Được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, địa hình biển đảo độc đáo, huyện Vân Đồn xác định du lịch tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Huyện phấn đấu năm 2023 thu hút khoảng 1,4 triệu lượt du khách. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đang tiếp tục triển khai các kế hoạch kích cầu, thu hút khách du lịch, phát huy thế mạnh du lịch biển đảo.
Hạ tầng ngày càng đồng bộ
Những năm qua, huyện Vân Đồn được trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư mạnh về kết cấu hạ tầng. Một số dự án có tính chất động lực đã và đang được triển khai, trong đó nhiều dự án quan trọng đã hoàn thành, như: Đường đấu nối trục chính các khu chức năng KKT Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu cao cấp Ao Tiên; đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái…, góp phần quan trọng phát triển du lịch, dịch vụ.
Ngành Du lịch huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đang từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cũng từ du lịch, nhận thức cộng đồng dân cư được nâng lên rõ rệt, môi trường sinh thái ngày càng được quan tâm bảo vệ.
Việc tổ chức không gian phát triển sản phẩm du lịch Vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn đã được định hình rõ và hình thành các sản phẩm du lịch biển đảo đặc trưng theo khu vực tuyến trong đảo Cái Bầu và các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Bản Sen. Đó là du lịch tâm linh, tham quan thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái, như: Du lịch tham quan nghiên cứu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử (cụm di tích đình chùa miếu nghè Quan Lạn và lễ hội truyền thống Vân Đồn; đền Cặp Tiên, chùa Cái Bầu); du lịch tham quan Vịnh Bái Tử Long bằng tàu du lịch; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch gắn với văn hóa, thể thao (Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Đông Xá); du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cộng đồng (trải nghiệm vườn cam xã Vạn Yên, trải nghiệm các hoạt động đánh bắt cùng ngư dân địa phương tại xã Quan Lạn).
Một sản phẩm du lịch huyện mới đưa vào hoạt động là hai tuyến phố đi bộ tại xã đảo Minh Châu và xã đảo Quan Lạn từ đợt nghỉ lễ 30/4-1/5/2023; bãi tắm tại khu du lịch Phương Đông, Sonasea Vân Đồn Harbor City đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Năm 2022 mặc dù còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhất là thời điểm đầu năm, nhưng lượng khách đến Vân Đồn đạt khoảng 1,2 triệu lượt; doanh thu du lịch khoảng 1.865 tỷ đồng.
Phát triển nhiều sản phẩm du lịch
Xây dựng Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao và phát triển du lịch là động lực chính để phát triển các ngành kinh tế – xã hội khác tại địa phương là mục tiêu dài hạn mà huyện đang tập trung hướng tới trong hành trình phát triển của mình, phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có.
Năm 2023, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn về tiềm năng, thế mạnh du lịch và kịch bản tăng trưởng kinh tế, huyện đặt mục tiêu tạo đột phá về phát triển du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến và sử dụng dịch vụ, sản phẩm địa phương. 4 tháng đầu năm huyện đón hơn 400.000 lượt du khách, đạt 32% kế hoạch năm, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, huyện đặt mục tiêu đón gần 1,4 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch 2.000 tỷ đồng, góp phần thu hút 15 triệu lượt du khách đến Quảng Ninh.
Để thực hiện được mục tiêu này, huyện đang triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có, phát triển các sản phẩm mới; xây dựng các tour du lịch sinh thái biển chất lượng cao; tổ chức các loại hình du lịch gắn với du lịch biển, văn hóa, lịch sử, du lịch cộng đồng. Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường củng cố bộ máy tổ chức và công tác cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và nhân dân đối với sự phát triển du lịch của huyện.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, Vân Đồn sẽ phát triển hệ thống dịch vụ kinh doanh du lịch có chất lượng cao, đặc biệt hệ thống cơ sở lưu trú xếp hạng từ 3 sao trở lên và hệ thống tàu du lịch lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh Bái Tử Long. Huyện tập trung phát triển không gian du lịch theo 2 khu vực chính: Khu du lịch đảo Cái Bầu (khu du lịch lưu trú, dịch vụ ven bờ gồm các xã Hạ Long, Vạn Yên, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên, Đông Xá và thị trấn Cái Rồng); Khu du lịch biển đảo ( các xã Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Thắng Lợi; Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Vịnh Bái Tử Long).
Song song với đó, huyện tập trung chỉ đạo đảm bảo công tác ANTT, bảo vệ môi trường và an toàn cho du khách tại các điểm du lịch; thực hiện bình ổn giá, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết; niêm yết giá cả tại nhà hàng, quán ăn, các điểm bán hàng, tạo tâm lý an tâm, tin tưởng…