tế khả quan gần đây của Mỹ làm tăng khả năng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Vàng giao ngay ổn định ở mức 1.887,79 USD/ounce, giảm 1,4% trong tuần cho đến nay. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% ở mức 1.916,5 USD
Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường tại Blue Line Futures, Chicago, cho biết: “Vàng gặp vấn đề khi cạnh tranh với các công cụ mang lại lợi suất 4-5%, chẳng hạn như trái phiếu, trong khi vàng không mang lại lợi tức gì khi so sánh”.
“Nó dường như không phải là một loại tài sản lý tưởng trong môi trường hiện tại”, Phillip Streible bình luận.
“Vàng có thể tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hút nhu cầu từ các nhà đầu tư cho đến khi có điều gì đó xảy ra, thông qua một sự kiện tín dụng, đồng đô la yếu hơn hoặc niềm tin rằng Ủy ban Thị Trường mở liên Bang (FOMC) đã chuyển trọng tâm sang việc cắt giảm lãi suất”, Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Bank bình luận.
Các thương nhân kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ lãi suất trong khoảng 5,25% – 5,5% cho đến năm 2024, theo công cụ Fedwatch của CME, trong khi chờ hướng dẫn từ hội nghị thượng đỉnh Jackson Hole vào tuần tới.
Phí bảo hiểm đối với vàng vật chất ở Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2016 trong tuần này khi những lo ngại về kinh tế thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn mới.
Các chiến lược gia tại Macquarie cho biết: “Chúng tôi vẫn kỳ vọng tình trạng giảm phát và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ dẫn đến việc nới lỏng chính sách sẽ hỗ trợ vàng”, đồng thời cho biết thêm rằng đã có sự hỗ trợ đáng kể quanh mức 1.840 USD/ounce của giá vàng.
Vàng SJC “ngáo giá”
Trong khi sự bi quan bao trùm thị trường vàng thế giới thì ở trong nước, vàng SJC “ngáo giá”. Sau 1 tuần giao dịch, giá vàng thế giới giảm khoảng 1,4% thì giá vàng SJC tăng khoảng 0,4%.
Hiện tại, Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết giá vàng SJC ở mức: 67,10 triệu đồng/lượng – 67,70 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng, tương đương 0,4% chiều mua vào, tăng 220.000 đồng/lượng, tương đương 0,33% so với cuối tuần trước.
Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SCJ lần lượt đóng cửa tuần ở mức: 67,05 triệu đồng/lượng – 67,65 triệu đồng/lượng và 67 triệu đồng/lượng – 67,70 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Doji, vàng SJC có mức giá bán ra cao nhất (67,75 triệu đồng/lượng) nhưng giá mua vào thấp nhất (66,95 triệu đồng/lượng). Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại Doji lên đến 800.000 đồng/lượng.
Sự lệch pha giữa hai thị trường khiến giá vàng SJC đắt đỏ hơn rất nhiều so với vàng thế giới. Hiện tại, vàng SJC đắt hơn vàng thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng. Con số này trong năm 2023 phổ biến ở mức 11 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng phi SJC chuyển động theo giá vàng thế giới khi giảm nhẹ.
Tại công ty PNJ, giá vàng PNJ đang giao dịch ở mức: 55,90 triệu đồng/lượng – 56,90 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước.
Tại Bảo Tính Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long đóng cửa tuần ở mức: 56,13 triệu đồng/lượng – 56,98 triệu đồng/lượng.
Sau 1 tuần giao dịch, vàng rồng Thăng Long khiến người mua vào lỗ 830.000 đồng/lượng. Thua lỗ với vàng PNJ là 1,1 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, giá vàng SJC tăng đáng kể nhưng kim loại này tiếp tục gây thua lỗ cho nhà đầu tư. Nếu mua cuối tuần trước và bán ra cuối tuần này, người mua vàng SJC lỗ khoảng 400.000 đồng/lượng.