Động thái bất ngờ của Văn phòng Công tố Guatemala liên quan cuộc bầu cử vừa qua đã vướng phải sự chỉ trích từ người thắng cuộc và cộng đồng quốc tế.
Văn phòng Công tố Guatemala đã phủ nhận chiến thắng của ông Bernardo Arevalo (giữa) trong bầu cử vừa qua. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 8/12, công tố viên Rafael Curruchiche và Leonor Morales của Văn phòng Công tố Guatemala đã tuyên bố kết quả cuộc bầu cử, trong đó ông Bernardo Arévalo đắc cử Tổng thống và bà Karin Herrera đắc cử Phó Tổng thống là “không hợp lệ” do “loạt dấu hiệu bất thường” trong quá trình kiểm phiếu.
Ngay lập tức, tuyên bố này đã vấp phải sự chỉ trích từ phía Tổng thống đắc cử Bernardo Arévalo và cộng đồng quốc tế.
Phát biểu trong buổi họp báo ngày 8/12, ông Arevalo đã gọi cáo buộc này là “vô căn cứ và nực cười”, đồng thời cam kết sẽ nhậm chức vào ngày 14/1/2024 như dự kiến. Ông nêu rõ: “Nỗ lực đảo chính này là rõ ràng. Nó đang đưa chúng ta đến một thời khắc then chốt”.
Người đứng đầu Tòa án Bầu cử Tối cao Guatemala, ông Blanca Alfaro cũng khẳng định: “Kết quả này là không thể thay đổi”.
Trong khi đó, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã chỉ trích động thái của Văn phòng Công tố Guatemala. Tổng thư ký OAS Luis Almagro nêu rõ việc phủ nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Guatemala là hành vi “phá hoại dân chủ” ở mức độ tồi tệ nhất, chống lại mong muốn chính đáng của người dân nước này. OAS yêu cầu chính quyền Tổng thống đương nhiệm Alejandro Giammattei có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trước đó, ngày 28/8, Tòa án Bầu cử Tối cao Guatemala đã chính thức công bố kết quả cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 tại nước này. Theo đó, 2 ứng cử viên của Phong trào Hạt giống là ông Bernardo Arévalo đắc cử Tổng thống và bà Karin Herrera đắc cử Phó Tổng thống với 60,91% số phiếu hợp lệ.
Ông Arévalo là con trai cựu Tổng thống Juan José Arévalo Bermejo – người đứng đầu Guatemala vào nửa cuối những năm 1940. Trong chiến dịch tranh cử, chính trị gia này cam kết chống tham nhũng, tăng chi tiêu công, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục, đồng thời sẽ ưu tiên cho chương trình nghị sự minh bạch.