Nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển văn học, nghệ thuật
Báo cáo công tác văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương 6 tháng đầu năm 2024, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt cho biết: Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với nhiều nội dung về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam. Năm 2024 cũng là năm VHNT nước nhà tham gia nhiều hoạt động, kỷ niệm quan trọng.
Trong 06 tháng đầu năm, trên cả nước, các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Những cuộc liên hoan, triển lãm, các hoạt động văn học nghệ thuật do Liên hiệp và các hội tổ chức đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, có chất lượng, phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở được quan tâm, đầu tư, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc .
Công tác đối ngoại, giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật trên cả nước được tăng cường, sôi động, có nhiều khởi sắc. Nhiều tỉnh, thành phố trong nước phối hợp với Liên hiệp và các hội tiến hành đăng cai tổ chức thường kỳ các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc tế. Nhiều hội tổ chức thành công các cuộc thi, giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế và khu vực tại Việt Nam, tích cực cử đoàn, gửi tác phẩm tham dự các hoạt động văn học, nghệ thuật tại nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển, tuyên truyền, quảng bá văn học nghệ thuật Việt Nam ra thế giới .
Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật tiếp tục được tăng cường, có nhiều chuyển biến tích cực; từng bước tháo gỡ, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành các cơ chế, chính sách cụ thể. Bộ VHTTDL tích cực phối hợp với các tỉnh, thành, cơ quan liên quan triển khai xây dựng và hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 trình Quốc hội xem xét, phê duyệt; việc triển khai các đề án, hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật, thẩm định cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các hoạt động văn học nghệ thuật tiếp tục được tăng cường.
“Với quyết tâm, nỗ lực và những hoạt động cụ thể được tăng cường và duy trì thường xuyên, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với Liên hiệp và các hội tiếp tục được củng cố, gắn kết, từng bước tạo cơ chế hiệu quả, kịp thời định hướng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà”, ông Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Minh Nhựt cũng chỉ rõ một số tồn tại trong công tác văn học nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp và các hội trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, việc triển khai tổ chức thực hiện các kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có lúc, có nơi còn chậm, chưa hiệu quả. Một số văn nghệ sĩ chưa ý thức được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, sử dụng mạng xã hội tùy tiện, vi phạm trang phục, phát ngôn…
Một số cấp ủy đảng, ban lãnh đạo các hội, đơn vị có liên quan chưa sát sao trong lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, chưa thực sự bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật để chủ động, linh hoạt, sáng tạo và cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch, dự án, đề án cụ thể của đơn vị. Công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan có liên quan nhất là trong tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính còn chậm, và chưa thực sự hiệu quả.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các cơ quan liên quan đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm làm rõ hơn những nội dung, kết quả và những hạn chế vướng mắc chưa làm được của Liên hiệp Hội cũng như các Hội chuyên ngành trong thời gian vừa qua. Đồng thời, đề ra những phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật trong thời gian tới…
Tích cực tham gia xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương trong thời gian qua.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế thời gian tới, bà Đinh Thị Mai đề nghị: Liên hiệp và các Hội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật cho đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ. Đặc biệt, phổ biến, tuyên truyền và quán triệt tới đông đảo giới văn nghệ sĩ các nội dung cơ bản trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Liên hiệp và các hội cần tiếp tục tích cực, chủ động, thực hiện có hiệu quả: Kế hoạch số 417-KH/BTGTW, ngày 12/01/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/06/2014 của BCH TW Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; kế hoạch số 390-KH/BTGTW, ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), rà soát, xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, sản phẩm, dự toán kinh phí thực hiện, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, thông qua các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả để phát động phong trào thi đua sáng tác trong toàn khối hưởng ứng các sự kiện quan trọng này.
Thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Ban Bí thư về đại hội, Liên hiệp và các hội khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án về đại hội của các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (nhiệm kỳ 2025-2030) báo cáo cấp có thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với địa phương, đơn vị có liên quan để hướng dẫn, đôn đốc các hội, chi hội cơ sở chuẩn bị tốt để tiến hành đại hội cơ sở trong năm 2024; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, Liên hiệp và các hội cần tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn đôn đốc các hội văn học nghệ thuật địa phương, các chi hội trực thuộc tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước. Tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam bằng các hình thức sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn. Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật…
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính thực hiện, triển khai Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật, báo chí ở TW (theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ); rà soát, hoàn thiện nội dung, dự toán kinh phí triển khai tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất; xây dựng kế hoạch và chuẩn bị tốt cho Hội nghị giao ban Quý III/2024 tại Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam vào tháng 10/2024…./.
Nguồn: https://toquoc.vn/doi-ngu-van-nghe-si-tiep-tuc-quan-triet-sau-sac-cac-quan-diem-chu-truong-duong-loi-cua-dang-chinh-sach-cua-nha-nuoc-ve-van-hoa-van-hoc-nghe-thuat-20240719191029639.htm