Có một vũ khí vô cùng quan trọng hoặc có thể nói là quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng chính là văn hóa.
Ảnh minh họa. |
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đang là cuộc đấu tranh chống tham nhũng lớn nhất trong toàn bộ lịch sử Việt Nam ở tất cả các mức độ: hệ thống, con người và tài sản.
Hàng trăm phiên tòa đã được tiến hành đúng người, đúng tội. Nhưng ảnh hưởng của nạn tham nhũng còn kéo dài và có nguy cơ tiếp tục phá vỡ niềm tin của Nhân dân vào thể chế, phá vỡ nền tảng đạo đức xã hội và cản trở sự phát triển của đất nước. Thấy được điều đó, chúng ta mới thấy được ý nghĩa hệ trọng và cấp bách của cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng không chỉ là ngăn chặn nguồn tài sản của Nhà nước, của Nhân dân bị đánh cắp để đưa vào túi của một số cá nhân có quyền chức, không chỉ để làm trong sạch hệ thống chính trị, không chỉ khôi phục một phần lòng tin của Nhân dân vào thể chế đã bị phá vỡ mà còn bảo vệ phẩm giá của một dân tộc.
Để công cuộc chống tham nhũng thành công, kể cả về mặt pháp luật và tinh thần, sự kiên quyết, kiên định và không nao núng của cả hệ thống chính trị đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chìa khóa duy nhất cho thành công trong cuộc đấu tranh đặc biệt khó khăn này.
Kẻ thù của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước rất rõ ràng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ý chí của Nhân dân, chúng ta đã đi qua và chiến thắng. Thế nhưng trong những ngày hoà bình và trong giai đoạn đất nước đang phát triển thì kẻ thù của chúng ta lại vô cùng phức tạp, mưu mô, khôn ngoan, không dễ nhận diện và nhiều lúc thật mơ hồ. Khác với kẻ thù của chúng ta trong chiến tranh, kẻ thù của dân tộc trong thời bình ở bên cạnh chúng ta, cười nói với chúng ta, ăn tối với chúng ta và đôi khi sinh hoạt trong một tổ chức chính trị với chúng ta.
Văn hóa giúp mọi dân tộc làm ra lương tri của con người và dân tộc. Khi có lương tri tức là con người mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp nhất. Đó là lòng tự trọng, tình thương yêu đồng loại, sự sẻ chia, sự dâng hiến và “ĐẠO” làm người. |
Cách đây chừng 20 năm, trong một bài phỏng vấn một đồng chí Giám đốc Công an tỉnh in trên tờ An ninh Thế giới Cuối tháng, phóng viên có hỏi “Trước họng súng của tội phạm và trước những đồng tiền, ông sợ cái nào?”. Đồng chí Giám đốc Công an lúc đó như co người lại và nói: “Tôi sợ đồng tiền”. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong những năm gần đây đã chứng minh một cách hùng hồn nỗi sợ hãi của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh 20 về trước là sự thật. Câu nói ấy tiếp tục cảnh báo chúng ta.
Sự thật đã minh chứng một cách đầy kinh hãi mà chúng ta không thể chối cãi khi có những cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị đã gục ngã bởi đồng tiền. Nếu lúc này có kẻ đến trước mặt đặt 1 triệu USD để xui khiến ai đó phải đầu hàng có thể họ sẽ bước qua mặt kẻ đó. Nhưng với 10 triệu USD, 100 triệu USD và hơn nữa thì có thể ai đó sẽ bắt đầu hoang mang và có nguy cơ chấp nhận đồng hành cùng tội ác cho dù họ biết đó là tội ác.
Những cán bộ gục ngã bởi đồng tiền nói trên từng là những người được học hành, được rèn luyện kỹ lưỡng và được chứng minh năng lực của mình ở một giai đoạn nào đó. Nhưng đến một đoạn đường họ không còn đủ ý chí đi tiếp và họ gục ngã. Họ không đi hết được con đường họ chọn. Vật chất đã chiến thắng lương tri họ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, tháng 11/2021. |
Nếu quan sát, chúng ta thấy song hành với cuộc đấu tranh chống tham nhũng là công cuộc chấn hưng văn hóa mà điểm nhấn quan trọng là Hội nghị văn hóa toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì tháng 11/2021.
Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư nhắc lại chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về văn hóa: “Văn hóa soi đường quốc dân đi” và khẳng định: “Văn hóa còn, dân tộc còn”. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng đã và đang ngăn chặn kịp thời sự suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên có quyền chức. Nhưng có một vũ khí vô cùng quan trọng hoặc có thể nói là quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng chính là văn hóa.
Văn hóa giúp mọi dân tộc làm ra lương tri của con người và dân tộc. Khi có lương tri tức là con người mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp nhất. Đó là lòng tự trọng, tình thương yêu đồng loại, sự sẻ chia, sự dâng hiến và “ĐẠO” làm người.
Văn hóa làm cho mỗi cá nhân luôn có khả năng tự vấn đề những hành vi của mình với gia đình và cộng đồng, văn hóa làm cho từng cá nhân thấu hiểu thế nào là hạnh phúc và văn hóa làm cho con người biết xấu hổ về những dục vọng thấp hèn của mình. Khi con người biết tự vấn, thấu hiểu ý nghĩa của hạnh phúc, biết xấu hổ và xám hối thì con người biết quyết định hành vi của mình. Từ đó, sự ích kỷ, lòng tham lam, thói hưởng lạc cá nhân bị lương tri chặn lại.
Cách đây 30 năm, trong một cuộc trò chuyện với phụ huynh của một trường trung học phổ thông về định hướng sống cho những trẻ vị thành niên trước khi bước vào làm công dân của một đất nước, một phụ huynh đề nghị các nhà văn hãy viết một cuốn cẩm nang về những cạm bẫy có trong đời sống để con em họ có thể thấy trước và đi qua. Tôi nói với các phụ huynh rằng: Nếu các nhà văn viết một cuốn cẩm nang với 1.000 cạm bẫy thì khi bước vào đời con em họ gặp cạm bẫy thứ 1.001 thì có thể sẽ bị sa bẫy. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải gieo vào tâm hồn những đứa trẻ hạt giống của cái đẹp. Khi cái cây mang tên cái đẹp mọc lên và tươi tốt trong tâm hồn của một con người thì con người ấy thấu hiểu cái đẹp.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng đã và đang ngăn chặn kịp thời sự suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên có quyền chức. Nhưng có một vũ khí vô cùng quan trọng hoặc có thể nói là quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng chính là văn hóa. |
Khi thấu hiểu được cái đẹp thì con người đó sẽ có khả năng nhận biết cái gì là ĐẸP và cái gì là XẤU. Và như thế, chúng sẽ đi qua được mọi cạm bẫy của cuộc đời này. Khi biết được số tiền mà một số tội phạm tham nhũng được từ tài sản của Nhà nước và Nhân dân, nhiều người đã phải kêu lên: “Sao họ lại cần đến một số tiền nhiều đến như vậy?”.
Nhu cần bản thân một tội phạm tham nhũng không cần tới một lượng tiền lớn như thế cho cá nhân họ và gia đình họ. Nhưng nhu cầu của lòng tham và sự vô lương tâm của họ đã không cho phép họ dừng lại. Nếu họ có khả năng dày vò lương tâm, nếu họ có khả năng tự vấn bản thân là số tài sản họ đang có đến từ đâu, nếu họ có khả năng xấu hổ về hành vi ăn cắp của mình, họ sẽ dừng lại. Những “khả năng” đó chỉ có thể sinh ra từ văn hóa.
Bởi thế, văn hóa chính là ngọn đuốc soi đường cho một con người và một dân tộc tìm thấy đường trong bóng tối của tâm hồn và bước đi về phía ánh sáng.
Hệ thống pháp lý và các cơ quan chống tham nhũng là vành đai cuối cùng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nhưng vành đai đầu tiên và quan trọng nhất là văn hóa. Một con người, một cộng đồng chứa đựng bên trong mình văn hóa (cái đẹp) thì sẽ đi qua được bóng tối của lòng tham.
“Vũ khí” quan trọng nhất và hiệu quả nhất chống lại cái Ác là lương tri, còn tất cả những “công cụ” khác là thứ yếu. Bởi thế, chúng ta càng nhận rõ một cách sâu sắc cuộc đấu tranh cụ thể, trực diện chống tham nhũng và công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc. Đấy chính là tư tưởng lớn của một quốc gia.