Thời gian qua, tình hình cung ứng điện cho miền Nam và miền Trung được đảm bảo, nhưng ở miền Bắc rất khó khăn, đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực. Đây là nhận định của Bộ Công thương trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây.
Hạ tầng lưới điện tại Trạm biến áp 110kV Định Quán 2, vận hành năm 2021. Ảnh: H.Lộc |
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã có nhiều chỉ đạo khẩn liên quan đến đảm bảo cung ứng điện.
* Miền Nam, miền Trung tạm ổn, miền Bắc khó khăn
Tuần qua, Bộ Công thương đã có cuộc trao đổi với báo chí về tình hình cung ứng điện. Tại đây, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Trần Việt Hòa cho biết, thời gian qua, việc cung ứng điện cho miền Nam và miền Trung được đảm bảo, nhưng ở miền Bắc gặp nhiều khó khăn. Ngành điện phải thực hiện các giải pháp quản lý vận hành, trong đó có tiết giảm điện (cắt điện luân phiên).
Trong thời gian tới, việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc vẫn khó khăn do nắng nóng gay gắt đang diễn ra tại nhiều địa phương làm tăng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt. Lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp dẫn đến nhiều tổ máy phải ngưng hoạt động, công suất vận hành bình quân của các nhà máy chỉ hơn 20%. Việc huy động nguồn nhiệt điện than công suất cao thời gian qua đã làm nhiều tổ máy gặp sự cố thiết bị, kỹ thuật. Bên cạnh đó, hạ tầng truyền tải điện luôn ở ngưỡng giới hạn cao, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Còn tại miền Trung và miền Nam, thời gian tới cung ứng điện khả quan hơn do Nam bộ đã bước vào mùa mưa, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt giảm, cùng với đó nguồn nước về các hồ thủy điện được cải thiện nên các nhà máy vận hành theo công suất. Ngoài ra, số lượng dự án điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) chuyển tiếp được ký hợp đồng để phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia ngày một tăng.
Chia sẻ về tình hình sản xuất điện, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An Võ Tấn Nhẫn cho biết, thời gian gần đây, Nam bộ có mưa nên lưu lượng nước về hồ tăng lên 440m3/s (ngày 13-6-2023), đạt gần 54m, đảm bảo vận hành cả 4 tổ máy và điều tiết nước cho vùng hạ du. Từ nay đến hết mùa mưa, thủy điện sẽ tăng cường tích trữ nước nhằm đảm bảo cho hoạt động sản xuất điện và điều tiết nước năm 2024.
“Với mực nước và lưu lượng nước về hồ như hiện tại, năm 2023, Thủy điện Trị An đảm bảo công suất vận hành. Điều chúng tôi lo lắng là mùa khô năm 2024, nếu thời tiết tiếp tục bất lợi, hồ không tích trữ đủ nước thì khả năng cao ảnh hưởng công suất” – ông Nhẫn chia sẻ.
Ông Lê Thanh Phương, Phó phòng kỹ thuật Công ty CP Ani Power, chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Phú Tân 2 (H.Định Quán) cho biết, trước tình hình căng thẳng về điện, công ty đã đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt các tổ máy để có thể phát điện sớm. Hiện tại, tổ máy 1 đã hoàn thành lắp đặt, các tổ máy 2 và 3 đang lắp đặt. Đầu tháng 6-2023, Bộ Công thương đã kiểm tra công tác nghiệm thu, hoàn thành hạng mục công trình nhà máy và điều kiện vận hành. Còn một số thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Đồng Nai, công ty đang hoàn tất.
“Dự kiến, tổ máy 1 sẽ phát điện vào cuối tháng 6-2023, các tổ máy 2 và 3 phát điện sau đó khoảng 1 tháng. Khi cả 3 tổ máy cùng hoạt động thì công suất sẽ đạt 93MW, cung cấp khoảng 316 triệu kWh điện/năm lên hệ thống điện lưới quốc gia” – ông Phương cho hay.
* Đảm bảo cung ứng điện cho cả nước
Trên thực tế, nguy cơ thiếu điện đã được các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế cảnh báo từ vài năm trước. Nguyên nhân là biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất điện. Từ năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu than để sản xuất điện, dễ bị tác động bởi thị trường nhiên liệu thế giới. Chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua thiếu ổn định, không theo quy hoạch dẫn đến nơi thiếu, nơi thừa điện. Đầu tư lưới điện truyền tải, đặc biệt truyền tải điện cho các dự án điện mặt trời, điện gió chưa phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện…
Sản xuất công nghiệp tại Công ty CP Dệt Texhong Nhơn Trạch |
Trong khoảng 2 tháng gần đây, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, tập đoàn năng lượng thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện hiện tại và tương lai. Trong đó, giải pháp ưu tiên trước mắt là tháo gỡ khó khăn theo kiến nghị của các Tập đoàn: Than khoáng sản, Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam; khắc phục các tổ máy nhiệt điện gặp sự cố; tăng cường huy động các nguồn lực cho sản xuất điện; tạo điều kiện tối đa cho các dự án năng lượng tái tạo tự sản xuất, tự tiêu thụ; đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm điện…
Vào giữa tháng 5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8). Quy hoạch này đặt ra các mục tiêu: đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, từng bước chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, phát triển hạ tầng truyền tải điện.
Chia sẻ về nguồn cung ứng điện trên địa bàn tỉnh, Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh có khả năng phát triển 5 dự án thủy điện, 4 dự án điện rác, 2 dự án nhiệt điện khí và 1 dự án điện sinh khối với tổng công suất 1.950MW-2.050MW.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 2 dự án thủy điện đang triển khai, trong đó Thủy điện Phú Tân 2 sắp phát điện; 2 dự án nhiệt điện khí là Nhơn Trạch 3 và 4 đang xây dựng. Ngoài ra, 3 dự án năng lượng tái tạo là điện mặt trời và điện rác cũng vừa được đưa vào danh mục quy hoạch điện 8 để triển khai. Thực hiện được các dự án này, nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh sẽ được đảm bảo.
Vấn đề cần giải quyết hiện nay là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng truyền tải điện (đường dây, trạm biến áp) trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án giải tỏa công suất cho 2 nhà máy nhiệt điện tại H.Nhơn Trạch. Bộ Công thương sớm xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, trong đó có phân bổ nguồn năng lượng tái tạo cho địa phương, có cơ chế khuyến khích và giảm bớt thủ tục hành chính để thuận lợi thu hút nhà đầu tư.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG: Có hướng dẫn cụ thể cho dự án năng lượng tái tạo
Tới đây, nhu cầu sử dụng điện của tỉnh sẽ tăng mạnh do các dự án sân bay, cảng biển, công nghiệp được thành lập mới và mở rộng. Các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng. Bên cạnh đó, tỉnh có nhu cầu lớn và có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo từ mặt trời, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị, làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đã đầu tư; có hướng dẫn cụ thể về điều kiện, thủ tục cho các dự án điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới. Đây là giải pháp để giảm áp lực cung ứng điện, phát triển hạ tầng lưới điện và đẩy nhanh chuyển đổi công bằng năng lượng.
Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam TRƯƠNG HỮU THÀNH: Cần hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Chúng tôi đang và sắp triển khai 11 dự án, công trình điện truyền tải trên địa bàn tỉnh. Các dự án này đã được lên kế hoạch, bố trí nguồn vốn thực hiện nhưng hầu hết đều đang vướng mặt bằng. Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh đưa các dự án điện vào danh mục dự án trọng điểm của tỉnh, thành lập tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cập nhật dự án điện vào các quy hoạch: sử dụng đất, xây dựng, đô thị, tạo điều kiện cho dự án hoàn thành đúng tiến độ, góp phần giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng khác và đảm bảo cung ứng điện cho tỉnh, các tỉnh lân cận.
Ban Mai
Hoàng Lộc
.