Vàng rồng Thăng Long xô đổ mọi kỷ lục, vàng SJC sắp đạt 71 triệu đồng
Ngay từ đầu giờ sáng 21/11, thị trường vàng đã biến động mạnh theo xu hướng đi lên. Trong đó, vàng rồng Thăng Long của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu gây chú ý hơn cả khi xô đổ mọi kỷ lục.
Cụ thể, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long đang được giao dịch ở mức cao chưa từng có: 59,78 triệu đồng/lượng – 60,73 triệu đồng/lượng, tăng hơn 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Cùng là vàng phi SJC nhưng vàng rồng Thăng Long cao vượt trội so với vàng PNJ của Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Giá vàng PNJ đang được mua bán ở mức: 59,30 triệu đồng/lượng – 60,40 triệu đồng/lượng. Có thể thấy giá vàng rồng Thăng Long đang đắt hơn vàng PNJ gần nửa triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC cũng tăng mạnh và đang hướng tới mốc 71 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu và PNJ, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức: 70,26 triệu đồng/lượng – 70,90 triệu đồng/lượng, tăng 280.000 đồng/lượng và 70,20 triệu đồng/lượng – 70,95 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng SJC cũng tăng gần 300.000 đồng/lượng và hướng tới mốc 71 triệu đồng/lượng khi giao dịch ở mức: 70,25 triệu đồng/lượng – 70,95 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết.
Trong thời gian qua, thị trường vàng khá thăng trầm nhưng hiện tại, kim loại quý này đang dần lấy lại được xu hướng đi lên. Tâm điểm của thị trường chính là sự “nóng” lên của vàng phi SJC.
Từ tuần trước, vàng phi SJC ghi nhận đà tăng mạnh hơn vàng SJC. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra loại vàng này vẫn ở mức rất cao: 950 triệu đồng tại Bảo Tín Minh Châu và 1,1 triệu đồng tại PNJ. Vì vậy, việc mua vào vàng phi SJC vẫn mang lại nhiều rủi roc ho nhà đầu tư.
Giá vàng thế giới “tàu lượn”
Giá vàng trong nước tăng mạnh khi giá vàng thế giới vẫn “tàu lượn”, khi tăng mạnh, lúc giảm sâu.
Đêm qua, tại thị trường Mỹ, giá vàng giảm sâu do sức ép từ lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để biết tín hiệu về lộ trình lãi suất của ngân hàng trung ương.
Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.978,23 USD/ounce, bù đắp khoản lỗ trước đó trong ngày. Vàng giao ngay đã tăng cao tới 1.993,29 USD vào thứ Sáu. Giá vàng tương lai của Mỹ giảm gần 0,2% xuống 1.981,1 USD.
Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết: “Về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã thấy vàng chạm mức kháng cự và quay trở lại giao dịch trong phạm vi giới hạn với lãi suất cao hơn một chút là chất xúc tác ở đây”.
Ông nói thêm rằng FED sẽ duy trì quan điểm của mình rằng chính sách tiền tệ sẽ phụ thuộc vào lạm phát và sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian cần thiết. Biên bản cuộc họp của FED sẽ được công bố vào thứ Ba.
Dữ liệu tuần trước đã khơi dậy hy vọng rằng FED có thể bắt đầu nới lỏng các điều kiện tiền tệ sớm hơn dự kiến sau khi thị trường việc làm chậm lại và báo cáo lạm phát tiêu dùng yếu hơn dự kiến. Lãi suất thấp hơn gây áp lực giảm giá đối với đồng đô la và lợi suất trái phiếu, làm tăng sức hấp dẫn của vàng thỏi không sinh lời.
Giá kim loại quý tăng đã mất đà và cần động lực cơ bản mới. Các nhà phân tích tại Kitco Metals cho biết trong một báo cáo rằng lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đang thúc đẩy đồng đô la Mỹ giảm giá và giá dầu thô cao hơn khiến người mua vàng và bạc e ngại.
Đồng đô la giảm gần 0,5% xuống mức thấp hơn 2 tháng rưỡi so với rổ các đối thủ của nó, hạn chế đà giảm của vàng ngày hôm nay.
Lượng nắm giữ của SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng lớn nhất thế giới, đã tăng 1,5% vào thứ Sáu. Ở những nơi khác, bạc giao ngay giảm 1,7% xuống 23,33 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 0,3% lên 901,60 USD. Palladium tăng 2,2% lên 1.076,19 USD/ounce.
Tuy nhiên, ngay sau khi giá vàng giảm sâu, lực cầu bắt đáy xuất hiện khiến kim loại quý này nhanh chóng đảo chiều. Tới phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, giá vàng thế giới tăng 11,9 USD/ounce lên 1.989,5 USD/ounce. Trước đó, có thời điểm vàng chạm mức thấp chỉ 1.965 USD/ounce.