Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing và đồng chí Inthapattha Somboun, Chánh văn phòng Bộ Tài chính Lào đồng chủ trì hội thảo.

Các tham luận tại hội thảo đã khẳng định, 61 năm kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ hữu nghị (9-1962/9-2023) và 46 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18-7-1977/18-7-2023), hai quốc gia Việt Nam và Lào đã tạo nên bề dày lịch sử và những thành tựu to lớn. Các tham luận đã làm nổi bật vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đối với mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, những ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Kaysone Phomvihane khi được vận dụng để xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào ngày càng bền vững.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing phát biểu tại hội thảo. 

Tiến sĩ Lại Văn Nam, Trưởng Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Tài chính – Marketing cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng tình đoàn kết hữu nghị gắn bó lâu dài, bền vững giữa hai nước Việt Nam – Lào, coi đây là vấn đề sống còn đối với tiến trình phát triển đi lên của mỗi nước. Đồng thời, là vấn đề vừa mang tính quốc tế, vừa mang tính dân tộc, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc “giúp bạn là giúp mình”. Quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào mãi là tài sản vô giá, là hành trang không thể thiếu được của hai dân tộc trên con đường dựng xây, kiến thiết đất nước”.

Tại hội thảo, các tham luận còn khái quát những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực: Quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng, an ninh, đầu tư, thương mại, hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, nông lâm và phát triển nông thôn, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, về hợp tác đa phương… mà hai quốc gia đã đạt được từ mối quan hệ hữu nghị Việt – Lào. Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Kaysone Phomvihane càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn đối với mỗi quốc gia Việt Nam, Lào, cũng như đối với mối quan hệ hữu nghị của hai quốc gia.

 Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Trình bày tham luận “Tư tưởng Kaysone Phomvihane về đổi mới trong lĩnh vực kinh tế hiện nay”, Thạc sĩ Doansouvanh Lamphoun, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tư tưởng Kaysone Phomvihane, Học viện Chính trị-hành chính quốc gia Lào đã nhấn mạnh rằng: Tư tưởng Kaysone Phomvihane vẫn tiếp tục được vận dụng sáng tạo vào thực tiễn hiện nay. Trong đó, chú trọng các giải pháp về cải cách cơ cấu kinh tế, cải cách chiến lược về tiền lương, tiếp tục định hướng phát triển thương mại bền vững, thực hiện tốt chiến lược tiền tệ, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về quản lý kinh tế, mở cửa và hợp tác quốc tế… Vấn đề hợp tác quốc tế giữ vai trò rất quan trọng trong thực tiễn hiện nay, trong đó có mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Lào.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing cũng đề xuất nhiều giải pháp để vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay. Trong đó, phải tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả, kết hợp phát triển kinh tế số để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

 Trường Đại học Tài chính – Marketing trao quà lưu niệm đến đoàn đại biểu tham dự hội thảo của nước bạn Lào.

Phát biểu tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane là hai lãnh tụ đã đặt những viên gạch nền móng đầu tiên để hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao sau này. Ban tổ chức hội thảo rất tâm đắc khi các tham luận đã chia sẻ những quan điểm, nhận định, đề xuất giải pháp mang giá trị lý luận và thực tiễn cao, bám sát chủ đề hội thảo. Đồng thời, hội thảo còn tiếp nhận nhiều bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, sinh viên đến từ một số trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam và Lào. Những vấn đề, bài học đưa ra tại hội thảo sẽ được vận dụng vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo của hai trường, nhất là góp phần đào tạo nhân lực về tài chính, kinh tế để tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa hai nước.

Tin, ảnh: HỒNG GIANG