Đó là tình trạng hiện có ở nhiều trường tiểu học tại TP.HCM. Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) triển khai ở năm học 2023 – 2024 này là năm thứ 4, song cấp tiểu học ở TP.HCM vẫn còn nhiều khó khăn.
HAI HỌC SINH NGỒI CHUNG MỘT MÁY
Chia sẻ ở một hội nghị giao ban mới đây tại Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, Q.4 (TP.HCM), cho biết trong quận này chỉ vài trường tiểu học có đủ máy tính để học sinh (HS) học tin học, còn lại đa phần các trường đi thuê. Hiện tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình cũng đi thuê, nhưng chỉ dám thuê 20 máy, vì nếu thuê 40 máy (mới đủ cho HS một lớp học) thì chi phí lại vượt mức thu cho phép trong Nghị quyết 04/2023. Do đó, tới giờ học thì 2 HS phải dùng chung một máy. Trường cũng đã kiến nghị lên quận để trang bị máy tính cho các trường, nhưng vẫn đang chờ.
Trước thực tế nhiều trường tiểu học tại TP.HCM chưa đủ máy tính cho HS, nhà trường đang phải đi thuê hoặc xã hội hóa, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.3 cho biết cần có nguồn ngân sách trang bị máy tính – thiết bị học tập cho các em, hoặc khi tiến hành xã hội hóa cũng phải rất kỹ lưỡng.
NỖI LO THIẾU GIÁO VIÊN TIẾNG Anh
Không chỉ là câu chuyện thiếu máy tính, hàng loạt hiệu trưởng các trường tiểu học, lãnh đạo các phòng GD-ĐT tại TP.HCM còn chia sẻ những băn khoăn thiếu giáo viên (GV).
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, tiếng Anh là môn tự chọn ở tiểu học, do đó khi TP.HCM tổ chức dạy học tăng cường tiếng Anh thì nhà trường được thu mỗi em 100.000 đồng/tháng (quy định mức thu ở Nghị quyết 04/2023 của HĐND TP.HCM) để hỗ trợ GV giảng dạy. Tuy nhiên, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có môn tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 với 4 tiết tiếng Anh mỗi tuần, nhà trường không thể thu như trước để có nguồn chi, hỗ trợ các GV. Trong khi với chương trình mới này, GV tiếng Anh phải dạy tới 23 tiết nghĩa vụ một tuần, nhưng lương lại thấp.
Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 (TP.HCM)
Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 (TP.HCM), cho biết để giữ chân được GV tiếng Anh có trình độ, tâm huyết với nghề thì suốt 15 năm qua, hầu như ở các trường tiểu học tại Q.1 ngoài lương, phụ cấp ngân sách thì GV tăng cường tiếng Anh cũng được trả thêm tiền từ tiết thứ nhất, theo quy chế chi tiêu nội bộ từng trường. Đến năm học 2022 – 2023, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rất cố gắng xoay xở để vẫn hỗ trợ các GV tiếng Anh. Song năm nay, khi chương trình mới tiếp tục thực hiện ở lớp 4 thì kinh phí rất khó khăn. “Chúng tôi thật sự mong có hướng mở, để làm sao thu hút, giữ chân được GV tiếng Anh, để họ dồn hết tâm huyết cho giảng dạy”, cô Chi nói.
Ông Hà Thanh Hải, Phó phòng GD-ĐT Q.7 (TP.HCM), có chung băn khoăn này. Theo thầy Hải, trước đây GV tiếng Anh chỉ dạy 16 tiết/tuần, nhà trường trích 60 – 70% kinh phí của phụ huynh đóng góp để hỗ trợ GV. “Hiện nay GV tiếng Anh phải đảm trách 23 tiết nghĩa vụ/tuần, nhiều quận còn không có, hoặc GV tiếng Anh nghỉ. Trong khi tiếng Anh tăng cường của bậc tiểu học ở TP.HCM cực kỳ quan trọng, vì thế rất cần có cơ chế riêng cho GV tiếng Anh”, thầy Hải đề xuất.
CẦN CÓ KHOẢN HỖ TRỢ GIÁO VIÊN DẠY 2 BUỔI/NGÀY
Cô Lê Thị Thoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Kiều, Q.12 (TP.HCM), kể: “Chúng tôi tuyển được một số GV trẻ, năng lực tốt, ứng dụng giỏi công nghệ thông tin. Các thầy cô đó khi làm ở các trung tâm thì lương từ 8 – 16 triệu đồng, đã đóng bảo hiểm, nhưng về trường lương chỉ hơn 4 triệu đồng thôi. Chúng tôi chỉ mong việc chi thu nhập tăng thêm, hỗ trợ GV dạy 2 buổi/ngày làm sao để các thầy cô gắn bó với nghề”.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, Q.4 cũng chia sẻ dù GV đã được phổ biến về việc không có tiền cho dạy buổi 2 khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 song không ít người tâm tư. Vì hiện nay, đời sống GV tiểu học nhiều khó khăn, hệ số thu nhập tăng thêm cho GV theo Nghị quyết 03/2018 giảm so với trước.
TUYỂN KHÔNG ĐƯỢC, TRƯỜNG PHẢI XOAY XỞ TIỀN THUÊ GIÁO VIÊN!
Đó là một nghịch lý mà ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp (TP.HCM), đặt ra. Ông Thanh cho biết bây giờ nhiều địa phương tuyển không được GV tin học, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật… Trường phải đi thuê, hợp đồng GV bên ngoài, nhưng chi phí này nhà trường tự lo. Ví dụ trường cần 60 định biên GV, nhưng chỉ tuyển được 50, vậy thì nhà trường phải “tự xử” – tự bỏ tiền ra thuê 10 GV bằng hợp đồng thỉnh giảng còn lại; hoặc nếu GV trong trường tăng thêm tiết thì cũng nhà trường tự lo từ ngân sách. Mà ngân sách của nhà trường từ kinh phí hoạt động giáo dục được cấp theo đầu HS.
Chính vì vậy, ông Thanh kiến nghị cần phải tháo gỡ khó khăn cho các trường bằng cách tăng định biên GV, nếu không tăng định biên thì phải hỗ trợ chi phí thuê GV, nếu không sẽ không còn kinh phí cho hoạt động giáo dục. Khi đó, thiệt thòi lớn nhất sẽ thuộc về người học.
Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo gì?
Ngày 4.10 vừa qua, tại hội nghị giao ban giáo dục tiểu học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết TP.HCM đã có văn bản đưa máy tính ra ngoài danh mục thiết bị mua sắm tập trung để các địa phương, nhà trường dễ hơn trong việc mua sắm máy tính phục vụ dạy môn tin học ở tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Hiếu chỉ đạo Phòng Kế hoạch tài chính của Sở phải đưa máy tính thành thiết bị dạy học, các trường phải được trang bị máy tính. Cần tham mưu, phối hợp với các sở ngành, đưa danh mục mua sắm máy tính là mua sắm thiết bị dạy học trong các thông tư của Bộ GD-ĐT.
Ông Hiếu phê bình việc phòng GD-ĐT các quận huyện chậm trễ rà soát việc mua sắm thiết bị học tập dù Sở đã nhiều lần nhắc nhở. Đồng thời, ông đề nghị Phòng Kế hoạch tài chính phải làm nghiêm, rà soát kỹ lưỡng các trường, xem các trường đã đủ thiết bị chưa, thiếu gì, cần gì, khẩn trương thực hiện số hóa thiết bị dạy học.
Về vấn đề thiếu GV bộ môn như GV âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh, ông Hiếu cho biết Sở GD-ĐT TP.HCM đã có kiến nghị về nhu cầu, giờ nghĩa vụ của GV các môn này lên Bộ GD-ĐT, Phòng Giáo dục tiểu học của Sở sẽ trình kế hoạch về chế độ thu hút GV bộ môn…
Ông Hiếu cũng nêu thực trạng hiện nay GV tin học, tiếng Anh đều có trình độ ĐH trở lên, nếu dạy ở bậc THPT thì số tiết nghĩa vụ ít hơn tiểu học, có nhiều thời gian để có thể cải thiện cuộc sống hơn nên có xu hướng chọn dạy bậc THPT hơn… Nên các trường tiểu học có thể chủ động các giải pháp như bố trí GV dạy tiếng Anh lớp 3, 4, 5 có thể dạy ở cả lớp 1, 2, để đảm bảo thu nhập hơn cho các GV.