Trong báo cáo đề dẫn, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, đã nhắc tới nhiều tên tuổi văn học qua các thời kỳ như: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng hồi đầu thập niên 1980; Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương qua cao trào Đổi mới… “Đáng chú ý là một số cây bút xuất sắc đã nhận được nhiều giải thưởng văn học quốc tế có uy tín”, PGS-TS Điệp nói.
Nhiều tham luận tại hội thảo cũng cho thấy sự đa dạng của tác phẩm văn học nghệ thuật sau 1975 tới nay. TS Đỗ Thị Thanh Nga (Viện Văn học) chọn kịch nói giai đoạn 1975 – 1985 để nói về khát vọng đổi mới của văn học. Theo bà, trong giai đoạn này, khát vọng đổi mới được lan tỏa mạnh ở sân khấu kịch, thậm chí đưa kịch nói vào thời hoàng kim. Đó là xung đột giữa cá nhân và tập thể khi cá nhân được nhìn toàn diện hơn trong guồng quay lịch sử. Đó cũng là xung đột trong nội tâm con người mới, muốn sống với lý tưởng nhưng khó thoát ly nhu cầu vật chất tầm thường. Cũng có xung đột kịch được tạo ra do xung đột giữa cơ chế quản lý và thực tế xã hội trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Doãn Hoàng Giang…
PGS-TS Phạm Xuân Thạch (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhắc tới 3 làn sóng của văn chương đương đại. Ở đó, ông nhìn thấy trong khoảng 15 năm gần đây, có thể nói tới làn sóng thứ ba của Đổi mới. Những tác giả như Trần Nhã Thụy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Khắc Ngân Vi, Huỳnh Trọng Khang, Lê Khải Việt hay Hiền Trang… đã có những cuộc tìm kiếm lối viết. “Đó là một hành trình xác lập việc viết, không chỉ như sự khai thác “vốn sống” mà là sự lao động trên những trải nghiệm văn hóa”, ông nói.
Đi tìm đỉnh cao
PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp cũng băn khoăn vì sao đã 50 năm trôi qua tính từ 1975, văn học Việt Nam vẫn quá hiếm những đỉnh cao nghệ thuật, thể hiện ở việc các tác phẩm sau 1975 phong phú về chủng loại nhưng khiêm tốn về chất lượng.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, lại nêu hiện tượng: “Tình trạng phê bình cánh hẩu, thù tạc hoặc viết theo đặt hàng của thị trường, PR, biến phê bình thành quảng cáo diễn ra khá phổ biến”.
Nhà phê bình Hoài Nam lại tiếc nuối khi nhìn lại và thấy việc dịch văn học Việt sang các ngôn ngữ khác chủ yếu là do các dịch giả văn học người nước ngoài thực hiện. Họ có thể làm công việc này một cách độc lập, hoặc làm dưới sự bảo trợ của các chính phủ, các trường đại học, các trung tâm văn hóa quốc tế. Còn chúng ta gần như thụ động trong việc này.
Từ đó, PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp đề xuất cần tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế để đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập, đưa văn học VN nhanh chóng bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới.
Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoc-viet-nam-van-hiem-dinh-cao-nghe-thuat-185241127231843823.htm