“Oder vàng” trên mạng xã hội
Đầu tháng 6.2024, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) cùng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tổ chức bán vàng miếng SJC.
Tuy nhiên, sau vài ngày mở bán, lượng khách đến giao dịch quá đông nên các đơn vị chuyển sang bán vàng online. Đến nay, việc đăng ký mua vàng online vẫn khá khó khăn với nhiều người dân vì hệ thống thông báo hết lượt giao dịch.
Trong 3 ngày qua, chị Trần Thủy Tiên (sống tại Quận 5) liên tục vào website của các ngân hàng để đăng ký mua vàng, nhưng không lần nào thành công. Sau khi nói chuyện với bạn, chị Tiên được giới thiệu đến các hội nhóm nhận “săn” vàng, bán suất mua vàng, nhận đăng ký mua vàng miếng SJC… trên mạng xã hội.
“Tôi thấy giá dịch vụ dao động 300.000 – 400.000 đồng/lượng. Họ cam kết lấy vàng mới trả tiền nên tôi cũng thử vì tự đăng ký mua vàng quá khó” – chị Tiên chia sẻ.
PV liên hệ một tài khoản tên Nguyễn Hùng nhận mua vàng SJC giúp tại TPHCM, tài khoản này cho biết, nếu mua tại Công ty SJC, phí là 150.000 – 300.000 đồng/lượng. Tại Vietcombank là 300.000 đồng/lượng, yêu cầu khách có tài khoản của ngân hàng này và tài khoản vẫn đang hoạt động ở thời điểm giao dịch.
Còn tại BIDV, Vietinbank hay Agribank, phí là 200.000 – 400.000 đồng/lượng, yêu cầu khách đặt có tài khoản của ngân hàng này, trong tài khoản phải đảm bảo đủ số tiền mua 1 lượng vàng, căn cước công dân… Ưu tiên khách lần đầu tiên mua, những tài khoản đã đặt mua thành công sẽ phải chờ một thời gian mới tiếp tục được mua.
“Bên em cam kết tỉ lệ thành công là 90-100%, bất kể khách muốn mua ở đâu, ngân hàng nào cũng được. Không nhận cọc, giao vàng mới nhận tiền” – tài khoản này cho hay.
Rủi ro khi mua bán vàng qua mạng
Đặc biệt, có nhiều hội nhóm còn mua bán vàng khá nhộn nhịp. PV tham gia vào nhóm “Giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, DOJI không qua trung gian” với 10.600 thành viên, mỗi bài viết đăng tải lên nhóm này có rất đông lượt tương tác.
Một tài khoản ẩn danh đăng tải: “Có 2 lượng vàng ở Quận 1, TPHCM cần bán giá 80.9”, chỉ sau 5 phút đã có hàng chục lượt tương tác. Khi PV hỏi mua vàng thì người này chủ động liên hệ riêng báo hôm sau sẽ có vàng, muốn mua bao nhiêu cũng có.
Tuy nhiên, khi hỏi đến hóa đơn, người này cho biết, vàng mua bán có nguồn gốc, uy tín. Có hóa đơn hay không, người mua cũng đều bán được tại các tiệm vàng bên ngoài.
Trao đổi với báo Lao Động, luật sư Nguyễn Đăng Tư – Văn phòng Luật TriLaw – cho biết, việc các cá nhân tự thỏa thuận giá vàng để giao dịch, mua bán các loại vàng miếng, vàng nhẫn với nhau nếu không đúng quy định có thể là hành vi vi phạm pháp luật.
Như chúng ta đã biết, thông tin của khách hàng mua vàng miếng SJC trên địa bàn TPHCM sẽ được chuyển cơ quan công an để quản lý. Và từ cuối tháng 7.2024, UBND TPHCM cũng đã thành lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng nhằm thu thập, phân tích thông tin, số liệu, tình hình về khách hàng mua bán vàng miếng.
Hằng ngày, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM thu thập và chuyển giao Công an TPHCM thông tin, tài liệu danh sách cá nhân mua vàng tại các điểm bán vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn và 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố.
“Vì vậy cá nhân mua bán vàng miếng chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Nếu vi phạm, tùy mức độ sẽ bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng. Việc giao dịch ngoài quầy có thể dẫn đến nhiều rủi ro như không có hóa đơn chứng từ, bị cơ quan chức năng xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ thậm chí là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, có thể bị tịch thu”, luật sư Nguyễn Đăng Tư – Văn phòng Luật TriLaw – cho biết.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/vang-mieng-kho-dang-ky-mua-nhieu-nguoi-tim-den-cho-mang-1382671.ldo