Trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, mảnh đất Hà Tĩnh được định vị là vùng địa linh, nhân kiệt. Linh khí của vùng đất núi Hồng – sông Lam tỏa rạng dọc chiều dài lịch sử, nhân kiệt nối nhau từ đời này sang đời khác tạo nên nguồn lực to lớn cho sự phát triển của Hà Tĩnh hiện tại và mai sau.
Cầu Bến Thủy – cửa ngõ phía Bắc Hà Tĩnh. Ảnh: Đậu Hà
Linh khí Hồng Lam
Sông Lam nằm giữa đôi bờ Nghệ Tĩnh, phía bờ Nam là dãy Hồng Lĩnh chạy dài từ Nghi Xuân đến Can Lộc. Núi Hồng soi bóng sông Lam. Sông Lam quấn quýt ôm ấp núi non và những xóm thôn, bờ bãi. Dọc triền sông là những làng quê, những địa danh ghi dấu truyền thống văn hóa như: Tiên Điền, Cổ Đạm; thương cảng cổ Hội Thống, di chỉ khảo cổ học Bãi Cọi – Phôi Phối. Non nước hữu tình cũng mời gọi bước chân du khách về với Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du cổ kính, Khu du lịch biển Xuân Thành hiện đại và thơ mộng.
Theo mạch núi Hồng là con đường thiên lý Bắc – Nam chạy qua vùng đất cổ Việt Thường, nơi tương truyền là kinh đô Ngàn Hống của vua Kinh Dương Vương. Nơi đây có quần thể các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được phục dựng, đầu tư, luôn hấp dẫn du khách như: chùa Đại Hùng, chùa Thiên Tượng, chùa Hang, suối Tiên, đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ… Cái tên “Bãi Vọt” đã lùi sâu vào dĩ vãng với những dấu vết của một vùng hoang vu, hiểm trở, thay vào đó là thị xã Hồng Lĩnh nằm dưới chân núi Hồng ngày nay đang bừng lên những nét tươi trẻ.
Một góc thị xã Hồng Lĩnh ngày nay.
Núi sông hùng vĩ đã sản sinh bao huyền thoại. Và huyền thoại 99 con chim phượng hoàng đậu trên 99 đỉnh non Hồng lưu truyền qua bao sương khói của thời gian đã trở thành mạch nguồn linh thiêng. Huyền tích Công chúa Ba – con vua Trang Vương nước Sở sang núi Hồng tu hành đắc đạo, thành Phật bà Quan Âm Bồ Tát trăm tay nghìn mắt cứu độ chúng sinh, được thờ phụng trên chùa Hương Tích ở Thiên Lộc (Can Lộc) đã minh chứng địa linh của cả một vùng đất.
Từ miền xuôi đến miền ngược, đồng bằng hay thành thị, nơi đâu cũng dễ dàng chạm vào dấu tích lịch sử, ghi lại truyền thống yêu nước thương nòi, anh dũng, bất khuất của người Hà Tĩnh. Đó là đền thờ Mai Hắc Đế ở Lộc Hà; đền thờ Lê Khôi ở Thạch Hà; thành Sơn Phòng Hàm Nghi ở Hương Khê; căn cứ địa Vũ Quang gắn với tên tuổi chí sĩ Phan Đình Phùng; bến Tam Soa và đồi Quần Hội – nơi có khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú; Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập; Ngã ba Đồng Lộc…
Ngã ba Đồng Lộc ngày nay.
Đại thi hào Nguyễn Du từng thốt lên: “Lam thủy, Hồng sơn vô hạn thắng!” (sông Lam, núi Hồng cảnh đẹp vô cùng!). Ở đây đâu chỉ đẹp ở cảnh sắc mà còn đẹp ở những câu chuyện về những con người đã tạo nên linh khí cho vùng đất này. Và cũng đâu phải dễ dàng mà cụm núi sông này được nhà Nguyễn khắc vào Cửu đỉnh ở Huế như một định vị của văn hóa Hồng Lam.
Nhân kiệt – mạch nguồn vô tận
Người xưa thường nói, địa linh sinh nhân kiệt. Hiếm có nơi nào như Hà Tĩnh, dẫu nắng đốt mưa chan, con người vẫn say mê trao truyền và sáng tạo văn hóa. Các làng quê nghèo đã sản sinh những dòng họ khoa bảng nổi tiếng khắp cả nước, như: Nguyễn Khắc, Đinh Nho (Hương Sơn); Phan Tùng Mai (Đức Thọ); Nguyễn Huy (Can Lộc); Phan Huy (Lộc Hà); họ Nguyễn (Tiên Điền – Nghi Xuân)…
Từ dòng mạch mát lành của những dòng họ, nhiều tên tuổi đã đi vào sử sách như: Nguyễn Công Trứ, Bùi Cầm Hổ kinh bang tế thế; Lê Hữu Trác – đại danh y; Sử Hy Nhan, Nguyễn Nghiễm, Phan Huy Ích tinh thông sử học; Đặng Dung, Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng xả thân cứu nước; Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch – những nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa xuất sắc; Đại thi hào Nguyễn Du – danh nhân văn hóa thế giới… Thế kỷ XX, nhiều tên tuổi chói sáng trên các lĩnh vực chính trị, khoa học, nghệ thuật, như: Trần Phú, Hà Huy Tập, Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đổng Chi, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Phan Chánh…
Đại diện đoàn Việt Nam nhận chứng nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO dành cho Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.
1.800 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 617 di tích được xếp hạng đã minh chứng cho tài năng sáng tạo và tâm huyết giữ gìn của các thế hệ cư dân Hà Tĩnh. Dân ca ví giặm, ca trù, trò Kiều, sắc bùa, hò chèo cạn Cẩm Nhượng… được trao truyền và phát triển mạnh mẽ.
UNESCO đã vinh danh ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; ví giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu của dòng họ Nguyễn Huy là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương… Đó là những sản phẩm sáng tạo, được gìn giữ từ phẩm chất, tâm hồn người Hà Tĩnh.
Nét đẹp riêng có, có thể coi như bản sắc của người Hà Tĩnh là phẩm chất anh hùng luôn hòa quyện với tâm hồn thi nhân. Đó là Đặng Dung ở thế kỷ XV phò vua diệt giặc “mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà”; Nguyễn Du vừa là sứ thần, vừa là ngôi sao sáng trên thi đàn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX; Nguyễn Công Trứ vừa là dinh điền sứ, vừa là nhà thơ, người viết lời cho thể ca trù; Phan Đình Phùng vừa đánh giặc vừa làm thơ… Thế kỷ XX, nhiều người con trai, con gái anh hùng đối mặt với bom đạn địch nhưng tâm hồn vẫn lạc quan phơi phới, đánh giặc và làm thơ, ca hát, điển hình là tấm gương 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Tất cả đã khắc tạc nên một Hà Tĩnh đất học, đất thơ, đất nhạc, một Hà Tĩnh cách mạng hào hùng.
TP Hà Tĩnh ngày càng hiện đại, văn minh.
Người Hà Tĩnh hôm nay không chỉ gìn giữ mà còn phát huy được những phẩm chất tốt đẹp về hiếu học, nhân nghĩa, thủy chung, cần cù, sáng tạo. Những dòng họ, gia đình, làng quê nhiều đời hiếu học không chỉ đóng góp to lớn cho “nguyên khí quốc gia” mà còn hình thành nên tố chất con người Hà Tĩnh, kiến tạo nên bản sắc văn hóa để trao truyền lại cho đời sau. Thời đại công nghệ 4.0, sự học ở Hà Tĩnh càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Trên bảng xếp hạng thành tích giáo dục của cả nước, Hà Tĩnh vẫn luôn nằm trong top đầu về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi vào đại học. Những tấm gương sáng: Trịnh Kim Chi, Phan Mạnh Tân, Lê Nam Trường, Võ Anh Đức, Phan Nhật Duy, Phan Xuân Hành… sẽ còn lan tỏa mạnh mẽ.
Bởi thế, nói về Hà Tĩnh, ngoài tài nguyên thiên nhiên, người ta thường nhắc đến một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá khác, đó là nguồn lực văn hóa, con người. Theo bước cha ông, người Hà Tĩnh hôm nay đang tỏa sáng muôn phương. Theo số liệu khảo sát từ năm 1945 lại nay, có gần 750 người con Hà Tĩnh được phong tặng học hàm giáo sư, phó giáo sư. Nhiều nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia hàng đầu quê Hà Tĩnh đã đóng góp lớn cho đất nước và thế giới.
8 gương mặt học sinh Hà Tĩnh đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, năm học 2022-2023.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhấn mạnh: Nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững; lấy con người làm trung tâm, khoa học – công nghệ là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh. Đó chính là kim chỉ nam cho mọi hành động, để cấp ủy, chính quyền và người dân nỗ lực hơn nữa trong phát huy vị trí, sức mạnh của văn hóa, con người Hà Tĩnh trong thời đại mới; có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo để khai thác nguồn lực văn hóa, con người vì sự phát triển của quê hương, đất nước.
Bùi Minh Huệ