Triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những ngày này, huyện Vân Đồn đã và đang tổng huy động các lực lượng kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hỗ trợ người dân xoá bỏ hoàn toàn phao xốp trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), thay thế bằng phao nhựa HDPE hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương, phấn đấu hoàn thành vào ngày 30/4/2023.
Với tinh thần ra quân quyết liệt, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đề ra, huyện Vân Đồn đã dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện. Các đồng chí lãnh đạo Huyện uỷ – HĐND – UBND huyện đã trực tiếp xuống các địa bàn được phụ trách để chỉ đạo, đôn đốc. Cùng với đó, các tổ công tác từ huyện đến cơ sở đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ nhân dân cắt bỏ phao xốp, trong đó tập trung ở những địa bàn còn tồn đọng số lượng phao xốp lớn, như: Đông Xá, Hạ Long, Bản Sen, Vạn Yên. UBND huyện cũng thành lập Tổ công tác thu gom phao xốp sau tháo dỡ trôi nổi trên biển; đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội huyện huy động các lực lượng cùng tham gia.
Các địa phương đã tích cực vào cuộc, huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện ra quân quyết liệt để tổ chức thực hiện di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép; đồng thời vận động, tuyên truyền nhân dân, nhất là các hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) cùng tham gia tháo dỡ, thay thế phao xốp và thu gom xử lý. Nhiều lực lượng duy trì chế độ làm việc, sinh hoạt trên biển để rà soát, gấp rút hỗ trợ người dân một cách nhanh nhất.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen cho biết: “Địa phương đã huy động toàn bộ nhân lực là cán bộ, công chức của xã, cán bộ các thôn, đảng viên; đồng thời vận động, tuyên truyền nhân dân, nhất là các hộ gia đình NTTS cùng tham gia tháo dỡ, thay thế phao xốp. Mỗi ngày, xã huy động được khoảng 60 người chia thành 7 tổ ra quân tháo dỡ, cắt bỏ và thu gom phao xốp, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ”.
Nhìn chung, các hộ dân NTTS đều cơ bản đồng thuận với chủ trương chuyển đổi vật liệu nổi trong NTTS phù hợp với quy chuẩn địa phương. Tuy nhiên, do trong thời gian ngắn, số lượng phao các hộ dân cần chuyển đổi lớn nên nguồn cung phao nhựa HDPE khan hiếm làm ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thơm, thôn Quyết Thắng, xã Thắng Lợi, có gần 5.000 quả phao xốp cần thay thế. Đến nay, gia đình anh đã thay được trên 1.000 quả, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, trong tuần này gia đình anh sẽ hoàn thành thay thế số phao còn lại.
Là địa phương có số lượng phao xốp nhiều nhất tỉnh, số lượng phao xốp cần chuyển đổi trong năm 2023 là 1,47 triệu quả. Đến hết ngày 19/4, huyện Vân Đồn đã cắt giảm được gần 1,1 triệu quả, số còn lại cần thay thế khoảng 400 ngàn quả. Toàn huyện đã chuyển đổi được gần 1,6 triệu phao nhựa HDPE.
Trước ngày 25/4, huyện Vân Đồn sẽ hoàn thành việc cưỡng chế đối với những hộ dân không tự giác thay thế phao xốp trong NTTS.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Đồn có 7 địa phương vẫn còn phao xốp, hàng ngày các tổ công tác của huyện và các địa phương tiếp tục theo dõi, chỉ đạo cắt bỏ, hỗ trợ người dân thu gom phao xốp trên biển. Trong 2 ngày thứ 7 và chủ nhật (ngày 22 và 23/4), huyện sẽ tập trung ra quân tổng lực, huy động tất cả hệ thống chính trị cùng tham gia chiến dịch làm sạch biển, tiến hành thu gom toàn bộ phao xốp trôi nổi trên mặt biển. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung tất cả các lực lượng hỗ trợ tối đa cho nhân dân trong việc cắt bỏ phao xốp và thu gom về các vị trí đã được bố trí, sắp xếp để xử lý theo đúng quy định”.
Chỉ còn chục ngày nữa, toàn huyện sẽ phải chuyển đổi xong phao xốp trên biển. Vì vậy, trong những ngày này, huyện Vân Đồn đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng tốc huy động lực lượng, phương tiện, tích cực ra quân cắt giảm phao xốp, hỗ trợ người dân thay thế phao nổi HDPE đạt quy chuẩn kỹ thuật địa phương đảm bảo mục tiêu đã đề ra.