Khi tôi biết tin nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua đời tại Bệnh viện 175, sau thời gian trị bệnh, cũng là lúc tôi biết tin 4 đơn vị: Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM, Hội Âm nhạc TP HCM, Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và HTV sẽ tổ chức chương trình vinh danh nhạc sĩ Tôn Thất Lập tối 5-8 tại Nhà hát Thành phố. Tôi bồi hồi xúc động, bởi trước hết là tình nghệ sĩ, sau đó là tấm gương lao động nghệ thuật của anh đã tác động đến thế hệ nhạc sĩ trẻ chúng tôi sau những ngày thống nhất đất nước.
Cánh chim đầu đàn
Khi đó tôi công tác tại Báo Công Nhân Giải Phóng, hiện nay là Báo Người Lao Động, anh đã là nhân vật trong những bài báo đăng trên trang văn hóa văn nghệ của chúng tôi. Vốn là người ít chịu nói về mình, tính tình hay trầm ngâm nhưng hiếm có ai biết anh rất tinh nghịch, luôn chọc cười mọi người, mà những câu chuyện vui trên hành trình sáng tác từ Nam ra Bắc, từ trong phong trào sinh viên – học sinh, anh đem ra kể và để chúng tôi đúc kết được một cá tính rất Tôn Thất Lập.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (thứ 3 từ phải sang) nhận vinh danh “Mai Vàng tri ân” của Báo Người Lao Động vào tháng 3-2023. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Ở anh luôn có sự lạc quan, tiêu hóa ngay những buồn phiền nên trong những mẩu chuyện cười anh kể đều là sự châm biếm, trào lộng để chúng tôi xua đi những mệt nhọc của những ngày đầu đất nước còn ngổn ngang mọi thứ. Trong hoạt động sáng tác và gầy dựng phong trào tại Nhà Nghệ thuật quần chúng TP HCM, nay là Trung tâm Văn hóa TP HCM, anh là cánh chim đầu đàn, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng sáng tác trẻ và ca sĩ trẻ.
Chúng tôi đã học ở anh tinh thần sáng tác cổ vũ phong trào phản chiến mang tên “Hát cho đồng bào tôi nghe”, đến khi nhóm nhạc sĩ “Những người bạn” ra đời, hoạt động tích cực tại Nhà Văn hóa Thanh niên, với tinh thần đàn anh đi trước, anh luôn góp ý chân thành, chỉnh sửa, khen ngợi, động viên những sáng tác của các nhạc sĩ trẻ.
Tôi còn được biết anh đã từng làm trưởng đoàn, đưa các ca sĩ thập niên 1990 sang lưu diễn các nước châu Âu. Dù khi đó anh đã nổi tiếng với các ca khúc: “Tình ca mùa xuân”, “Tình ca tuổi trẻ”, “Tình yêu mãi mãi”… nhưng anh vẫn luôn lắng nghe sự nhận xét của khán giả để tiếp tục chắt chiu chất liệu mới cho sáng tác.
Nhiều tác phẩm đi vào lòng công chúng
Hồi tháng 3-2023, khi tôi biết tin anh được Báo Người Lao Động vinh danh trong chuỗi sự kiện văn hóa tổ chức tại Trung tâm Thương mại Gigamall Thủ Đức, đón nhận quà tặng của chương trình “Mai Vàng tri ân” tại Gala “Dấu ấn Mai Vàng”, tôi gọi điện thoại chúc mừng thì anh nói: “Ngồi tham dự mà nhớ chú em, vì Giải Mai Vàng có một phần đóng góp của Vũ Hoàng”.
Tôi liền nhớ ngay, khi Tổng Biên tập Phan Hồng Chiến giai đoạn đó chỉ đạo tổ chức sân chơi dành cho bạn đọc, tôi có gặp anh tại Hội Âm nhạc TP HCM, anh đã gợi ý tôi việc tổ chức giải thưởng động viên văn nghệ sĩ lao động sáng tác, thế là giải thưởng “Bình chọn văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm” ra đời năm 1991, tiền thân của Giải Mai Vàng hiện nay.
Mỗi khi ban tổ chức giải thưởng này cần sự tư vấn của Hội đồng Chuyên môn, anh luôn sẵn sàng tham gia cùng với các nhạc sĩ Xuân Hồng, Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền… Tôi xúc động bởi các đồng nghiệp hiện nay đã làm được công việc vinh danh anh kịp thời, như một lời cảm ơn sâu sắc những đóng góp của anh đối với cuộc đời này qua hoạt động vô cùng ý nghĩa “Mai Vàng tri ân”.
Năm ngoái, khi anh vào tuổi 80, Nhà hát Truyền hình HTV đã tổ chức “Hát cho dân tôi nghe”, giúp cho khán giả trẻ nhìn lại sự nghiệp hơn nửa thế kỷ sáng tác của anh. Tôi lại cảm thấy nhớ những câu chuyện cười đầy dí dỏm và cá tính lạc quan, yêu đời của anh. Sinh năm 1942 ở Đà Nẵng, lớn lên tại Huế nhưng anh lại thành danh, được công chúng Sài Gòn – TP HCM đón nhận.
Anh và các chiến sĩ yêu nước, các bạn sinh viên cùng thời đã thổi bùng ý chí quật cường của tuổi trẻ, để những năm cuối thập niên 1960, thời kỳ nổi lên phong trào phản chiến của học sinh – sinh viên sẽ mãi mãi sống trong ký ức đồng bào cả nước. Anh đã sáng tác những ca khúc ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thanh niên trong nước như: “Hát cho dân tôi nghe”, “Hát cho quê hương”, “Lúa reo trên khắp cánh đồng”… và có giai đoạn anh ra Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội rồi trở về miền Nam làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Năm 1973, anh sang Pháp du học và tham gia Đại hội Sinh viên Việt Nam hải ngoại tại Paris (Pháp) năm 1974. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Văn hóa Hà Nội, anh giữ chức Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, công tác tại Sở Văn hóa – Thông tin TP HCM.
Dù làm công tác quản lý nhưng anh vẫn tiếp tục sáng tác, trái tim vẫn rung động để viết nhiều ca khúc mới được giới trẻ yêu thích như: “Tình ca tuổi trẻ”, “Trị An âm vang mùa xuân”, “Mưa thì thầm”, “Oẳn tù tì”, “Cô bé dễ thương”, “Tình yêu mãi mãi”…
Xin thắp nén hương linh tiễn biệt anh!
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/nhac-si-ton-that-lap-vang-mai-nhung-bai-tinh-ca-20230726205106737.htm