Rong ruổi khắp nơi để tìm hiểu về sự chuyển biến tích cực của văn hóa
Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhà báo Bùi Thoa – Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Lãnh đạo Ban Biên tập giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai rất nhiều đề tài và chương trình về văn hóa như: Công nghiệp văn hóa; di sản văn hóa; văn hóa ứng xử, văn hóa công sở; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người thời đại mới; chấn hưng văn hóa…. theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Để triển khai những đề tài này, nhà báo Bùi Thoa cùng cộng sự đã rong ruổi khắp các tỉnh thành: Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.HCM… để tìm hiểu về sự chuyển biến tích cực của văn hóa từ khi có Nghị quyết Đại hội XIII soi sáng.
“Không chỉ thường xuyên xuống cơ sở ở các địa phương, tôi còn hay đến các bảo tàng hay các di sản đang kêu cứu, các lễ hội hay các điểm di tích, có lúc lại là các nhà hát với các buổi biểu diễn đa dạng hay các buổi cà phê trò chuyện rôm rả cùng các nghệ sĩ, các chuyên gia về lĩnh vực văn hóa….. Nhiều lúc thấy tôi như vậy con tôi lại hỏi mẹ làm gì mà toàn thấy đi chơi?” – chị Bùi Thoa chia sẻ.
Đúng là nếu không hiểu gì về văn hóa thì sẽ thấy văn hóa chỉ là “cờ, đèn, kèn, trống…”, nhảy nhót, hát ca… người đi làm về văn hóa là được đi chơi, nhưng thực chất làm về văn hóa rất khó và khổ, vất vả không kém gì các lĩnh vực khác.
Nhà báo Bùi Thoa kể: “Các buổi biểu diễn, các chương trình lớn thường diễn ra vào ngày nghỉ hay các buổi tối, đi làm cả ngày, cả tuần vất vả về tối hoặc thứ 7, chủ nhật lại phải tiếp tục tác nghiệp tại các sự kiện, nhiều khi chúng tôi phải làm việc xuyên đêm, không có ngày nghỉ là chuyện bình thường”.
Chọn viết về lĩnh vực văn hóa rất khó và nhạy cảm. Nếu phóng viên không “tinh”, “nhạy” và có sự thẩm thấu nhất định sẽ rất dễ bị sai và lạc hướng. Vì vậy, để bài viết phản ánh đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời truyền đạt được các thông điệp cần thiết chị Thoa và cộng sự đã phải tìm đọc, nghiên cứu các tư liệu chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực văn hóa rất kỹ. Nhiều lúc đọc đi đọc lại rất nhiều lần mới bật ra được ý tưởng.
“Chúng tôi lựa chọn đề tài này không chỉ vì đây là một chủ trương lớn xuyên suốt trong các kỳ Đại hội và được đặc biệt nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng mà còn vì chúng tôi xác định: Chấn hưng văn hóa chính là ngọn nguồn, là gốc rễ của mọi sự phát triển. Đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm xây dựng nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh; tạo động lực quan trọng phát triển đất nước như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra” – nhà báo Bùi Thoa chia sẻ.
Thấm sâu vào đời sống như “cơm ăn, nước uống hằng ngày”
Loạt 5 bài đề cập đến vấn đề chấn hưng văn hóa đây là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng không chỉ qua các kỳ Đại hội mà trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì triển khai một đề tài lớn, thể hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhà báo Bùi Thoa và cộng sự phải chuẩn bị rất kỹ.
Nhóm tác giả phải phân chia các thành viên thu thập tài liệu; phỏng vấn các chuyên gia, nhà quản lý; chuẩn bị tư liệu ảnh, làm ảnh… “Sau khi đã có những tư liệu cơ bản chúng tôi bắt tay vào triển khai thực hiện từng bài viết với các ý tưởng và thông điệp rõ ràng. Trong quá trình tác nghiệp thách thức và cũng là trở ngại lớn nhất của chúng tôi có lẽ là chuyện phỏng vấn lãnh đạo đứng đầu các ngành, đơn vị… và nghiên cứu các tư liệu, chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực này.”
Quá trình thực hiện tác phẩm, nhà báo Bùi Thoa đặc biệt ấn tượng khi đi phỏng vấn các lãnh đạo cơ quan, đơn vị có liên quan, nghe các kiến giải, chị đã mở mang và ngộ ra được rất nhiều điều mà nếu chỉ đọc và nghiên cứu các tư liệu không thể rõ được.
“Thông qua các cuộc trò chuyện, phỏng vấn với các chuyên gia, nhà quản lý, tôi không chỉ có thêm tư liệu cho bài viết mà tôi còn tích lũy được thêm rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm hành trang cho công việc và cuộc sống của chính mình” – nhà báo Bùi Thoa bày tỏ.
Đơn cử như quan điểm của các chuyên gia về vấn đề “chấn hưng văn hóa” rất khác nhau, có người cho rằng nên dùng, có người lại cho rằng không nên dùng khái niệm này để nói về văn hóa hiện nay…. vì sẽ dễ gây hiểu lầm rằng văn hóa hiện nay đang ở dưới đáy mà thực tế văn hóa thời kỳ mới vẫn đang phát triển….
Trước những quan điểm khác biệt như vậy đòi hỏi nhà báo Bùi Thoa và cộng sự phải có một bộ lọc sáng suốt. Chấn hưng văn hóa đơn giản là làm cho văn hóa phát triển hơn. Nếu hiện nay văn hóa đã phát triển rồi thì thời gian tới sẽ làm nó phát triển hơn như mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Việc chuẩn bị nội dung cho bài viết đã công phu nhưng việc chọn và thiết kế ảnh cho bài viết làm sao để đúng, “trúng” với nội dung, minh họa rõ nét cho các ý tưởng của bài viết cũng được nhà báo Bùi Thoa rất quan tâm, chị và cộng sự đã mất rất nhiều thời gian và vất vả không kém gì việc làm nội dung.
“Rất nhiều hôm tôi và Thanh Thảo – người thiết kế chính cho loạt bài đã trao đổi, gửi đi gửi lại những thiết kế ảnh đến một, hai giờ đêm. Tuy nhỏ tuổi nhưng Thanh Thảo là người rất có trách nhiệm và khá kỹ tính trong công việc, đặc biệt có nhiều ý tưởng sáng tạo khi thiết kế ảnh mà khi làm việc cùng tôi không ngờ tới” – chị Thoa chia sẻ.
Để chấn hưng văn hóa không chỉ là những ý tưởng đẹp đẽ trên giấy, khẩu hiệu suông hay câu chuyện của phong trào… mà là những việc làm cụ thể, thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả thấm sâu vào đời sống như “cơm ăn, nước uống hằng ngày” là thông điệp quan trọng mà loạt bài viết muốn khẳng định và truyền tải tới bạn đọc.
Bên cạnh đó, trong loạt 5 bài tác phẩm “Câu chuyện chấn hưng văn hóa” cũng đưa ra rất nhiều quan điểm, giải pháp về phát triển và chấn hưng văn hóa để văn hóa thực sự trở thành “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.
Hoàng Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/van-hoa-khong-chi-la-co-den-ken-trong-post299597.html