Nguyễn Vĩnh Nguyên bay cùng 'Thành phố những lục địa bay'
Thứ Hai, 16/1/2023| 12:50Trong Thành phố những lục địa bay, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã trình hiện một thành phố vừa là Đà Lạt, vừa không phải là Đà Lạt như chúng ta từng biết.
Đó là Đà Lạt của riêng nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - một thành phố nằm giữa hư cấu và phi hư cấu, ẩn sau những lớp sương mù là muôn ngàn tâm tư lắng đọng - thành phố của những lục địa bay.
Nguyễn Vĩnh Nguyên đã thực hành phương thức dùng cả chữ xen kẽ với hình để thay phiên nhau kể chuyện. Nếu xem Thành phố những lục địa bay là bản giao hòa giữa thực và ảo, thì ở đây, văn bản như một đại diện cho thế giới hư cấu, còn hình ảnh thì lại đại diện cho thế giới thực. Chính việc tường thuật về thành phố theo lối này đã tạo cho người đọc cảm giác tác phẩm như một bộ phim giả tài liệu (mockumentary), mà ở đây - trong địa hạt văn chương - nhà văn đã sáng tạo nên thể loại có thể tạm gọi là giả phi hư cấu.
![]() |
Tác phẩm về Đà Lạt mang phong cách khác lạ của Nguyễn Vĩnh Nguyên - P.N |
Với kinh nghiệm nhiều năm làm báo, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã sử dụng không chỉ văn phong sáng tác mà còn lồng ghép song song với văn phong báo chí trong Thành phố những lục địa bay. Ở nhiều phân đoạn, nhà văn chọn lối viết ngắn gọn, chỉ đơn thuần tả lại sự kiện, gợi nhớ đến phong cách điểm tin của báo chí nhưng không tạo cảm giác tin tưởng tuyệt đối cho người đọc mà đem lại nỗi mơ hồ, hoài nghi, tựa như khi ta nghe thông tin từ những lời đồn.
Nỗ lực vượt thoát ranh giới thể loại của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên
Không chỉ chơi đùa giữa hư cấu và phi hư cấu, Nguyễn Vĩnh Nguyên còn chơi đùa giữa hai phân khúc nhỏ hơn trong phân nhánh hư cấu là truyện ngắn và tiểu thuyết.
Tác phẩm chia làm ba phần chính được đánh số La Mã và không đặt tiêu đề, ba phần này đóng vai trò tương tự như cấu trúc ba hồi trong điện ảnh, cách trình bày cũng gợi nhớ đến thể loại tiểu thuyết. Ở mỗi phần đều có rất nhiều truyện ngắn. Có thể gọi những truyện ngắn này là những mảnh vụn rơi ra từ lục địa ký ức; cũng có thể hiểu nó là những trường đoạn hay phân cảnh trong một hồi của cấu trúc kể chuyện.
Các truyện ngắn được dàn trải đều ở cả ba phần. Phần I có 25 truyện ngắn, phần II có 19 truyện ngắn, phần III có 22 truyện ngắn. Từng truyện này đều thực sự ngắn với dung lượng từ hai đến ba trang, tiện lợi cho cả những người đọc bận rộn theo dõi câu chuyện.
Hòa vào thiên nhiên để chiêm nghiệm thân phận con người
Thông thường, con người hiện đại quen thuộc với khái niệm “trở về thiên nhiên” sau những bộn bề trong cuộc sống đô thị - nơi không gian sinh hoạt bị những tòa nhà cao chọc trời xâm lấn, vây cùng siết tận. Nhưng trong Thành phố những lục địa bay, có vẻ như với nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, thiên nhiên không phải là nơi để quay về bởi “quay về” đồng nghĩa với việc thiên nhiên và con người vẫn còn là hai cá thể tách biệt, là đối tượng và chủ thể.
![]() |
Nguyễn Vĩnh Nguyên đã thực hành phương thức dùng cả chữ xen kẽ với hình để thay phiên nhau kể chuyện - P.N |
Tuy nhiên, ở tác phẩm này thì thiên nhiên vừa là đối tượng vừa là chủ thể, cả con người cũng đóng cùng lúc hai vai trò ấy. Con người hiểu chính mình thông qua việc hòa vào thiên nhiên; đồng thời, thiên nhiên cũng như một chủ thể có cảm xúc, thầm lặng quan sát tâm tư của con người và trình hiện lại những ghi nhận đó bằng dáng vẻ bên ngoài thông qua cây cối, gió sương, hồ mây…
Quan điểm này thể hiện rõ trong truyện Thác - phần truyện mà tác giả dành để miêu tả cái chết của những người tuyệt vọng rồi tìm đến thác để nhanh chóng đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Ở đây, có một phép chơi chữ thông minh khi thác vừa là danh từ chỉ nơi chốn, vừa là động từ chỉ cái chết. Như thế, danh từ thác đại diện cho thiên nhiên, động từ thác đại diện cho con người. Những cái chết trong Thác cho người đọc một cảm thức rằng: cái chết của con người không phải là sự ra đi mà là trở về, để “chuyển hóa vào giới tự nhiên”.
Như vậy, con người không chỉ sinh ra từ thiên nhiên, chết đi trở về với thiên nhiên, mà thực ra trong lúc ta còn sống, trong lúc trái tim còn bồi hồi nhịp đập, thiên nhiên vẫn luôn song hành cùng con người, thu hết vào lòng mọi tâm tư của con người, không phán xét, không gạn lọc, không chối bỏ - giống như cách mặt hồ thu hết hình ảnh từ những sinh thể xung quanh rồi dịu dàng phản chiếu lại rõ nét, sắc trong, trung thực; giống như chính tình yêu của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên dành cho Đà Lạt được thể hiện rất tỏ tường trong Thành phố những lục địa bay./.
(TNO)
Giới thiệu cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sáng 11/1, Ban Nội chính Trung ương giới thiệu cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhan đề “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng,...
Người dân TPHCM xúng xính áo quần xuống phố du xuân sớm
Hàng nghìn du khách và người dân đã đến vui chơi, chụp ảnh kỷ niệm bên không gian gợi nhớ về Tết cổ truyền Việt Nam, như đường hoa mai, phố ông đồ... tại Nhà...
Chính sách thưởng phạt Triều Nguyễn qua triển lãm 'Chuyện xưa cũ'
Triển lãm 3D "Thưởng - Phạt: Chuyện xưa chưa cũ" giới thiệu 80 văn bản đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn về chủ đề thưởng - phạt dưới triều...
Cuộc đời vua Hàm Nghi qua lời kể của hậu duệ
Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 vua Hàm Nghi kể về cuộc sống của vua khi bị lưu đày ở Algérie cho đến cuối đời, chiều 10/1.
Tổ chức các chương trình đón Tết cổ truyền Việt Nam tại Lào năm 2023
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 12/QĐ- BVHTTDL về việc Tổ chức các chương trình đón Tết cổ truyền Việt Nam tại Lào năm 2023.
'Khát vọng hòa bình'- Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris
Ngày 9/1, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Ban Di sản Ký ức tổ chức sự kiện "Khát vọng hòa bình". Đây là hoạt động hướng...