Văn hóa giao thông (VHGT) không chỉ được hiểu là chấp hành tốt Luật Giao thông, mà còn phải đấu tranh với những hành vi vi phạm giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với giới trẻ vì nó không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) mà còn hình thành nên lối ứng xử có văn hóa, an toàn khi tham gia giao thông của những chủ nhân tương lai của đất nước.
Đoàn viên, thanh niên được tập huấn các kỹ năng lái xe để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.
Thời gian qua, tình trạng TNGT trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đều chưa được kiểm soát, nhất là các vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông dẫn đến TNGT có sự xuất hiện của đối tượng thanh, thiếu niên luôn chiếm tỷ lệ cao đến mức đáng lo ngại. Còn nhớ cuối năm 2022, vụ TNGT nghiêm trọng trên địa bàn huyện Triệu Sơn khiến 3 thanh niên tử vong tại chỗ để lại nhiều dư âm khiến những người dân địa phương vẫn chưa hết bàng hoàng. Cả 3 thanh niên đều đi với tốc độ nhanh và không đội mũ bảo hiểm. Đây cũng là đoạn đường có “điểm đen” về xảy ra TNGT. Dù đã được cảnh báo bởi các biển hiệu nhưng dường như nhiều thanh niên vẫn thờ ơ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, dẫn đến xảy ra TNGT.
Khi tham gia giao thông chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều thanh niên, thậm chí là cả học sinh, sinh viên phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông. Nhiều cậu ấm, cô chiêu, trong đó không ít người chưa đến 18 tuổi chỉ nhờ bố mẹ, anh chị hướng dẫn “mấy đường cơ bản” rồi cưỡi xe máy phóng ầm ầm ra đường. Mục đích chỉ để thể hiện cá tính của bản thân, những thanh niên này thường đi dàn hàng ngang, đèo ba, đèo bốn, lạng lách đánh võng làm “huyên náo” nhiều khu phố và khiến người đi đường vô cùng hoảng sợ, bất bình.
Một vụ tai nạn giao thông do sự bất chấp các quy định về Luật Giao thông đường bộ.
Dư luận có nhiều câu hỏi đặt ra cho thanh niên với vấn đề văn hóa giao thông, thanh niên cần làm gì để góp phần xây dựng văn hóa giao thông hiện nay? Có phải một bộ phận thanh niên ngày nay thích “thể hiện mình” bằng cách cố tình vi phạm khi tham gia giao thông!?
Anh Lê Anh Vinh, thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, chia sẻ: “Không ít lần đi qua các ngã ba, ngã tư tôi đã tận mắt chứng kiến các vụ tai nạn, va quệt. Lạ một nỗi là những người điều khiển phương tiện giao thông đi qua ngã ba, ngã tư nhưng phóng khá nhanh, nhất là nhiều thanh niên bất chấp nguy hiểm, đi lấn phần đường cốt để tránh nơi đường xấu, gập ghềnh, mặc cho mọi người nhìn với ánh mắt khó chịu… Còn hiện tượng không đội mũ bảo hiểm nhưng vẫn phóng bạt mạng thì là chuyện “như cơm bữa”…”.
Từ trước đến nay chúng ta vẫn thường lầm tưởng văn hóa giao thông chỉ được hiểu là chấp hành tốt Luật Giao thông, có thái độ và hành vi đúng mực khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, những ứng xử như kiềm chế thái độ nóng nảy khi xảy ra TNGT, sẵn sàng giúp đỡ người bị TNGT… cũng hết sức quan trọng nhưng lại ít được đề cập. Nhất là vẫn có nhiều người có thái độ dửng dưng, thờ ơ, coi chuyện không may của người khác “không phải chuyện của mình”. Thậm chí chỉ biết đứng nhìn một cách tò mò, hiếu kỳ, mà không nghĩ là phải quan tâm, cứu chữa người bị nạn. Chị Lê Thị Phương (TP Thanh Hóa) kể lại: “Cách đây không lâu, khi đang đi trên đường, tôi bị hai nữ học sinh đâm vào phía sau xe. Cả tôi và em học sinh đó đều bị ngã, cũng may là va quệt nhẹ nên cả 2 chỉ bị trầy xước ngoài da. Nhưng lạ một nỗi, mặc dù thấy tai nạn nhưng người dân địa phương vẫn thờ ơ, không mảy may chạy ra giúp đỡ…”.
Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng, nhằm kiềm chế TNGT. Xây dựng văn hóa giao thông là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với giới trẻ vì nó không chỉ góp phần giảm thiểu TNGT một cách bền vững mà còn hình thành nên lối ứng xử có văn hóa, an toàn khi tham gia giao thông của những chủ nhân tương lai của đất nước. Về vấn đề này, đồng chí Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, nhấn mạnh: “Xây dựng văn hóa giao thông là nhằm giúp mọi người có ý thức và trách nhiệm đúng khi tham gia giao thông, không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác. Do vậy, mỗi thanh, thiếu niên hãy có những hành động thiết thực để góp sức xây dựng văn hóa giao thông. TNGT chỉ có thể giảm khi ý thức của mỗi người được nâng lên, mà trong đó thanh, thiếu niên đóng vai trò trước hết và trên hết”.
Bài và ảnh: Lê Phượng