Nhà văn Nguyễn Bình Phương cùng nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn học cho ý kiến tổng kết về văn học Việt Nam nửa thế kỷ qua trong hội thảo khoa học “Văn học Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất: Diện mạo, thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm” do Viện Văn học tổ chức vào ngày 3-6 tại Hà Nội.
PGS.TS Trần Khánh Thành – phó chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, chủ tọa hội thảo – góp ý kiến về sự đổi mới trong quan điểm, tư duy quản lý văn học nghệ thuật của Đảng 50 năm qua.
Theo đó, tư duy quản lý văn học nghệ thuật ngày càng đổi mới, “cởi trói” cho văn nghệ. Nhờ đó mà văn học 50 năm qua thu không ít thành tựu.
Tác giả trẻ chưa tạo dấu ấn
Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết văn học Việt Nam 50 năm qua phát triển trong bối cảnh xã hội có nhiều vận động lớn trong tư tưởng, tình cảm của con người.
Sau 1975, những chính sách bao cấp, ngăn sông cấm chợ dẫn đến eo hẹp về kinh tế, có những bức xúc trong tư tưởng.
Bước vào thời đổi mới, hội nhập thì chúng ta choáng váng, nhìn thế giới cũng rợn ngợp.
Đất nước đi tới như ngày hôm nay là một hành trình kỳ diệu. Hành trình này được phản ánh một cách tế nhị trong văn học nghệ thuật, với nhiều nhà văn tài năng.
Ông Phương nhận định từ 1985 đến nay những tác giả quan trọng nhất của văn học hiện đại Việt Nam đã xuất hiện như Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Khải, Nguyễn Xuân Khánh, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê. Gần đây có Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư…
Tuy vậy, văn học 50 năm qua vẫn thiếu vẻ đẹp thật tuyệt đối của nghệ thuật.
Ví như trường hợp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay tiểu thuyết đặc sắc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh vốn có thể xem là thứ văn chương rất đẹp, nhưng bạn đọc lại gắn văn chương của họ với yếu tố chính trị, để họ nổi tiếng trước tiên vì điều đó.
Theo ông Phương, nền văn học rất cần những tác phẩm mang vẻ đẹp thuần văn chương.
Một điểm hạn chế nữa, theo ông Phương, 50 năm qua có những tác phẩm hay, thi thoảng cũng có những tác phẩm “mấp mé kiệt tác” nhưng hình như nền văn học của chúng ta rất thiếu những tác giả bề thế, những nhà văn lớn với nhiều tác phẩm ở mức đồng đều.
Một số tác giả có tác phẩm đỉnh cao, nhưng các tác phẩm sau lại yếu.
Thêm nữa, văn học 50 năm qua có sự phong phú về đề tài nhưng có những hạn chế về hình thức.
Ông Phương cho rằng có lẽ do một thời chúng ta dị ứng với những thứ khác lạ nên các tác giả cũng rụt rè, không triệt để trong sáng tạo.
Một điểm nữa khiến ông Phương băn khoăn là gần đây xuất hiện nhiều tác phẩm văn học phi hư cấu, chủ yếu về chiến tranh.
Nếu đây là một hiện tượng để thành trào lưu nghệ thuật thì ông Phương cảm thấy tiếc cho tư liệu về chiến tranh ấy đã không được dụng công sáng tạo, nâng lên thành những tác phẩm sáng tác.
Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng nói thêm về thế hệ nhà văn trẻ hiện nay, được trang bị tốt về kiến thức, ngoại ngữ, tiếp cận văn học thế giới rất nhanh, nhưng vì thế mà xuất hiện xu hướng viết toàn cầu.
Những tác phẩm này ông Phương thấy không gắn bó lắm với chính người Việt. Mà theo ông, một tác phẩm phải có ích với dân tộc mình thì mới có ích với dân tộc khác.
Cần đổi mới cách tổng kết văn học
Không giống như băn khoăn cuối cùng của nhà văn Nguyễn Bình Phương, TS Trần Ngọc Hiếu – Trường đại học Sư phạm Hà Nội – ghi nhận sự phát triển đa dạng và năng động của văn học Việt Nam trong 20 năm đầu của thế kỷ 21.
Theo ông Hiếu, văn học Việt Nam 20 năm qua không còn nằm trong quỹ đạo của văn học đổi mới mà thuộc về thực tế vô cùng phức tạp.
Có những cây viết trẻ sống ở nước ngoài khiến việc định nghĩa văn học Việt phải mở rộng khỏi biên giới quốc gia và biên giới tiếng Việt như tác giả trẻ Mai Duy Quang sinh ra lớn lên ở Việt Nam nhưng hiện đang sáng tác thơ bằng tiếng Anh ở Mỹ.
Thơ anh ngay lập tức được đăng trên các tạp chí uy tín của Mỹ, chính quyền Canada tài trợ in tập thơ đầu tiên của anh bằng tiếng Anh.
Dẫn thêm về những cây bút độc đáo khác của văn học trẻ như Đinh Phương, Hiền Trang…, ông Hiếu nói có hiện tượng ngoái nhìn văn học đổi mới trong tổng kết một giai đoạn văn học khiến chúng ta không nhìn thấy những thành tựu của văn học Việt trong 20 năm đầu của thế kỷ 21.
Thực ra các nhà văn trẻ khiến xuất hiện nhiều hạng mục văn học mà trước đây chúng ta chưa quan tâm đủ, như sự trỗi dậy của văn học đại chúng. Những cây viết trẻ nói lên được đời sống đương đại trong văn học mà những thế hệ trước còn đang viết nhưng với mỹ cảm hoài cựu đã không với tới.
Ông Hiếu cho rằng cần phải đổi mới cách làm tổng kết văn học. Cần tránh việc chỉ chăm chăm nhìn vào những tác phẩm lớn, đỉnh cao của quá khứ để rồi không nhận ra những thứ đang nổi lên và cũng rất cần được khuyến khích ở thời điểm hiện tại.
Hội Nhà văn Việt Nam còn có vai trò gì?
Đầu năm 2025 sẽ có hội thảo 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, bao gồm cả văn học và nghệ thuật, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, bốn đơn vị phối hợp tổ chức.
PGS.TS Trần Văn Toàn – Trường đại học Sư phạm Hà Nội – cho rằng vai trò và sức ảnh hưởng của Hội Nhà văn trước 1975 rất lớn, sau đó thì không còn được như vậy nữa. Và đó là dấu hiệu tích cực.
Bởi nhờ đó mà tính chất viên chức, quy phạm của nhà văn giảm đi, mở ra điều kiện sáng tác tự do hơn.
Nhưng câu hỏi là trong bối cảnh hiện nay thì vai trò của Hội Nhà văn phải thể hiện thế nào? Ông Toàn nói không phải là chỉ dẫn, vạch đường mà là tạo các sân chơi nghề nghiệp bổ ích cho hội viên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/van-hoc-viet-nam-50-nam-sau-ngay-dat-nuoc-thong-nhat-co-dinh-cao-nhung-thieu-tac-gia-be-the-20240604101221078.htm