Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, ta thường nghe khái niệm “Văn minh miệt vườn”. Tương đối khó để mà giải thích cụm từ này cho tường tận.
Tuy vậy, khái niệm này bao gồm một loạt những hình ảnh, thói quen, văn hoá trong đời sống của người miền Tây, mà rõ nét nhất chính là ở các tỉnh nằm ven sông Tiền.
Hiện tại, khi du ngoạn về Tiền Giang hay Vĩnh Long, lữ khách vẫn khám phá ra được rất nhiều nếp nhà xưa, các kiến trúc thời Pháp thuộc hoặc trước đó. Kết hợp cùng loại hình âm nhạc đờn ca tài tử, vọng cổ hoặc cải lương.
Đó chính là một trong những nét văn hóa thuộc về văn minh miệt vườn. Hoặc hình ảnh xuồng ghe tấp nập, chở trái cây từ vườn ra chợ bán, những khu chợ nổi đặc trưng, nhất là những ngày giáp Tết họp chợ đông đúc…
Tất cả sẽ tạo nên lối sống, bức tranh văn hoá của miệt vườn như trong rất nhiều bài biên khảo của nhà văn Sơn Nam.
Địa danh đặc biệt nhất chính là Gò Công, nơi mà sông Tiền chuẩn bị đổ ra biển lớn. Vùng đất địa linh nhân kiệt này đã sản sinh ra 2 vị hoàng hậu nhà Nguyễn, chính là bà Từ Dũ và hoàng hậu Nam Phương. Gò Công còn nổi tiếng về phong thuỷ và rất được chú ý trong suốt nhiều triều đại từ thời Chúa Nguyễn khẩn hoang miền Nam, bởi lẽ rẻo đất này chính là điểm kết thúc của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Sau Gò Công, là biển Đông, trước Gò Công, chính là dãy núi định hình cho Tổ quốc, là xương sống cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Tạp chí Heritage