Tình trạng nhiều người dân coi thường pháp luật đi xe đạp vào đường cấm được đánh giá là hành vi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Pháp luật nghiêm minh một lần nữa bị thách thức!
Tình trạng người điều khiển xe đạp đi vào đường cấm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh minh họa. (Nguồn: vtcnews.vn) |
Camera hành trình của một ô tô ghi lại ngày 22/10 cho thấy hàng chục người đi xe đạp tràn vào đường Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội, tranh làn với ô tô ở nơi cho phép xe chạy với vận tốc lên tới 90km/h. Quá nguy hiểm!!!
Còn nhớ, cuối tháng 9 năm ngoái đã xảy ra tình huống va chạm giữa một số người đi xe đạp vào làn ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp, và khi bị tài xế nhắc nhở, những người đi xe đạp đã lập tức hò nhau quây kín chiếc ô tô rồi đe dọa, xúc phạm tài xế khiến cả tuyến đường ùn tắc.
Cách hành xử nói trên thực sự đáng sợ, đáng bị lên án.
Nhiều năm qua, với sự quyết liệt và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trên phạm vi cả nước, hạ tầng giao thông cao tốc đã tương đối hoàn chỉnh kết nối, chất lượng được cải thiện (độ phẳng nền đường, số lượng làn xe, mặt cắt ngang, biển báo giao thông…) trong khi tình trạng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông được chủ động kiểm tra và giám sát tốt, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước sớm nghiên cứu nâng giới hạn tốc độ tối đa trên một số tuyến đường. Và dĩ nhiên, khi đường thông thoáng, to rộng, xe lưu thông chấp hành nghiêm luật an toàn giao thông thì không có cớ gì mà các loại phương tiện giao thông không được phép tham gia lại tự do di chuyển trong làn dành riêng cho ô tô.
Thống kê của ngành giao thông chỉ rõ biết bao vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên cao tốc gây thiệt hại cho bản thân người tham gia giao thông, gia đình, cơ quan chức năng và cả xã hội. Biển cấm thì kệ, cứ đường thông thoáng, vắng vẻ đôi chút là tình trạng vi phạm lại diễn ra.
Dù cho lực lượng chức năng thường xuyên cử người cắm chốt và xử lý nhưng vẫn có nhiều người vô ý thức, lợi dụng thời điểm đêm và rạng sáng để cố tình vi phạm, vừa gây nguy hiểm cho bản thân vừa gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Khoản 4, Điều 26, Chương II Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác điều khiển xe đi vào đường cao tốc có thể bị phạt hành chính với mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo Điểm a, Khoản 4, Điều 8, Mục 1, Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP, bổ sung bởi Khoản 6, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Mức này quá rẻ cho một thú vui, sở thích cá nhân?
Việc xử lý vi phạm này lại đang là bài toán khó đối với lực lượng chức năng khi các phương tiện xe đạp sẵn sàng quay đầu bỏ chạy. Và cũng rất khó để xác minh rõ danh tính những trường hợp vi phạm do không có biển kiểm soát.
Có thể thấy, công tác tuyên truyền, xử lý phạt tiền dường như không có tác dụng với những người này, mà cần hình thức phạt mạnh tay hơn, như tịch thu phương tiện, thông báo về cơ quan, thậm chí xử lý hình sự…
Hành vi cố tình đi xe đạp vào phần đường cấm, “cười vô tư” chấp nhận nộp phạt khi bị lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện thể hiện sự thiếu văn hóa trầm trọng khi tham gia giao thông, coi thường tính mạng của người khác và chính bản thân. Nếu tái phạm thì có thể nói là đặc biệt nghiêm trọng.
Trong dự thảo lần 3 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, Bộ Công an mới đây đề xuất người điều khiển xe máy mà buông cả hai tay, dùng chân lái xe, ngồi về một bên điều khiển… sẽ bị tịch thu phương tiện.
Vậy còn phương tiện xe đạp thì sao?
Bao giờ “vấn nạn” này mới giải quyết?
Đi xe đạp, đừng tự cho rằng mình được xếp vào nhóm “yếu thế” mà vô tư lôi kéo rủ rê bạn bè vi phạm để rồi trở thành “hung thần”, tội đồ đường phố.