Tiết mục biểu diễn trong chương trình
Chương trình nghệ thuật giới thiệu chân dung âm nhạc- nhạc sĩ Tôn Thất Lập
Chương trình nhằm giới thiệu và quảng bá âm nhạc truyền thống cách mạng đến với người dân thành phố, người dân cả nước thông qua ngôn ngữ âm nhạc, hướng đến mục tiêu đưa âm nhạc truyền thống hòa vào dòng chảy hiện đại, lưu giữ và lan tỏa những giai điệu mang tinh thần và niềm tự hào dân tộc; tiếp tục gìn giữ và vun đắp tình yêu âm nhạc truyền thống cách mạng của người dân thành phố.
Đặc biệt, thông qua chuyên đề âm nhạc, công chúng, khán giả và người dân cả nước, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay sẽ hiểu hơn về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, góp phần tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, truyền thống yêu nước.
Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM chủ trì, phối hợp cùng Hội Âm nhạc thành phố, Thành đoàn thành phố, Đài Truyền hình thành phố tổ chức chương trình nghệ thuật giới thiệu chân dung âm nhạc – nhạc sĩ Tôn Thất Lập với chủ đề “Tôn Thất Lập – Vang mãi những bài ca”.
Những năm cuối thập niên 1960, thời kỳ nổi lên phong trào phản chiến của học sinh – sinh viên, nhạc sĩ Tôn Thất Lập là một trong những gương mặt tiêu biểu có những ca khúc ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thanh niên trong nước như: “Hát cho dân tôi nghe”, “Hát cho quê hương”, “Lúa reo trên khắp cánh đồng”, “Xuống đường”, “Người đợi người”, “Hát trong tù”, “Lúa reo trên những cánh đồng”… đã đồng hành cùng sinh viên – học sinh Sài Gòn trong những đêm không ngủ.
Thời bình, ông tiếp tục sở trường viết tình ca, có nhiều ca khúc mới như “Tình ca tuổi trẻ”, “Trị An âm vang mùa xuân”, “Mưa thì thầm”, “Oẳn tù tì”, “Cô bé dễ thương”, “Tình yêu mãi mãi”.
Trong đó, ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” phản ánh đầy đủ quan niệm sáng tác của nhạc sĩ Tôn Thất Lập: “Sứ mệnh của văn nghệ sĩ là phải luôn luôn chọn đứng bên bờ vực thẳm để thấy hết nỗi đau của đời người, của người dân ở hạng cùng đinh. Và nhiệm vụ là viết bản án kết tội những người đã đưa họ xuống vực thẳm”.
Chân dung nhạc sĩ Tôn Thất Lập được khắc họa rõ nét bằng âm nhạc
Chương trình nghệ thuật giới thiệu chân dung âm nhạc – nhạc sĩ Tôn Thất Lập với chủ đề “Tôn Thất Lập – Vang mãi những bài ca” nhằm giới thiệu đến công chúng sự nghiệp sáng tác hơn 60 năm, bền bỉ qua những giai đoạn lịch sử với nhiều ca khúc in dấu sâu đậm với khán giả của ông.
Không chỉ nổi bật thời tranh đấu, nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn đóng góp cho công cuộc dựng xây đất nước một ca khúc lừng lẫy “Trị An âm vang mùa xuân”. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập muốn nhắn nhủ thế hệ sinh viên, học sinh hôm nay: Trái tim các bạn phải rung động cùng với đất nước và cùng cả thế giới. Cuộc sống, tư duy phải gắn với dân tộc, điều quan trọng nhất vẫn là tâm hồn và trái tim.
Chương trình do Trung tâm Ca nhạc nhẹTthành phố thực hiện với sự tham gia của các văn nghệ sĩ: Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, NSƯT. Vân Khánh, Phương Thanh, Hiền Thục, Lân Nhã, Quốc Đại, Duyên Huyền, Thanh Sử, Cao Công Nghĩa, Dương Quốc Hưng, Thanh Ngọc, Tùng Lâm, Lưu Hiền Trinh, Phan Ngọc Luân,…
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập là một biểu tượng trong âm nhạc
Nếu khái niệm vẽ chân dung nhân vật bằng âm nhạc còn lạ lẫm với nhiều người thì ở chương trình “Tôn Thất Lập- Vang mãi những bài ca”, khán giả được thẩm thấu rõ nét cả cuộc đời hoạt động của nhạc sĩ gạo cội này bằng âm nhạc của chính ông.
Chương trình ca nhạc với chủ đề “Tôn Thất Lập – Vang mãi những bài ca”, diễn ra tối 5-8 tại Nhà hát TP HCM.
Những ca khúc được chọn đều là dấu ấn, cột mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Một chương trình vừa đủ lưu lượng nhưng cũng đủ nặng ký về mặt chất lượng với khán giả yêu nhạc, thông qua sự xâu chuỗi hợp lý giữa các ca khúc và câu chuyện liên quan đến cố nhạc sĩ Tôn Thất Lập.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/vang-mai-nhung-bai-ca-khac-hoa-chan-dung-co-nhac-si-ton-that-lap-2023080521185106.htm