Theo các nhà khoa học, một trong những lợi thế đặc thù, nổi trội của Ninh Bình đó là người dân hiền hòa, mến khách, tốt bụng và nghĩa tình, vừa dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, vừa cần cù, chịu khó trong lao động, lại có ý chí quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Với lợi thế về truyền thống của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình luôn chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư, coi hành vi ứng xử nơi công cộng là một góc nhìn mới, ở cấp độ cao hơn khi định dạng các giá trị bản sắc và xây dựng thương hiệu địa phương.
Những năm qua, du lịch Ninh Bình đã phát triển với tốc độ rất nhanh và vươn lên thành một trong những ngành kinh tế trọng yếu giữ vai trò điều hướng của nền kinh tế địa phương. Thành công đó không thể tách rời những đóng góp quan trọng của cộng đồng dân cư. Theo quan điểm của đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch: Chính sựứng xử thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương, sự chuyên nghiệp của người lao động sẽ tạo nên những ấn tượng tốt đẹp, yêu mến và sự tin cậy của khách du lịch. Vì vậy, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh với khách du lịch, hoạt động du lịch có trách nhiệm, bảo vệ di sản cho người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch. Từ năm 2010 đến nay, đã tổ chức hơn 100 lớp bồi dưỡng, tập huấn về du lịch cho hơn 11.000 lượt học viên.
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch và Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Bộ quy tắc đã có những quy định cụ thể về ứng xử đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch, ứng xử đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ như: trang phục, thái độ ứng xử, ý thức bảo vệ môi trường. UBND tỉnh cũng đã có quy định riêng đối với nhân dân trong tỉnh như: về trang phục phải lịch sự, phù hợp với văn hóa truyền thống địa phương, sử dụng ngôn ngữ phù hợp ở nơi công cộng, đặc biệt là các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa. Về ứng xử, có tinh thần yêu quê hương, tự hào về quê hương, thân thiện, mến khách, tôn trọng, nhiệt tình giúp đỡ khách du lịch; không nói lời thô tục, thiếu văn hóa, sử dụng có kiểm soát đồ uống có cồn, không gây ồn ào, mất trật tự nơi công cộng; có ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan và môi trường tự nhiên…
Để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh các nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh các quy định về bảo vệ, quản lý theo Luật Di sản văn hóa, Quy chế còn quy định rõ các điểm di tích phải có sự đồng thuận của người dân và các hoạt động phải tuân thủ các quy định theo nếp sống văn hóa, văn minh. Việc quảng bá, giới thiệu các di tích cần quan tâm đến việc giáo dục truyền thống và tạo ấn tượng để thu hút khách du lịch đến tham quan di tích.
Đối với thế hệ trẻ, tỉnh Ninh Bình đã có kế hoạch “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Thực hiện kế hoạch này, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo xây dựng các nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lớp trẻ, thế hệ tương lai của Ninh Bình về văn hóa ứng xử, lối sống, đạo đức trong trường học và nơi công cộng; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ chuẩn mực để xây dựng văn hóa ứng xử của từng cá nhân trong cộng đồng. Thực hiện tốt chiến lược đào tạo, xây dựng, bồi dưỡng văn hóa ứng xử nơi công cộng cho học sinh trong các trường học. Khuyến khích học sinh tìm hiểu các giá trị lịch sử của địa phương, hiểu biết nhiều hơn về truyền thống văn hóa của gia đình, cộng đồng và quê hương Ninh Bình.
Tỉnh cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các công sở nhằm xây dựng các cơ quan văn hóa, văn minh, chuyên nghiệp. Nêu cao tinh thần phục vụ người dân và khách đến làm việc hiệu quả, có các chuẩn mực ứng xử trong thi hành công vụ, đồng thời cũng làm gương cho nhân dân trong phong cách phục vụ và thực hiện nhiệm vụ. Trong Bộ quy tắc do UBND tỉnh ban hành, có 6 quy tắc chung quy định thái độ làm việc khi tiếp dân với phong cách thân thiện, nhiệt tình, trách nhiệm và tận tâm. Các quy tắc chi tiết đối với từng nhóm cán bộ trong các hoạt động quản lý, phục vụ cũng đã góp phần định hướng chung cho nhân dân trong phong cách ứng xử nơi công cộng.
Như vậy, có thể thấy, tỉnh Ninh Bình đã rất quan tâm đến văn hóa ứng xử nơi công cộng và gắn việc xây dựng hành vi ứng xử nơi công cộng với phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đồng thời giáo dục cho người dân hành vi ứng xử nơi công cộng gắn với xây dựng thương hiệu, hình ảnh địa phương.
Trong định hướng phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình, hoạt động tuyên truyền, giáo dục hành vi ứng xử nơi công cộng gắn với xây dựng thương hiệu, hình ảnh địa phương là rất quan trọng. Chính vì vậy, rất cần có chiến lược cụ thể để xác định rõ những bản sắc văn hóa của địa phương, đưa các giá trị bản sắc văn hóa đó vào các nội dung tuyên truyền, giáo dục cho người dân. Trong đó, cần cụ thể từng nội dung phù hợp với từng nhóm tuổi, nhóm nghề nghiệp, nhóm xã hội. Đặc biệt là gắn các nội dung tuyên truyền về bản sắc văn hóa, thương hiệu địa phương với các khóa tập huấn, đào tạo những người phục vụ khách du lịch, bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, người dân tham gia phục vụ du lịch, các em học sinh…
Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình chia sẻ: Những quy tắc ứng xử nơi công cộng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch, dịch vụ tỉnh Ninh Bình. Bởi vì với khách du lịch, ấn tượng ban đầu là sự thân thiện, nhiệt tình và chu đáo cùng với những hiểu biết về văn hóa, con người, tự nhiên môi trường của mỗi người dân, hướng dẫn viên du lịch sẽ giúp cho thương hiệu du lịch Ninh Bình trở nên nổi tiếng và được đón nhận rộng rãi hơn.
Tin rằng, những điểm đặc sắc nhất của Ninh Bình dễ dàng đi vào lòng du khách bởi phong cách ứng xử thân thiện, mến khách, những món ăn ngon, phong cảnh đẹp và sự thông thái, chuyên nghiệp của các hướng dẫn viên du lịch, người dân địa phương sẽ là nguồn lực xã hội quan trọng giúp cho du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong định hướng đến năm 2030.
Nguyễn Thơm