Vừa qua, ngày 9/8, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư mới OM-7 (OM17, CX7) thuộc thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, dự án này có diện tích hơn 22,6ha, với quy mô gồm 157 lô đất ở, nhằm mục tiêu hiện thực hóa quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư mới OM-7 (OM-17, CX7) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở cho người dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa huyện Đông Sơn, đồng thời, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Về cơ cấu, dự án có 106 căn nhà ở liền kề xây thô; 32 căn nhà liền kề và 19 căn nhà biệt thự do người mua đất nền gắn liền với quyền sử dụng đất ở tự xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Nhà đầu tư trước khi khai thác, kinh doanh nhà ở liền kề và đất ở tại dự án phải thực hiện xây thô và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tổng chi phí sơ bộ đầu tư dự án dự kiến khoảng 281,14 tỷ đồng, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng ổn định, lâu dài. Dự kiến khu đất sau khi hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật sẽ được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Dự án sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo quy mô xây dựng của dự án chậm nhất trong 24 tháng kể từ thời điểm được Nhà nước bàn giao đất.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, đây là một trong hàng chục dự án, điểm dân cư trên địa bàn huyện Đông Sơn đã, đang được đầu tư trong vài năm qua và sắp được đầu tư, đấu giá trong thời gian tới. Đáng chú ý, trong nhiều dự án, điểm dân cư đã đầu tư hoàn thành nhưng tỉ lệ lấp đầy tương đối thấp, nhiều khu đất dự án bị “bỏ hoang”, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Đơn cử như tại mặt bằng quy hoạch 3220 (MB3220) xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, với mục tiêu xây dựng hình thành khu dân cư mới, giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân, nhưng hiện tại, mặt bằng này vẫn gần như vắng bóng người ở sau nhiều năm đi vào hoạt động, bỏ lại hệ thống cơ sở hạ tầng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, cùng nguồn lực đất đai bị lãng phí, vốn đầu tư của xã hội bị chôn vùi.
Trong tình trạng tương tự, qua khảo sát cho thấy tình trạng trên đang xảy ra ở hầu hết các điểm MBQH khác như MBQH1164, MBQH3696… và nhiều điểm khác trên địa bàn huyện Đông Sơn đều chung tình trạng mặt bằng được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ với kinh phí hàng chục, có khi lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng hiện gần như không có người ở, nhiều khu đất bỏ hoang hóa, cỏ dại mọc, từ đó hiện hữu nguy cơ thừa nguồn cung, lãng phí nguồn lực xã hội. Trong khi đó, ở diễn biến khác, nhiều dự án, điểm dân cư mới vẫn tiếp tục tấp nập “xuất bản” trên địa bàn huyện Đông Sơn. Trong tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản ủy quyền cho UBND huyện Đông Sơn phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với 15 mặt bằng quy hoạch, với diện tích uỷ quyền là 29,32 ha, trong tổng diện tích MBQH gần 80ha.
Theo chia sẻ từ anh Nguyễn Ngọc Bắc, một nhà đầu tư kiêm môi giới bất dộng sản tự do trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết, những năm qua, thị trường bất động sản trên địa bàn huyện Đông Sơn giao dịch tương đối sôi động, nhất là khi có thông tin huyện này sáp nhập vào Tp.Thanh Hóa thì nhiều nhà đầu tư đổ dồn về đây. Đồng thời, phía huyện Đông Sơn cũng liên tục “ra hàng” trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy đây chủ yếu là nhu cầu “ảo” từ các hoạt động đầu cơ, bằng chứng là nhiều khu dân cư rơi vào tình trạng bỏ không, rao bán ồ ạt thời gian gần đây. Mặt khác, việc bỏ không là vậy, nhưng giá đất tại các mặt bằng trên vẫn không phải là rẻ. Giá đất trung bình giao động khoảng từ 10 – 20 triệu đồng mỗi mét vuông, tùy từng ví trí. Với diện tích khoảng trên 100m2 mỗi lô, người dân thu nhập thấp, trung bình cũng không dễ để có thể mua được.
Cũng theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước của huyện Đông Sơn đạt gần 2.720 tỷ đồng, bằng 424% dự toán tỉnh giao, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nguồn thu rất lớn từ “bán đất” trước thời điểm sáp nhập huyện đã tạo nguồn vốn lớn đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tại địa phương. Tuy nhiên, về tổng quan, nguy cơ quá dư nguồn cung, đầu tư ồ ạt xây dựng cơ sở hạ tầng dân cư nhưng không được sử dụng hiệu quả, đất đang được người dân canh tác bị thu hồi rồi bỏ không… dẫn tới lãng phí đất đai, tiêu tốn nguồn lực chung rất lớn của xã hội.
Ngoài ra, trong quá trình đấu giá các mặt bằng, vì có giá trị kinh tế cao, nhiều đối tượng đã bất chấp, móc ngoặc để chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Đơn cử, tháng 3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện khởi tố vụ án, tạm giam các đối tượng để điều tra về tội “Vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản”, khám xét trụ sở của Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên (đường Dương Đình Nghệ, phường Đông Thọ, Tp.Thanh Hóa), là đơn vị tổ chức đấu giá và trong quá trình đấu giá đã có những sai phạm liên quan MB3220 kể trên.
Liên quan nguy cơ lãng phí nguồn lực hạ tầng xã hội, chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho biết, việc bỏ hoang nhà, khu đô thị là vấn đề tồn tại trong xã hội nhiều năm qua, khó giải quyết. Trong khi người có nhu cầu thực về chỗ ở không thể tiếp cận được các dự án vừa túi tiền thì chủ đầu tư lại chỉ thích xây nhà trung, cao cấp, nên nghịch lý diễn ra là chỗ thiếu cứ thiếu. Vì vậy, cơ quan quản lý cần thận trọng trong khâu cấp phép các dự án mới nhằm điều tiết thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, giúp người nghèo thêm nhiều cơ hội có nhà ở.
Huyện Đông Sơn ban đầu dự kiến sẽ được sáp nhập vào Tp.Thanh Hóa vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, kế hoạch phải lùi lại đến năm 2024 hoặc 2025 do chờ thời điểm tháng 2/2023 Thủ tướng ký quyết định phê duyệt chung đô thị Thanh Hóa và một số lý do khác.
Việt Phương