Kinh doanh đi lùi, vẫn tăng chỉ tiêu lợi nhuận cả năm
Bất chấp kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 đi lùi, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) vẫn thực hiện nâng kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Cụ thể, kế hoạch kinh doanh mới đã được HAH thông qua với tổng doanh thu tăng từ 3.326 tỷ lên 3.957 tỷ đồng, tăng 19%. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty mẹ tăng từ 290 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng 55%.
Về sản lượng, Vận tải và Xếp dỡ Hải An đặt mục tiêu tăng cường khai thác tàu, tăng từ 565.000 lên 597.000 TEU, tương đương tỷ lệ tăng 5,6%. Sản lượng khai thác cảng cũng tăng từ 460.000 lên 467.000 TEU, tỷ lệ tăng 1,5%. Ngược lại, Khai thác Depot giảm từ 238.000 xuống còn 209.000 TEU, giảm 12%.
Ngoài điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, HAH còn phê duyệt chủ trương đầu tư mua tàu container đã qua sử dụng với sức chứa 3.500 – 5.000 TEU.
Nửa năm mới hoàn thành 38% kế hoạch lợi nhuận
Về hoạt động kinh doanh, Vận tải và Xếp dỡ Hải An ghi nhận doanh thu thuần đạt 1652.9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 30,5% so với cùng kỳ. Giá vốn chiếm 1.296,8 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn lại 356,1 tỷ đồng tương đương biên lợi nhuận gộp giảm từ 26,8% xuống chỉ còn 21,5%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 31% xuống chỉ còn 8,7 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lại có xu hướng gia tăng từ 39,8 tỷ lên 53,5 tỷ đồng, tương đương tăng 34,4%.
Trong đó, phần chi phí lãi vay cũng đã chiếm tới 41,3 tỷ đồng, cho thấy cơ cấu nợ vay trong nguồn vốn của HAH có sự gia tăng.
Sau khi trừ đi hết các chi phí và thuế, HAH ghi nhận lãi sau thuế còn lại 175,8 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế của công ty mẹ đạt 171,1 tỷ đồng. Nếu căn cứ theo kết quả mới điều chỉnh thì HAH mới chỉ hoàn thành được 41,8% mục tiêu doanh thu cùng 38,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Dồn tiền cho nhà máy đóng tàu, áp lực chi phí tài chính gia tăng
Kết quả kinh doanh đi lùi của HAH có phần không nhỏ đến từ chi phí tài chính gia tăng trong kỳ. Nguyên nhân xuất phát từ khoản nợ trái phiếu tăng vọt thêm hàng trăm tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, tổng nguồn vốn hiện tại của HAH ghi nhận ở 5.925,4 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó vốn chủ chiếm 3.355,3 tỷ đồng, còn lại là nợ phải trả với phần lớn là nợ dài hạn.
Chỉ tiêu về nợ vay ngắn hạn của HAH ghi nhận tại cuối Quý 2/2024 ở mức 432,9 tỷ đồng, tăng 38,7 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ vay dài hạn đã tăng từ 992,6 tỷ đồng lên 1.284,9 tỷ đồng, tương đương tăng 292,3 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm.
Biến động nợ vay dài hạn đến từ khoản trái phiếu chuyển đổi dài hạn lên tới 490,5 tỷ đồng mà HAH đã phát hành. Theo báo cáo về tình sử dụng nguồn vốn trái phiếu này, 396,6 tỷ đồng trong đó đã được sử dụng để thanh toán đợt cuối cùng cho nhà máy đóng tàu. Cùng với đó là khoản 62,6 tỷ đồng thanh toán lần 4 cho nhà máy đóng tàu theo hợp đồng HC2021-19.
Việc gia tăng vay nợ đã khiến chi phí lãi vay trong kỳ gia tăng lên 41,3 tỷ đồng và kéo chi phí tài chính lên 53,5 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 34,4%.
Nguồn: https://www.congluan.vn/van-tai-va-xep-do-hai-an-hah-kinh-doanh-di-lui-moi-hoan-thanh-38-ke-hoach-ca-nam-post313378.html